Bến Tre: Nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp hữu cơ

25/12/2023 - 10:50

Nông nghiệp hữu cơ (NNHC) là một trong những hướng đi của nông nghiệp Việt Nam nói chung và của tỉnh nói riêng nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Qua triển khai thực hiện Đề án Phát triển NNHC giai đoạn 2020 - 2030 trên địa bàn tỉnh, nhận thức của hệ thống chính trị và nhân dân về phát triển NNHC, tổ chức phát triển sản xuất hiệu quả theo chuỗi giá trị đã được nâng cao. Hiện diện tích nhóm đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 25.467,4ha.

Diện tích nhóm đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ trên địa bàn tỉnh đạt trên 25,4 ngàn héc-ta.

Kết quả thực hiện các mục tiêu

Hiện diện tích nhóm đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 25.467,4ha. Diện tích nuôi trồng thủy sản theo tiêu chuẩn GAP, hữu cơ đạt khoảng 5.439ha; diện tích dừa sản xuất hữu cơ 18.525ha, chiếm 23,7% diện tích dừa toàn tỉnh. Đang chuyển đổi 10ha diện tích bưởi da xanh sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ PGS; diện tích lúa sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ 650ha; diện tích rau màu sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ PGS là 1,1817ha. Riêng diện tích nuôi tôm rừng đạt tiêu chuẩn EU Organic dự kiến đánh giá chứng nhận khoảng 553ha.

Sản xuất NNHC mang lại nhiều lợi ích như tạo lập giá trị kinh tế cao hơn các sản phẩm thông thường, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, không gây ảnh hưởng đến môi trường; có thể kết hợp với các loại hình kinh tế khác để mang lại thu nhập cao hơn cho người sản xuất.

Nhằm phát triển các vùng sản xuất NNHC, sản xuất an toàn tập trung gắn với các sản phẩm chủ lực, thời gian qua, tỉnh đã tăng cường xây dựng các vùng sản xuất tập trung, ưu tiên các vùng có điều kiện đất đai, khí hậu thuận lợi cho từng đối tượng cây trồng, vật nuôi; chọn lựa giống cây trồng, vật nuôi thích ứng tốt với điều kiện thổ nhưỡng, chống chịu dịch bệnh và có thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đang tập trung phát triển đa dạng các hình thức tổ chức sản xuất sản phẩm hữu cơ bằng việc triển khai xây dựng, thực hiện thí điểm các mô hình sản xuất nông nghiệp đạt chứng nhận hữu cơ, sản phẩm được cấp giấy chứng nhận hữu cơ theo quy định. Tiếp tục nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ; tập trung đào tạo, tập huấn phát triển nguồn nhân lực; phát triển các vật tư đầu vào phục vụ phát triển NNHC. Việc mở rộng, kết nối thị trường được tập trung thực hiện. Tỉnh tổ chức tốt các hoạt động kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm.

Phát triển các vùng sản xuất hữu cơ

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh, năm 2024, tỉnh tăng cường tuyên truyền, phổ biến, vận động để người sản xuất và người tiêu dùng tiếp cận được các quy định tại Nghị định số 109/2018/NĐ-CP ngày 29-8-2018 của Chính phủ về NNHC và các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện Quyết định số 885/QĐ-TTg ngày 23-6-2020 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án phát triển NNHC giai đoạn 2020 - 2030; Quyết định số 1236/QĐ-UBND ngày 15-6-2022 ban hành Đề án phát triển NNHC tỉnh Bến Tre giai đoạn 2022 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Bên cạnh đó, quan tâm phát triển các vùng sản xuất NNHC, sản xuất an toàn tập trung với các sản phẩm chủ lực; khuyến khích các hình thức sản xuất quy mô hợp tác xã, tổ hợp tác và doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hữu cơ từ việc phát triển đặc sản bản địa, sản phẩm khai thác từ tự nhiên, sản phẩm OCOP.

Chuyển đổi diện tích bưởi da xanh sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ PGS.

Chuyển đổi diện tích bưởi da xanh sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ PGS.

Đẩy nhanh việc hỗ trợ địa phương xác định các vùng đảm bảo điều kiện sản xuất hữu cơ, ưu tiên theo hướng phát triển tập trung, quy mô hàng hóa gắn với các sản phẩm lợi thế. Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn trao đổi về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ NNHC; hỗ trợ chứng nhận sản phẩm, nâng cao năng lực các tổ chức chứng nhận. Ưu tiên hơn nữa việc xây dựng, triển khai các đề tài khoa học công nghệ và chuyển giao các kết quả nghiên cứu cho địa phương về vật tư đầu vào, chế biến sản phẩm trong sản xuất hữu cơ.

Liên kết một số tổ chức quốc tế để chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, hoàn thiện các mô hình sản xuất hữu cơ đang thực hiện; thúc đẩy xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm hữu cơ.

Tiếp tục tạo lập, xác lập quyền chỉ dẫn địa lý được chứng nhận cho 6 sản phẩm (dừa, nghêu, gà, bò, gạo Thạnh Phú và tôm); phấn đấu tỉnh thực hiện xác lập quyền sở hữu chứng nhận chỉ dẫn địa lý nhiều nhất cả nước (11 chứng nhận), trong đó có 3 chỉ dẫn địa lý được đăng ký bảo hộ nước ngoài (dừa xiêm xanh, bưởi da xanh và sầu riêng), góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững cho các sản phẩm hàng hóa của tỉnh…

Đến nay, toàn tỉnh có 67 tổ hợp tác, 71 hợp tác xã tham gia vào chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, hình thành nên các vùng sản xuất trên các đối tượng như: dừa, cây ăn trái, cây giống - hoa kiểng, con heo, con bò, con tôm. Hình thành vùng sản xuất hữu cơ tập trung với các loại sản phẩm chủ lực của tỉnh như dừa, bưởi da xanh, rau, lúa, tôm.

Theo PHƯƠNG THẢO (Báo Đồng Khởi)