Bến Tre: Nét văn hóa đặc sắc lưu giữ ở đình Long Thạnh

19/02/2024 - 09:20

Ngôi đình hơn trăm tuổi nằm bên dòng sông Cửa Đại vẫn tràn sức sống trước sự ăn mòn của thời gian. Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia đình Long Thạnh, xã Long Định, huyện Bình Đại được xây dựng khang trang nhờ những cuộc thi đua của bao lớp người dân trong xã. Đến nay, truyền thống của đình vẫn được con cháu giữ tròn.

A A

Lãnh đạo xã Long Định trao quà mừng thọ cho cụ ông cao tuổi nhất (90 tuổi) và cụ bà cao tuổi nhất (97 tuổi).

Cùng nhau xây dựng đình

Thời Nguyễn, đình Long Thạnh có tên là Nguyệt Thạnh. Đến thời Pháp, thôn Nguyệt Thạnh sáp nhập và đổi tên thành Long Thạnh nên đình cũng được đổi tên thành đình Long Thạnh cho đến ngày hôm nay. Dấu vết còn lại của sự kiện này là hoành phi “Nguyệt Thạnh đình” ở Tiền điện.

Đình Long Thạnh, xã Long Định, huyện Bình Đại được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia năm 2018. Đây là công trình kiến trúc bằng gỗ, với nội thất độc đáo còn khá nguyên vẹn ở Bến Tre. Giá trị nghệ thuật văn hóa đặc sắc của đình Long Thạnh là các đồ án trang trí trên các công trình điêu khắc gỗ, cộng với các hiện vật còn lưu giữ như: bao lam, khánh thờ, hoành phi, long trụ, long đình, câu đối... đã nâng cao giá trị nghệ thuật cho ngôi đình. Các đồ án trang trí này thể hiện sự độc đáo, sắc sảo, tài hoa của những người thợ thủ công bậc thầy trước đây qua các đề tài: dơi, hoa mẫu đơn, cuốn thư, chuột, chim, tứ quý, tứ linh, tùng - lộc, mai - hạc...

Các liễn áp cột, hoành phi, câu đối, khánh thờ, long trụ, long đình được trang trí công phu, sống động. Các câu chữ ở liễn, hoành phi được thể hiện trên nền là long phụng bay lượn, chim muông hoa lá đều được sơn son thếp vàng. Đây là công trình kiến trúc nghệ thuật điêu khắc ở một trình độ kỹ thuật cao của nghề chạm khắc gỗ Việt Nam đầu thế kỷ XX.

Ông Trương Công Thái - kế hiền đình Long Thạnh (85 tuổi) cho biết: “Chúng tôi tự hào về sắc thần của đình, quý ở chỗ không phải vì có sắc, mà quý vì người dân có học. Lúc đó, ông bà đã làm đề nghị gửi về triều đình. Sau đó, triều đình mới xét và cấp sắc thần. Chúng tôi tâm niệm, người dân có học cao là vô cùng quý giá. Đình Long Thạnh có tới 6 sắc. Trong đó, có 4 sắc chỉ cấp trong một tháng. Chúng tôi bảo quản các sắc thần không một vết lem nào... Các cụ kể lại, khi xây dựng đình Long Thạnh đã có một cuộc tranh đua, người sau phải đóng góp nhiều hơn người trước. Sở dĩ đình có nhiều biển, liễn như vầy là do thi đua mỗi hương chức một nhiệm kỳ phải làm 1 tấm, mà người sau phải làm lớn hơn, đẹp hơn người trước. Bác và ba tôi kể lại, mỗi người dân đóng góp 1 cây đại trụ (cây cột bằng gỗ lim)...”.

Giữ nền nếp lưu truyền

Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, vào đầu thế kỷ XIX, nơi đây là vùng đất hoang hóa, rừng rậm với nhiều loài thú dữ. Các bậc tiền nhân từ vùng Ngũ Quảng di dân đến đây cùng nhau khai hoang, lập ấp, phát triển nông nghiệp. Đời sống nhân dân ngày càng khá lên. Nên người dân cần có một nơi để thờ cúng thần linh, nhằm tạ ơn thần đã phù hộ cho nhân dân có cuộc sống ấm no, vạn vật tốt tươi. Ngôi đình Long Thạnh hiện tại được xây dựng từ năm 1830, trên hai lô đất liền nhau cạnh bờ sông do ông Trần Văn Trung và Huỳnh Tấn Cường đã hiến cho làng.

Đình Long Thạnh ngoài giá trị về vật thể còn có giá trị về phi vật thể. Các lễ hội của đình được bảo đảm các yếu tố truyền thống với chủ lễ, lễ sinh, các bài văn tế, tàn, lộng, thỉnh sắc và 3 năm thì mời hát bội một lần. Vào các ngày này, nhân dân trong vùng tề tựu về cùng quây quần bên nhau để thưởng thức các vở hát bội truyền thống, cùng hàn huyên, kể lại thời ông cha đi mở đất.

Hàng năm, đình có tổ chức các lễ cúng: Ngày 7 tháng Giêng là lễ Khai sơn; Thượng ngươn (rằm tháng Giêng âm lịch), Giỗ Tổ Hùng Vương (mùng 10 tháng 3 âm lịch), Tết Đoan ngọ (mùng 5 tháng 5 âm lịch), Trung ngươn (rằm tháng 7 âm lịch), Hạ ngươn (rằm tháng 10 âm lịch), ngày 12, 13 tháng 4 âm lịch là lễ Hạ điền; ngày 12, 13 tháng 12 âm lịch là lễ Thượng điền. Lễ Kỳ yên được tổ chức 2 lần trong năm trùng với lễ Thượng điền và Hạ điền.

Ngày 16-2-2024 (nhằm mùng 7 tháng Giêng năm Giáp Thìn), Hội Người cao tuổi xã Long Định, huyện Bình Đại phối hợp với Ban Khánh tiết Đình thần Long Thạnh, xã Long Định, huyện Bình Đại tổ chức lễ Yến lão cho 100 cụ ông, cụ bà từ 80 tuổi trở lên tại xã Long Định. Lễ Yến lão được tổ chức tại đình Long Thạnh, nhằm nhắc nhớ sự kiện Hội nghị Diên Hồng năm 1284, do vua Trần Thánh Tông tổ chức.

 Chủ tịch UBND xã Long Định Nguyễn Nhật Thanh cho biết: “Các lễ cúng tại đình Long Thạnh đã được giữ vững qua nhiều năm, lãnh đạo xã rất quan tâm, trân quý và luôn có mặt tham dự các lễ cúng tại đình. Bên cạnh đó, đình còn được tu sửa thường xuyên, với nguồn kinh phí xã hội hóa nhờ ý thức giữ gìn, bảo quản ngôi đình của Ban Khánh tiết và nhân dân trong vùng ngày càng được nâng cao”.

Sau khi tạo dựng khang trang, các vị bô lão trong vùng mới họp lại thống nhất làm đề nghị gửi về triều đình nhà Nguyễn xin phong sắc cho đình. Đình Long Thạnh được sắc phong đầu tiên, gồm: Hai sắc Đại càn quốc gia Nam Hải và Bổn cảnh thành hoàng vào ngày 27 tháng 11 năm Thiệu Trị năm thứ 5 (1845). Đợt thứ hai gồm hai sắc như trên được sắc phong vào ngày 26 tháng 12 năm Thiệu Trị năm thứ 5 (1845). Đợt thứ ba cũng là hai sắc như trên được sắc phong vào ngày 8 tháng 11 năm Tự Đức năm thứ 3 (1850).

Theo THẠCH THẢO (Báo Đồng Khởi)