Bảo tồn chợ nổi Cái Răng bền vững

10/07/2018 - 08:45

Chợ nổi Cái Răng là điểm du lịch nổi tiếng trong nước và quốc tế, nhưng hiện đứng trước nguy cơ mai một những giá trị làm nên bản sắc. Việc gìn giữ và phát triển chợ nổi được TP Cần Thơ và quận Cái Răng đề cập trong nhiều cuộc hội thảo. Trong khuôn khổ Ngày hội Du lịch Văn hóa Chợ nổi Cái Răng, hội thảo “Giải pháp thu hút thương hồ và khách tham quan tại chợ nổi Cái Răng” tiếp tục đặt ra vấn đề này.

Ngày hội Du lịch Văn hóa Chợ nổi Cái Răng trở thành sự kiện thu hút đông đảo du khách đến tham quan.

Nhiều vấn đề mới phát sinh, nan giải

Theo tiến trình phát triển và xu hướng đô thị hóa, cùng với tác động của nhiều yếu tố khách quan; chợ nổi Cái Răng không còn sầm uất như xưa và ngày càng thu hẹp. Năm 2016, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận Văn hóa Chợ nổi Cái Răng là Di sản Phi vật thể cấp quốc gia; Cần Thơ cũng đã phê duyệt Đề án Bảo tồn và phát triển Chợ nổi Cái Răng. 

Qua 2 năm kể từ khi Văn hóa Chợ nổi được công nhận là di sản, Đề án Bảo tồn và phát triển Chợ nổi Cái Răng được triển khai, chợ nổi dần có những điểm phát triển mới. Theo ông Nguyễn Anh Dũng- tiểu thương có mô hình đờn ca tài tử trên sông thu hút khoảng 200 lượt khách mỗi ngày- tình trạng an ninh trật tự đã được đảm bảo, không còn nạn trộm trên sông và thương hồ cũng an tâm neo đậu, làm ăn. Chính quyền tạo điều kiện vay vốn kinh doanh, giúp người dân bám chợ. Bà Bùi Thị Bích Phượng, Phó Chủ tịch UBND phường Lê Bình, cho biết: “Địa phương đã phối hợp với Công an quận hỗ trợ bè nổi neo đậu an toàn, cấp sổ tạm trú với các hộ bè nổi, tạo điều kiện cho con em tiểu thương trên sông được đến trường. Địa phương cũng phối hợp nhiều đơn vị hữu quan thành lập các mô hình: Tuần tra trên sông, Chợ nổi an toàn, Vớt rác trên sông... Ngoài ra, phường cũng đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội quận tạo điều kiện cho 174 tiểu thương kinh doanh trên chợ nổi vay 5,64 tỉ đồng”.

Ông Vương Công Khanh, Phó Chủ tịch UNBD quận Cái Răng, thông tin: “Theo lộ trình Đề án Bảo tồn và phát triển Chợ nổi Cái Răng, giai đoạn 1 từ năm 2016-2018, địa phương đã hoàn thành hệ thống phao tiêu phân luồng, sắp xếp trật tự các bè nổi, phân luồng bảo đảm an toàn giao thông đường thủy trên chợ nổi, xây dựng các mô hình đảm bảo vệ sinh môi trường. Địa phương cũng đã xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ an sinh  xã hội cho người dân chợ nổi. Tuy nhiên cho đến nay kết quả vẫn chưa như mong đợi và có nhiều vấn đề mới phát sinh, nan giải”. Anh Huỳnh Thanh Xuân, thương hồ trên chợ nổi, bày tỏ: “Những chính sách phát triển Chợ nổi Cái Răng nói chung là tốt. Tuy nhiên khâu tổ chức, quản lý hoạt động du lịch và mua bán còn hạn chế, nhất là vấn đề giá cả dịch vụ, chất lượng sản phẩm. Tình trạng ô nhiễm môi trường cũng đáng lo ngại. Tôi lo việc quy hoạch bờ kè trong thời gian tới có thể phá vỡ hiện trạng của chợ nổi. Là người gắn bó với chợ nổi, tôi cũng như bà con thương hồ đều lo lắng và không mong muốn điều này”. Ông Trương Văn Thống, chủ ghe du lịch, cũng chia sẻ: “Tôi không muốn chợ tan. Chợ còn giữ nét tự nhiên mới thu hút được du khách”.

Chợ nổi Cái Răng đang tồn tại rất nhiều vấn đề về môi trường, sản phẩm du lịch, dịch vụ, nhân lực… và làm sao để chợ nổi thu hút thương hồ bám chợ, níu chân du khách thì còn rất nhiều điều cần phải làm và phải lựa chọn những giải pháp phù hợp.

