Bến Tre: Sức sống mới ở một xã anh hùng

15/07/2022 - 08:29

Lịch sử đấu tranh cách mạng của đảng bộ, dân và quân xã Phước Hiệp có biết bao sự kiện, chuyện kể oai hùng. Phước Hiệp được biết đến là địa phương giàu truyền thống đấu tranh cách mạng, xã có nhiều mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) nhất trong tỉnh. Giờ đây, Phước Hiệp đã là xã nông thôn mới (NTM), hiện chỉ còn 4 mẹ VNAH còn sống.

Mẹ Việt Nam anh hùng Mai Thị Ba (là một trong 4 mẹ còn sống tại xã Phước Hiệp) bên Bia căm thù được đặt ở chợ xã Phước Hiệp, huyện Mỏ Cày Nam.

Từ xã anh hùng…

Lần giở quyển Lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Phước Hiệp (1930 - 2010) dày hơn 300 trang, dễ dàng cảm nhận được mảnh đất, con người ở đây đã phải hứng chịu nhiều nỗi đau và mất mát với biết bao mảnh đời vợ góa bụa, con mồ côi.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh có 6.927 mẹ VNAH, hiện chỉ còn sống 202 mẹ. Trong đó, xã Phước Hiệp, huyện Mỏ Cày Nam là địa phương có nhiều mẹ VNAH nhất, với 121 mẹ, hiện chỉ còn sống 4 mẹ. Lịch sử Đảng bộ xã Phước Hiệp đã ghi chép lại những tấm gương mẹ VNAH, tuy đã mất, nhưng tên tuổi của các mẹ vẫn còn sống mãi với thế hệ con cháu hôm nay. Đó là mẹ Phạm Thị Đầy, sinh năm 1904, ở xã Phước Hiệp. Nhà mẹ như là đền thờ những anh hùng liệt sĩ, nơi đã sản sinh ra “ba thế hệ, bốn anh hùng” với 12 liệt sĩ là con, cháu của mẹ Đầy. Thế hệ anh hùng thứ nhất thuộc về mẹ VNAH Phạm Thị Đầy. Thế hệ thứ hai là mẹ VNAH - liệt sĩ Lê Thị Nhung (con ruột mẹ Đầy) và mẹ VNAH Nguyễn Thị Niềm (con dâu mẹ Đầy). Thế hệ anh hùng thứ ba là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Khấu Trung Gương, chức vụ Đại đội trưởng Đại đội Bộ binh.

Biết bao câu chuyện anh hùng lưu truyền về gia đình của mẹ Đầy, như nhà mẹ nằm trong vành đai khai hoang trắng của địch, chỉ cách trụ sở tề ngụy xã 500m, phải chịu sự kìm kẹp gắt gao của kẻ thù. Thế nhưng, nhà của mẹ là nơi nuôi dưỡng cán bộ cách mạng, nơi tập hợp những người yêu nước và là nơi rèn luyện các thế hệ con cháu trở thành những chiến sĩ trung kiên, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Mẹ đã động viên đứa con gái của mình bị giặc làm nhục, đi đấu tranh trực diện với quân thù, góp phần khơi nguồn “Đội quân tóc dài”, làm thất bại cuộc càn của gần 10 ngàn lính thủy quân lục chiến ngụy trong trận vào các xã nôi Đồng khởi năm 1960.

Hay như tấm gương dũng cảm của mẹ VNAH Lê Thị Đợi, sinh năm 1913, ở Ấp 10, xã Phước Hiệp. Mẹ đứng thẳng trước nòng súng giặc, thà hy sinh thân mình để bảo vệ đội du kích xã. Tờ mờ sáng ngày 2-8-1962, địch điên tiết vì mẹ Đợi đã la lớn báo động để bảo vệ du kích xã, địch đã bắn 2 viên đạn xuyên vào lồng ngực mẹ. Tiếp theo là nhiều tiếng nổ của trung liên, lựu đạn vang lên, đội du kích xã vừa bắn trả, vừa rút lui an toàn. Tức tối vì không diệt được du kích Phước Hiệp, địch trở lại bắn thi thể mẹ tan nát. Một buổi sáng cỏ cây, thôn xóm Ấp 10 bao trùm mùi thuốc súng, trong lễ truy điệu mẹ Đợi, anh em du kích và bà con chung một lời thề: Quyết trả thù cho mẹ và nhân dân bị chúng sát hại.

