Công nhân Nhà máy chế biến thủy sản Việt Úc đóng gói tôm chuẩn bị xuất khẩu.
Tình hình xuất khẩu hàng hóa của tỉnh Bạc Liêu có sự chuyển biến khá tích cực so với năm 2022. Trong năm 2023, Nhà máy chế biến thủy sản Việt Úc đã hoàn thành và đưa vào khai thác, bước đầu xuất khẩu được 46 tấn tôm sang thị trường Hàn Quốc và hiện đang tiếp tục tìm đơn hàng mới. Ước đến cuối năm 2023 sản lượng xuất khẩu thủy sản toàn tỉnh là 95.016 tấn, đạt 100% kế hoạch, tăng 14,97% so cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1 tỉ USD, đạt 100% kế hoạch, tăng 17,21% so cùng kỳ.
Bên cạnh những thuận lợi, xuất khẩu tôm của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn do tác động từ hậu quả của dịch COVID-19, suy thoái, lạm phát ở một số thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn làm cho nhu cầu giảm, đơn hàng giảm; giá nguyên vật liệu đầu vào tăng… Tuy nhiên, trước những khó khăn nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu của tỉnh Bạc Liêu đã năng động vượt khó bằng việc tổ chức lại sản xuất, đầu tư công nghệ sản xuất mới để nâng cao khả năng cạnh tranh và đẩy mạnh liên kết với nông dân, nhà khoa học nhằm xây dựng chuỗi sản xuất khép kín, phá vỡ các rào cản bằng việc hoàn thành các thủ tục về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Bạc Liêu hiện có 3 mặt hàng xuất khẩu chính đó là tôm, gạo và muối. Trong đó, mặt hàng tôm xuất khẩu chiếm trên 95% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 48 nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu, với dây chuyền thiết bị hiện đại và công suất chế biến thiết kế khoảng 294.000 tấn/năm. Các sản phẩm tôm đã được chế biến đạt tiêu chuẩn và thâm nhập vào các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc và nhiều thị trường khác trên thế giới. Mục tiêu phấn đấu của tỉnh Bạc Liêu đến năm 2025 xuất khẩu tôm đạt 1,3 tỉ USD và đến năm 2030 đạt 1,7 tỉ USD. Để đạt được mục tiêu xuất khẩu này, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, cho rằng: Nếu muốn xuất khẩu tôm vào thị trường EU, phải tăng cường sản phẩm thế mạnh như sản phẩm hữu cơ, bền vững; có biện pháp bán hàng và thanh toán phù hợp; tận dụng triệt để các lợi thế từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) để nâng sức cạnh tranh. Còn đối với thị trường Trung Quốc (chiếm 19% tổng kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam) phải linh hoạt với nhiều hình thức xuất khẩu, lựa chọn cách thức thanh toán. Nhất là cập nhật các chính sách nhập khẩu của Trung ương, địa phương và đẩy mạnh xuất khẩu những sản phẩm thế mạnh…
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều, để tôm Bạc Liêu thâm nhập sâu vào các thị trường xuất khẩu lớn thì các doanh nghiệp cần quan tâm hơn đến việc chế biến các mặt hàng giá trị gia tăng cao, đa dạng các mặt hàng. Đây cũng là giải pháp làm tăng khả năng cạnh tranh về xuất nguyên liệu thô với các nước có nền công nghiệp nuôi tôm lớn. Đồng thời, hạn chế tình trạng sử dụng lãng phí nguồn nguyên liệu và hướng đến thay đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững và nâng cao giá trị gia tăng.
Thời gian tới tỉnh Bạc Liêu sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại; khuyến khích các doanh nghiệp đăng ký thương hiệu sản phẩm hàng hóa và quảng bá sản phẩm gắn với xây dựng và quảng bá thương hiệu tôm Bạc Liêu. Cùng đó là đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa; tranh thủ các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia của Bộ Công Thương để hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia, mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa.
Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp chế biến thủy sản, xuất khẩu trên địa bàn tỉnh phải mạnh dạn đầu tư, thay đổi công nghệ sản xuất lạc hậu sang công nghệ tiên tiến; tổ chức liên kết với các doanh nghiệp giữa các địa phương tham gia chuỗi tôm, đảm bảo chuỗi sản xuất tôm vận hành liên hoàn. Tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát để ngăn chặn kịp thời những sản phẩm như: con giống, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản không đảm bảo chất lượng tới người tiêu dùng; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm trong nuôi trồng thủy sản nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm phục vụ chế biến, tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Theo DUY ANH (Báo Cần Thơ)