Dịch vụ: cần đa dạng và chất lượng

Ông Nguyễn Thiện Thành, Phó Trưởng Phòng Nghiệp vụ Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cần Thơ, nêu ý kiến: “Chợ nổi Cái Răng cần phát triển theo định hướng có trách nhiệm và bền vững. Vì vậy phải giữ vững kiềng ba chân: văn hóa - môi trường - kinh tế. Văn hóa sông nước là nét đặc thù của chợ nổi và chúng ta cần tạo những giá trị trải nghiệm cho du khách. Bên cạnh đó, yếu tố môi trường phải được đảm bảo. Khi hai yếu tố đó làm nên chất lượng sản phẩm thì lợi ích kinh tế sẽ nảy sinh, du khách sẽ đến chợ nổi nhiều hơn và tiểu thương trên chợ nổi sẽ sống được”. Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Mỹ, Trưởng ban Quản lý Di tích thành phố, cho rằng: “Cần tổ chức thêm các hoạt động trải nghiệm trên chợ nổi, chẳng hạn như “Một ngày làm cư dân chợ nổi”. Cái Răng cũng cần có thêm các đề án, nghiên cứu về chợ nổi, từ đó xây dựng kho tư liệu, những giá trị văn hóa... hình thành những câu chuyện có thể tạo cái nhìn mới và sản phẩm mới về chợ nổi. Với các thương hồ, địa phương cần tạo thêm nhiều cơ chế chính sách để người dân được mua bán tại đây”.

Ở góc độ lữ hành, bà Hồ Thị Diệu Hiền, Phó Giám đốc Vietravel Cần Thơ, cho biết: “6 tháng đầu năm nay, chúng tôi đưa khoảng 10.000 du khách về tham quan Cần Thơ và Chợ nổi Cái Răng là điểm du lịch thường được khai thác trong các tour tại Cần Thơ của Vietravel. Tuy nhiên, du khách chỉ đến một lần và hiếm khi quay lại bởi các sản phẩm, dịch vụ chưa phong phú. Chợ nổi Cái Răng cần có thêm nhiều dịch vụ chất lượng, chẳng hạn trạm dừng chân, nhà hàng với hình thức bắt mắt. Ẩm thực chợ nổi là nét độc đáo nên khai thác. Chợ nổi Cái Răng cần có những câu chuyện mới để hấp dẫn du khách và thêm các chương trình biểu diễn văn hóa”. Ông Nguyễn Anh Dũng, tiểu thương trên chợ nổi Cái Răng, nêu ý kiến: “Chợ nổi Cái Răng vốn chỉ bán sỉ nên có thể chuyển đổi thêm mô hình bán lẻ, đặc biệt là trái cây; hay thêm các dịch vụ về biểu diễn văn hóa, ẩm thực. Về vấn đề bờ kè, tôi cho rằng phải giữ hiện trạng tự nhiên của chợ nổi. Chợ nổi nằm ở bên phía bồi, chỉ nên kè bên lở và ở hai phần đầu của chợ”.

Ông Vương Công Khanh, Phó Chủ tịch UNBD quận Cái Răng, khẳng định, quận đang tích cực thực hiện các phần việc trong đề án, lắng nghe ý kiến của người dân chợ nổi, các chuyên gia, đơn vị lữ hành để có những giải pháp phù hợp cho những vấn đề phát sinh. Trước mắt, địa phương sẽ tập trung giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, nghiên cứu các giải pháp khi tiến hành xây dựng bờ kè; xây dựng điểm dừng chân và các sản phẩm, dịch vụ phụ trợ phục vụ du khách; tổ chức các sự kiện thu hút thương hồ và du khách;... để chợ nổi được duy trì và phát huy tiềm năng, trở thành điểm đến an toàn, hấp dẫn.

Chợ nổi Cái Răng hiện có mức trao đổi hàng hóa trung bình 1.500 tấn/ngày, thu hút khoảng 1 triệu du khách mỗi năm (trung bình mỗi ngày có khoảng 2.500- 3.000 lượt khách). Trong 6 tháng đầu năm 2018, du lịch Cái Răng đón khoảng 1,39 triệu lượt khách, trong đó chợ nổi Cái Răng có khoảng 687.810 lượt khách, chiếm hơn 50% lượng khách. Lượng khách đến chợ nổi Cái Răng mỗi năm đều tăng ít nhất 20%. 

Theo ÁI LAM (Báo Cần Thơ)