Vườn chôm chôm của anh Hồ Văn Lai.
Một số vườn bị ảnh hưởng nặng đã gây chết cây. Xuất phát từ tình hình trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao Trung tâm Khuyến nông xây dựng mô hình phục hồi vườn chôm chôm bị ảnh hưởng bởi hạn mặn, với diện tích 2ha trong năm 2020-2021, với mục tiêu chuyển giao kỹ thuật canh tác chôm chôm theo hướng giảm thiểu thiệt hại của hạn mặn bằng giải pháp kỹ thuật: quản lý độ mặn, độ chua trong đất; quản lý nước, dinh dưỡng dịch hại và điều chỉnh mùa vụ... Hướng dẫn các giải pháp phòng tránh hạn mặn, chủ động ngăn mặn, trữ ngọt cho các hộ tham gia mô hình.
Các hộ tham gia mô hình được Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ 50% vật tư: phân hữu cơ Boosfert 70 OM, phân lân nung chảy Ninh Bình (P2O5hh: 15%), vôi (CaCO3: 95%), phân bón lá Basfoliar Kelp SL (Auxin và Cytokinin), phân vi sinh vật Bio-RH và phân vi sinh vật Bio-TB.
Đất bị nhiễm mặn và khô hạn kéo dài sẽ bị mất kết cấu, hệ thống vi sinh bị phá hủy, tầng sinh phèn bị kích hoạt. Việc bổ sung phân hữu cơ Boosfert 70 OM và vôi (CaCO3 : 95%) sẽ giúp keo đất tái thiết, lập lại trạng thái hữu hiệu giúp cho cây trồng dễ hấp thu dinh dưỡng và nhanh chóng phục hồi sau hạn mặn. Bón phân lân nung chảy (P2O5hh: 15%) chủ động trước thời kỳ hạn mặn sẽ phát huy vai trò tích cực của các nguyên tố P, Ca, Mg và Si có trong sản phẩm, sẽ bổ sung trực tiếp dưỡng chất và nâng cao tính chống chịu hạn mặn của cây.
Phân bón lá Basfoliar Kelp SL chứa Auxin và Cytokinin góp phần rất quan trọng trong việc điều hòa lại tình trạng mất cân bằng sinh trưởng của cây chôm chôm sau khi bị hạn mặn. Kết hợp với phân vi sinh vật Bio-RH (Rhodopseudomonas sp., Bacillus sp., Azotobacter sp., Saccharomyces sp.), phân vi sinh vật Bio-TB (Trichoderma spp., Azotobacter sp., Pseudomonas sp) giúp phân hủy xác bã thực vật nhanh hơn và góp phần hạn chế các loại nấm hại tấn công cây trồng. Kết hợp với tháo chua, rửa mặn, đất được tơi xốp, hệ thống rễ phục hồi nhanh giúp cây hấp thu tốt dinh dưỡng…
Sau 18 tháng thực hiện mô hình, cuối tháng 11-2021, Trung tâm Khuyến nông tổ chức tổng kết mô hình đạt được kết quả như sau:
Điều chỉnh thành công pH đất từ 3,5 - 4 lên hơn 5 - 5,5 bằng biện pháp bón vôi, phân lân nung chảy và phân hữu cơ kết hợp tháo chua, rửa mặn. Vườn chôm chôm ra cơi mới tương đối nhanh khoảng 7 tuần/cơi tượt, đến khi xử lý ra hoa các vườn đều đạt đủ 3 cơi tượt. Sau khi xử lý tỷ lệ ra hoa, đậu trái đạt 80 - 90%; sau khi ra hoa tỷ lệ cây bị cháy lá chỉ khoảng 5% là các cây ở hàng bìa tiếp xúc với ánh sáng mặt trời và gió mạnh trực tiếp.
Năng suất các vườn đạt từ 20 - 25 tấn/ha với tất cả sản phẩm đều đạt chất lượng thương phẩm về độ lớn, màu sắc, độ giòn ngọt, rất ít trái bị nứt và lép, bán được giá cao trung bình 20 triệu đồng/tấn, thu được 337,9 triệu đồng/ha/vụ so với đối chứng 237,5 triệu đồng/ha/vụ. Anh Hồ Văn Lai, ấp Tân Thới, xã Sơn Định, tham gia mô hình diện tích 0,4ha phấn phởi cho biết vụ sản xuất vừa rồi lãi 132 triệu đồng.
Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách Nguyễn Văn Đơn nhận xét, kết quả mô hình đạt kết quả tốt, giúp người dân trồng chôm chôm tin tưởng, mạnh dạn áp dụng các biện pháp kỹ thuật chuyển giao, giúp duy trì và mở rộng diện tích trồng chôm chôm của huyện. Ngoài ra, ông cũng đề nghị về mặt kỹ thuật việc sử dụng vôi, có thể áp dụng biện pháp ngâm vôi tưới, hiệu quả sẽ nhanh hơn.
Theo Báo Đồng Khởi