Tôm thẻ chân trắng nuôi theo quy trình công nghệ cao đáp ứng yêu cầu chất lượng tiêu chuẩn Việt Nam. Ảnh: Thành Lập
Tiềm năng tôm Bến Tre
Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ vừa tổ chức hội thảo khoa học, với chủ đề “Tiềm năng phát triển và đa dạng hóa các sản phẩm thực phẩm từ con tôm tỉnh Bến Tre”. Từ hội thảo này, những người yêu mến nghề nuôi tôm tìm thấy một “tia sáng” cho hướng phát triển của con tôm Bến Tre.
Phát biểu tại hội thảo, Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nguyễn Văn Vưng cho biết: “Bến Tre có diện tích nuôi tôm đứng hàng thứ 5 của ĐBSCL. Tuy diện tích ít nhưng tỉnh được đánh giá là có nhiều thành công trong nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh. Vừa qua, Viện Sinh học nhiệt đới đã có đề tài “Bảo tồn gen tôm Bến Tre”. Với diện tích và nguồn gen phong phú, con tôm Bến Tre hoàn toàn có thể đáp ứng được về số lượng và chất lượng, mang lại tiềm năng lớn cho tỉnh trong chế biến các sản phẩm tôm ở Bến Tre”.
Thủy sản là một trong những ngành kinh tế chủ lực của Việt Nam. Trong đó, “ngành tôm” được biết đến là một trong những điểm sáng nổi trội trong xuất khẩu thủy sản. 6 tháng năm 2023, tổng diện tích nuôi tôm trên cả nước đạt 715 ngàn héc-ta, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2023. Sản lượng ước tính đạt 4.270,5 ngàn tấn, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước, sản lượng tôm đạt 538,1 ngàn tấn, tăng 3,5%, trong đó sản lượng tôm thẻ chân trắng đạt 315,2 ngàn tấn, tăng 5,2%; sản lượng tôm sú đạt 119,3 ngàn tấn, tăng 1,2%.
Riêng diện tích nuôi tại vùng ĐBSCL chiếm đến 90%. Trong đó, Bến Tre là một trong những tỉnh nuôi tôm chủ lực với việc đẩy mạnh các ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ cao trong nuôi tôm đã mang lại những kết quả nổi trội. Diện tích nuôi tôm của tỉnh hiện đạt 32.244ha, sản lượng 179.482 tấn. Tỉnh có diện tích nuôi tôm đứng hàng thứ 5 của ĐBSCL, sau các tỉnh: Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, Sóc Trăng.
Thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU của Tỉnh ủy về xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025 và Nghị quyết số 07-NQ/TU của Tỉnh ủy về xây dựng vùng sản xuất tập trung, gắn với phát triển chuỗi giá trị nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến 2030, thời gian qua, tỉnh đã quyết liệt trong thực hiện xây dựng thương hiệu.
Đối với con tôm, Bến Tre đã tạo lập và bảo hộ được nhãn hiệu chứng nhận cho con tôm biển do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ sở hữu. Bên cạnh đó, tỉnh đã xây dựng được chỉ dẫn địa lý cho con tôm càng xanh; đang tiến hành xây dựng chỉ dẫn địa lý cho con tôm sú và con tôm thẻ. Đây là lợi thế về mặt thương hiệu của con tôm Bến Tre.
Món ngon từ tôm chế biến
“Các nghị quyết, đề án của tỉnh đã nhấn mạnh việc đa dạng hóa các sản phẩm từ con tôm, tạo ra mặt hàng sạch, chất lượng, cung cấp cho thị trường là mục tiêu mà tỉnh đang hướng tới. Con tôm cũng nằm trong danh sách sản phẩm chủ lực của tỉnh. Nhưng hiện nay, tại tỉnh chưa có nhà máy hiện đại chế biến sản phẩm mà chủ yếu chuyển sang các tỉnh khác để chế biến”, Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nguyễn Văn Vưng chia sẻ.
Bến Tre có nguồn nguyên liệu tôm nuôi dồi dào theo phương pháp xi-phông, đạt kích cỡ 30 - 35 con/kg. Ảnh: Thạch Thảo
Từ 3 tham luận tại hội thảo “Tiềm năng phát triển và đa dạng hóa các sản phẩm thực phẩm từ con tôm tỉnh Bến Tre”: Ảnh hưởng của hạng tôm đến thành phần khối lượng và hóa lý của tôm thẻ chân trắng nuôi ở khu vực huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre, quy trình sản xuất các sản phẩm từ con tôm của tỉnh và đánh giá thị hiếu người tiêu dùng đối với sản phẩm khô xẻ bướm, các nhà khoa học đã mang đến hội thảo nhiều giá trị thông tin về con tôm. Cụ thể, phân hạng tôm hạng 1, hạng 2, hạng 3 và tôm mềm vỏ khi qua chế biến sẽ cho ra sản phẩm chất lượng ra sao; các phụ phẩm như đầu, vỏ và phụ phẩm khác có thể dùng làm gì và chất lượng như thế nào.
PGS.TS. Trần Thanh Trúc - Chủ nhiệm đề tài cho hay: Quy trình chế biến con tôm xung quanh 5 sản phẩm: tôm khô ăn liền; tôm khô xẻ bướm; chà bông tôm; Snack tôm từ surimi thịt tôm vụn và thịt đầu tôm; bột tôm gia vị được nhóm nghiên cứu phân tích tỉ mỉ và ghi lại bằng clip. Các sản phẩm tôm được chuẩn bị trên nguồn nguyên liệu tôm được nuôi theo phương pháp xi-phông (cỡ từ 30 - 35 con/kg), được nuôi tại huyện Thạnh Phú và đạt yêu cầu theo tiêu chuẩn Việt Nam. Sản phẩm có màu sắc bắt mắt, hoàn toàn tự nhiên, giữ được độ tươi ngon, có thể bảo quản lạnh hay nhiệt độ thông thường trong 3 tháng.
Nhóm nghiên cứu thực hiện đề tài đến từ Trường Đại học Cần Thơ không chỉ mở ra một hướng phát triển mới cho thị trường tôm chế biến, mà còn đưa ra quy trình sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu. Được biết, kim ngạch xuất khẩu tôm tại Việt Nam hàng năm tăng liên tục, năm 2022 là năm mà kim ngạch xuất khẩu tôm đạt mức kỷ lục. Theo số liệu được công bố từ Cục Thủy sản, trong 6 tháng đầu năm 2023, mặt hàng tôm Việt đã xuất khẩu sang 84 thị trường trên toàn thế giới, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 1,5 tỷ USD.
Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ vừa tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Tiềm năng phát triển và đa dạng hóa các sản phẩm thực phẩm từ con tôm tỉnh Bến Tre”. Đây là một trong những bước nhằm thực hiện đề tài “Nghiên cứu đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị từ con tôm ở Bến Tre” do UBND tỉnh cho phép triển khai theo Quyết định số 2758/QĐ-UBND ngày 24-11-2021. Đề tài do Trường Đại học Cần Thơ chủ trì thực hiện và PGS.TS. Trần Thanh Trúc làm chủ nhiệm.
Theo THẠCH THẢO (Báo Đồng Khởi)