Đến xã nông thôn mới

Bước đầu xây dựng NTM, xã Phước Hiệp gặp không ít khó khăn do địa bàn có nhiều sông rạch, mương vũng chia cắt, giao thông nông thôn chưa đảm bảo với nhiều tuyến đường nhỏ hư hỏng, xuống cấp. Tỷ lệ hộ nghèo cao (năm 2016 xã có 192 hộ nghèo, tỷ lệ 9,2%), sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng sau hạn mặn 2019-2020 và nhiều khó khăn khác.

Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia xã Phước Hiệp đã không ngừng nỗ lực, khơi dậy tinh thần tự lực tự cường, đoàn kết vươn lên với quyết tâm của 1 trong 3 xã “chiếc nôi” của quê hương “Đồng khởi”. Xã tập trung quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, vận động cả hệ thống chính trị và người dân cùng chung tay thực hiện. Sau 8 năm xây dựng xã NTM, đến năm 2021, 100% tuyến đường giao thông trục xã - liên xã đã được bê-tông hóa đạt chuẩn. 50,72% đường trục ấp và liên ấp đạt chuẩn cấp B và 38,16% đường ngõ, xóm ấp đạt chuẩn cấp C theo quy định, còn lại đều đã được cứng hóa đảm bảo việc đi lại cho nhân dân. Kết quả phấn khởi này được thực hiện bằng việc phát huy tiềm năng của xã, sự đồng hành của các doanh nghiệp và sự chung tay góp sức của con em xa quê, đặc biệt là huy động nội lực của nhân dân trong xã đóng góp.

Xã có trường tiểu học - THCS xây dựng đạt chuẩn, lĩnh vực giáo dục được xã quan tâm hàng đầu, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; phổ cập giáo dục THCS đạt theo quy định. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS được tiếp tục học THPT đạt 88,85%. Tỷ lệ lao độ̣ng qua đào tạo đạt 27,2%.

Đời sống về tinh thần của nhân dân cũng đượ̣c nâng lên đáng kể như Trung tâm Văn hóa Thể thao xã đượ̣c nâng cấp, xây dựng mới Nhà văn hóa - khu thể thao liên ấp, tụ điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng, đáp ứng đầ̀y đủ nhu cầu giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, sinh hoạt, hội họp. Nhà ở của nhân dân được đầu tư xây dựng từng bước khang trang 90,85% nhà ở đạt chuẩn theo quy định. Công tác xóa nhà tạm cho các hộ gia đình chính sách và hộ nghèo gặp khó khăn về nhà ở được triển khai tích cực. Qua điều tra hộ nghèo cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 3,01%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 50,13 triệu đồng/người/năm.

Bí thư Đảng ủy xã Phước Hiệp Nguyễn Hoàng Thân cho rằng: “Với sự quyết tâm và nỗ lực thực hiện, đồng thời được sự quan tâm hỗ trợ từ các ngành, các cấp, sự giúp sức từ các mạnh thường quân, những người con quê hương; đặc biệt là sự đồng lòng cùng chung tay góp sức xây dựng của nhân dân Phước Hiệp, xã đã được công nhận xã NTM. Nhìn lại quá trình nỗ lực phấn đấ́u trong suốt những năm qua, mặc dù vẫn còn những hạn chế nhất định, song thành quả mà Đảng bộ và nhân dân xã Phước Hiệp đạt đượ̣c đã đánh dấu cho một quá trình phát triển vượt bậc ở một địa phương anh hùng”.

Nhân dân Phước Hiệp tự hào đã góp phần vào thắng lợi chung của cả nước và được tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào ngày 29-1-1996. 25 năm sau, vào tháng 10-2021, sau nhiều năm phấn đấu, Phước Hiệp đã được công nhận xã đạt chuẩn NTM trong niềm vui, niềm tự hào của toàn Đảng bộ và nhân dân xã nhà.

Theo Báo Đồng Khởi