Bạc Liêu khẳng định vai trò trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước

07/06/2022 - 10:35

Sau khi có chủ trương của Thủ tướng Chính phủ, ngày 28-7-2020 UBND tỉnh Bạc Liêu đã phê duyệt Đề án xây dựng Bạc Liêu trở thành Trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước tại Quyết định số 214/QĐ-UBND (gọi tắt là Đề án). Qua 2 năm thực hiện Đề án, ngành tôm tỉnh tăng trưởng trên tất cả lĩnh vực và Bạc Liêu là một trong 6 tỉnh trọng điểm tôm của cả nước có vai trò quan trọng trong nhiều khâu của “chuỗi cung ứng tôm” ĐBSCL cũng như của cả nước. Là tỉnh đứng thứ 2 cả nước về diện tích và sản lượng, với nhiều mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao hàng đầu quốc gia.

Thành quả bước đầu

Nông dân Bạc Liêu thu hoạch tôm.

Theo ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Bạc Liêu, sau 2 năm thực hiện Đề án ngành tôm của tỉnh đã có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng. Về nuôi tôm thương phẩm năm 2021, sản lượng nuôi trồng thủy sản của tỉnh đạt gần 300.000 tấn, tăng 11,58% so với năm 2019. Bạc Liêu đang đẩy mạnh phát triển nuôi tôm với nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, bền vững như nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh, tôm - rừng, tôm - lúa. Riêng mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao (CNC) đã có sự phát triển nhanh so với năm 2019, với tổng số 25 công ty, đơn vị và 657 hộ dân đang đầu tư nuôi tôm siêu thâm canh, với diện tích gần 4.000ha. Điểm nổi bật của mô hình là tính hiệu quả về năng suất và chất lượng tôm, với năng suất tăng từ 10-15 lần so với nuôi tôm thông thường.

Riêng sản xuất tôm giống, tỉnh có 349 cơ sở sản xuất, kinh doanh tôm giống, tăng 24 cơ sở so với năm 2019 (công suất từ 32-35 tỉ post/năm); 30 cơ sở sản xuất tôm càng xanh giống, tăng 6 cơ sở so với năm 2019 (công suất thiết kế 800 triệu post/năm với sản lượng 600 triệu con/năm). Trong đó, có nhiều doanh nghiệp sản xuất tôm giống quy mô lớn, chất lượng cao như Công ty CP Việt Úc Bạc Liêu, Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam - Chi nhánh Bạc Liêu 2, Công ty Kim Sa, Dương Hùng, Khánh Hồng,… góp phần đưa sản lượng tôm giống có chất lượng cao đạt trên 70%, đáp ứng đủ nhu cầu cho người nuôi tôm trong và ngoài tỉnh. Ông Lưu Hoàng Ly cho biết thêm: “Để Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành tôm của cả nước, UBND tỉnh Bạc Liêu đã phê duyệt Đề án gồm 5 chương trình và 20 dự án, với nguồn vốn thực hiện 3.007 tỉ đồng. Trong đó, việc đầu tư xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu được xem là điểm nhấn quan trọng để hiện thực hóa chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cũng như kỳ vọng của tỉnh. Tính đến nay, hạng mục này đã hoàn thành giai đoạn 1 và thực hiện xong các hồ sơ, thủ tục triển khai giai đoạn 2. Hiện tại cũng đã tuyển chọn được 9 doanh nghiệp đầu tư vào khu này”.

Quyết tâm cao

Theo ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, thủy sản, trong đó con tôm được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn khi chiếm 58% trong cơ cấu sản phẩm ngành Nông nghiệp, chiếm 28% cơ cấu kinh tế của tỉnh. Việc xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm công nghiệp tôm của cả nước có ý nghĩa quan trọng cả trước mắt và lâu dài đối với tỉnh Bạc Liêu. Qua đó, không chỉ tạo động lực phát triển kinh tế, phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu mà còn góp phần cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, tăng nhanh năng suất, sản lượng, chất lượng gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm và bảo vệ môi trường, hướng đến tạo ra thương hiệu “tôm sạch Bạc Liêu”.

Thời gian qua, thực hiện đề án, các cấp, các ngành, doanh nghiệp tỉnh đã phát huy tốt tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo đạt được nhiều kết quả to lớn hơn, đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn bền vững, xứng đáng là ngọn cờ đầu của cả nước về phát triển thủy sản nói chung và ngành tôm công nghệ cao nói riêng.

Mục tiêu của đề án hướng tới sản xuất tôm nuôi năm 2025 là 40-45 tỉ con giống đáp ứng nhu cầu giống tôm nuôi của tỉnh, đồng thời xuất sang các tỉnh lân cận; lượng giống sản xuất đảm bảo chất lượng đạt 90%. Diện tích nuôi tôm 147.900ha, trong đó nuôi theo mô hình siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao; thâm canh, bán thâm canh với diện tích 35.900ha; mô hình tôm - lúa với diện tích 42.000ha, mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến kết hợp với diện tích 70.000ha. Sản lượng tôm nuôi 249.000 tấn, trong đó nuôi theo mô hình ứng dụng công nghệ cao; thâm canh, bán thâm canh đạt 199.200 tấn… Sản lượng tôm chế biến đạt 120.000 tấn; tỷ trọng sản phẩm tôm ứng dụng công nghệ cao trên 30%; tổng sản lượng tôm xuất khẩu đạt 90.000 tấn và chiếm trên 90% tổng sản lượng thủy sản chế biến của cả tỉnh. Phát triển năng lực chế biến, đưa tổng công suất thiết kế đạt 160.000 tấn/năm. Xuất khẩu tôm đạt 1,3 tỉ USD và 100% cơ sở nuôi siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh được cấp xác nhận đối tượng nuôi chủ lực....

Để tỉnh Bạc Liêu đứng ở vị trí hàng đầu về công nghệ chế biến tôm của cả nước, ông Lữ Văn Hùng, Bí thư Tỉnh uỷ Bạc Liêu, cho biết: “Nhiệm vụ xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước là nhiệm vụ chính trị lớn, cần phải có quyết tâm cao, quyết liệt hơn, tập trung hơn nữa vào ngành tôm của tỉnh. Trong đó, chú trọng đầu tư phát huy hiệu quả mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao và mô hình tôm - lúa. Mặt khác, tỉnh sẽ tạo cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, chế biến nông, thủy sản và lĩnh vực phi nông nghiệp, tạo nhiều việc làm cho người lao động; đầu tư hạ tầng để bảo đảm cung cấp đủ điện cho các vùng nuôi tôm…”.

Theo Báo Cần Thơ