Anh Định bên vườn sâm bố chính của mình
Anh Vũ Công Định cho biết, thời học đại học (ngành công nghệ thông tin) ở Nam Định, trong một lần bị sốt cao được một người bạn quê ở Phú Yên cho một củ sâm bố chính làm uống thử, thì khoảng 2 giờ sau bệnh giảm, sức khỏe ngày càng tốt lên. Thấy loại dược liệu này quá hiệu quả nên anh Định muốn tìm hiểu và nhân rộng loại cây này để giúp đỡ gia đình và người thân.
Thế là đam mê trồng sâm bố chính dần nổi lên, anh Định bắt đầu tìm tòi cây giống mang về trồng thử. Thời gian đầu, để đưa một loại dược liệu có nguồn gốc từ trên núi về trồng vùng đồng bằng rất khó khăn. Do cây có đặc điểm sống ở khí hậu mát mẻ dưới tán rừng nên khi đem về vùng đồng bằng khí hậu nóng, tỷ lệ sống khoảng 20%. Không chịu bỏ cuộc, anh Định tiếp tục tìm hiểu và lên tận trên rừng lấy hạt về ươm trồng thử, lúc đầu là 100 chậu trước nhà sau thấy cây phát triển tốt anh thuê thêm đất trồng luôn loại cây này.
“Lúc đó gia đình rất nghèo, không có đất sản xuất nhưng vì đam mê và thấy loại dược liệu này có triển vọng nên tôi quyết định bỏ luôn nghề dạy học, thuê 3,5 công đất cách nhà vợ 8km để chuyên tâm trồng sâm bố chính. Thời điểm đó, bạn bè, gia đình ai cũng nói tôi điên, cản không cho làm, nhưng tôi quyết tâm làm cho bằng được. Sau một vụ đầu thất bại, 1 năm sau, sâm bố chính đã không phụ lòng tôi. Vụ sâm đó tôi thu được 4,5 tấn, bán với giá 300 ngàn đồng/kg, thu được 1,2 tỷ đồng. Thời điểm 12 năm trước, đây là một số tiền rất lớn, tôi quyết định dùng số tiền này mua 1,5ha đất để xây dựng sự nghiệp ban đầu”.
Thừa thắng xông lên, anh Định tiếp tục dùng số đất mua được trồng sâm bố chính và mở rộng quy mô dần. Với vốn đất hiện có ở các tỉnh: Bình Phước, Kiên Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, anh Định trồng hàng chục hecta loại sâm này và các loại dược liệu khác như: đinh lăng, sâm cóc, sâm đại hành... để cung cấp cho các nhà thuốc trên cả nước. Ngoài ra, anh còn liên kết với khoảng 40 hộ dân trong tỉnh tận dụng diện tích vườn tạp trồng bao tiêu sâm bố chính cho anh thu lại sản phẩm.
Về thị trường tiêu thụ, anh Định cho biết, thời gian đầu, các nhà thuốc còn e ngại về dược tính của sâm trồng ở đồng bằng, nhưng sau khi kiểm tra kỹ lưỡng, họ thấy chất lượng đạt nên đã chủ động liên hệ và đặt mua với số lượng rất lớn. Trong đó, chủ yếu là khách hàng miền ngoài, họ lấy nguyên liệu củ thô về bào chế thuốc, ngâm rượu hoặc sản xuất kẹo sâm... “Tôi cũng đang ấp ủ ước mơ nếu có điều kiện, sẽ đầu tư công nghệ chế biến các loại dược liệu để sản xuất ra thành phẩm phục vụ cho khách tham quan, cũng như giúp ích cho bà con quê hương mình”- anh Định chia sẻ.
Cũng với mong muốn đóng góp cho quê hương, hiện nay bên cạnh phát triển việc trồng dược liệu, anh Định còn đầu tư một vườn dược liệu kết hợp du lịch tại ấp Phú Hòa, xã Phú Thuận B quê hương anh. Khu du lịch có diện tích 12ha gồm tổ hợp các hạng mục như: vườn dược liệu, cây ăn trái, hồ bơi, khu ăn uống, quán cà phê... dự kiến sẽ đưa vào hoạt động vào cuối năm nay. Theo anh Định, mục đích của anh là để cho sinh viên đông y có chỗ để khảo nghiệm thực tế và là nơi để khách tham quan biết đến vùng đất Phú Thuận quê anh.
Có thể nói, sau hơn 12 năm khởi nghiệp “khác người” đến nay, cơ ngơi mà chàng trai 8x này có được khiến ai cũng nể, với hàng chục hecta đất trồng dược liệu, thu nhập hàng năm trên 1tỷ đồng, cùng với những dự án du lịch. Đây là một tấm gương điển hình thế hệ 8x dám nghĩ, dám làm để thế hệ trẻ học hỏi, làm theo...
Theo MN (Báo Đồng Tháp)