Sở Lao động - Thương binh và Xã hội kết nối, giới thiệu người lao động Bến Tre đi làm việc tại Nhật Bản.
Tăng 6 bậc so với năm 2022
Theo bảng dữ liệu công bố của VCCI Việt Nam, Chỉ số PCI cấp tỉnh năm 2023 tăng 6 bậc so với năm 2022 và xếp vị trí thứ 3/13 tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Trong 10 chỉ số thành phần, có 2 chỉ số xếp hạng nhất và hạng nhì cả nước, gồm: Tiếp cận đất đai (xếp hạng 1) và Cạnh tranh bình đẳng (xếp hạng 2). Có 4 chỉ số tăng điểm so với năm 2022 là: Gia nhập thị trường; Tính minh bạch; Cạnh tranh bình đẳng; Chính sách hỗ trợ DN.
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Dương Văn Phúc, qua việc phân tích các chỉ số thành phần trong chỉ số PCI của tỉnh, có thể nhận thấy môi trường đầu tư đã có những cải thiện trên nhiều mặt như: Sự năng động của chính quyền; Chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh; Cải cách hành chính; Môi trường cạnh tranh ngày càng bình đẳng... Điều này cho thấy thời gian qua, chính quyền tỉnh đã có nhiều nỗ lực để cải thiện môi trường kinh doanh cũng như cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho người dân và DN phát triển kinh tế gắn với việc bảo vệ môi trường.
Bên cạnh những điểm sáng, tỉnh cũng ghi nhận sự thụt lùi của 6 chỉ số so với năm 2022, gồm: Tiếp cận đất đai; Chi phí thời gian; Chi phí không chính thức; Tính năng động; Đào tạo lao động; Thiết chế pháp lý. Trong đó, chỉ số Tiếp cận đất đai tuy giảm điểm nhưng lại tăng hạng và xếp hạng nhất cả nước. Các chỉ số Chi phí thời gian (giảm 35 bậc, xếp hạng 40) và Đào tạo lao động (giảm 26 bậc, xếp hạng 62) giảm điểm sâu.
Hiện nay, tỉnh đang tích cực triển khai bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thành phố (DDCI 2023). Đây được xem là bộ PCI “thu nhỏ” do tỉnh xây dựng một cách bài bản.
Kết quả DDCI là cơ hội để các ngành, địa phương “tự soi” và “tự sửa”, chỉ số nào chưa tốt thì phải nghiêm túc nhìn nhận lại để cải thiện, khắc phục trong thời gian tới. Mục tiêu chính là cải thiện sức cạnh tranh và thứ hạng của từng địa phương, đơn vị. Qua đó, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Tập trung cải thiện chỉ số tụt hạng sâu
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Dương Văn Phúc cho biết: Xét về tổng thể, tuy thứ hạng PCI tăng cao so với năm trước, nhưng có đến 6 chỉ số tụt hạng, trong đó có 2 số chỉ số tụt hạng sâu là Chi phí thời gian và Đào tạo lao động. Qua đó cho thấy, tỉnh còn rất nhiều vấn đề cần phải tiếp tục cải thiện; đòi hỏi các ngành, các cấp phấn đấu nỗ lực nhiều hơn nữa trong việc tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho DN trong thời gian tới.
Chi phí thời gian xếp hạng 40/63 tỉnh thành cả nước, giảm 35 bậc so với năm 2022. Đây là chỉ số giảm điểm. Đồng thời, cũng tụt hạng nhiều nhất trong 10 chỉ số. Việc tụt hạng khá nhiều ở chỉ số này cho thấy trong năm qua, DN đã gặp khó khăn và mất nhiều thời gian vào việc thực hiện các quy định thủ tục hành chính.
Chỉ số đào tạo lao động xếp hạng 62/63 toàn quốc (giảm 26 bậc so với năm 2022). Đây là chỉ số giảm điểm và giảm thứ hạng đáng kể. Đồng thời, cũng là chỉ số đứng thứ hạng thấp nhất trong 10 chỉ số. Qua kết quả khảo sát cho thấy, DN đang gặp rất nhiều khó khăn trong tuyển dụng lao động tại tỉnh, chi phí tuyển dụng và đào tạo cũng tăng cao. Không những gặp khó khăn trong quá trình tuyển dụng lao động phổ thông và cán bộ kỹ thuật quản lý, các chi phí tuyển dụng và đào tạo lao động tăng cao cũng gây rất nhiều khó khăn và tốn kém cho DN.
Về giải pháp, Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Đoàn Hải Nam cho biết, thời gian tới, các DN cần chính sách hấp dẫn người lao động (NLĐ) đến làm việc và khuyến khích NLĐ gắn bó lâu dài. Đồng thời, gắn kết với các cơ sở đào tạo, tuyển dụng lao động trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để thuận lợi trong việc tiếp cận NLĐ theo nhu cầu…
Riêng về Chỉ số tiếp cận đất đai, mặc dù có giảm điểm so với năm 2022 nhưng lại tăng hạng (tăng 8 bậc so với năm 2022) và xếp vị trí dẫn đầu cả nước. Trong 3 năm gần đây, chỉ số này của tỉnh liên tục tăng hạng (năm 2021 hạng 47, năm 2022 hạng 9, năm 2023 hạng 1). Kết quả này cho thấy, chính quyền địa phương nỗ lực trong việc giải quyết các thủ tục đất đai cho DN trong năm qua. Tuy nhiên, thực tế tại tỉnh cho thấy, tiếp cận đất đai vẫn là “điểm nghẽn” lớn, đòi hỏi những nỗ lực cải cách quyết liệt hơn trong thời gian tới.
Nâng cao năng lực cạnh tranh
Hiện nay, tỉnh đã và đang tiến hành nhiều hành động quyết liệt để nâng cao lòng tin của DN đối với chính sách của tỉnh như: Tổ chức hội nghị đối thoại, cà phê DN, các cuộc xúc tiến đầu tư, gặp gỡ DN. Tham gia nhiều hội nghị xúc tiến đầu tư cấp cao trong nước, khu vực… nhằm chia sẻ, trao đổi giữa chính quyền và DN. Điều này mang lại hiệu quả tích cực trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, được cộng đồng DN ghi nhận và đánh giá cao.
Để tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, duy trì vị trí của tỉnh trong nhóm điều hành xuất sắc, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Dương Văn Phúc đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện đối với từng chỉ số thành phần. Trong thời gian tới, cần nghiên cứu, rà soát các quy định về danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh. Kiến nghị các cấp có thẩm quyền đưa ra khỏi danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đối với các ngành nghề có thể áp dụng các biện pháp quản lý khác hiệu quả hơn, đơn giản hóa, cắt giảm các quy định không cần thiết, không khả thi, thiếu cụ thể, khó xác định và không dựa trên cơ sở khoa học. Rà soát các loại chứng chỉ hành nghề để đề xuất, kiến nghị thu gọn, tránh trùng lắp, tránh lãng phí chi phí của DN và xã hội...
Tập trung nghiên cứu kỹ những chỉ tiêu, chỉ số thành phần của PCI và chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương thuộc tỉnh (DDCI) hàng năm, để nhận diện những điểm mạnh, điểm yếu của đơn vị mình trong lĩnh vực cải cách TTHC và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Từ đó, chủ động đề ra các giải pháp và triển khai có hiệu quả các hoạt động để cải thiện những chỉ số, chỉ tiêu này, nhằm phục vụ DN tốt hơn.
“Sở Kế hoạch và Đầu tư cần có đề xuất việc triển khai hiệu quả các chương trình hỗ trợ, phát triển DN và cải thiện môi trường kinh doanh cấp tỉnh. Phối hợp với Hiệp hội DN tỉnh thực hiện khảo sát nhu cầu của DN và lập kế hoạch, cung cấp các khóa đào tạo về quản trị kinh doanh, tài chính phù hợp với nhu cầu. Nâng cao hiệu quả công tác tư vấn, hỗ trợ DN và khởi nghiệp, hỗ trợ nhà đầu tư. Làm đầu mối hỗ trợ xuyên suốt cho DN trước, trong và sau cấp phép” - Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Trúc Sơn
Theo CẨM TRÚC (Báo Đồng Khởi)