Cà Mau: Cá bớp bị “bóp” đầu ra

15/12/2021 - 10:11

Nhiều tháng nay, ngư dân trên đảo Hòn Chuối, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) gặp khó khăn khi chịu cảnh “bán thì thương mà vương thì lỗ” do cá bớp thương phẩm bị rớt giá. Gần Tết Nguyên đán, nhiều hộ dân hy vọng cá trúng mùa được giá, thế nhưng, hiện tại nhiều hộ đứng ngồi không yên khi đối mặt với thua lỗ nếu bán cá.

Ngồi bó gối trước nhà, mắt nhìn xa xăm ra hướng những lồng bè, chị Bùi Phương Thuỳ, hộ có thâm niên nuôi cá trên đảo, tâm tình, chị quê ở Cái Ðôi Vàm, ra đảo lập nghiệp từ rất nhiều năm nay, thu nhập chính của gia đình nhờ nghề nuôi cá bớp. Gia đình chị duy trì 2 bè với số lượng trên 400 con cá bớp. Nếu như những năm trước, với số lượng này, trừ hết chi phí, gia đình còn lãi khá cao.

Ở đảo Hòn Chuối, người nuôi ít nhất cũng 2 bè cá, khoảng 250 con/bè.

“Năm nay lấy vốn lại được là mừng rồi, trông gì có lãi”, chị Thuỳ lắc đầu ngao ngán. Không lỗ sao được, khi giá cá giống đầu vào đã cao, qua hơn 10 tháng nuôi giá cá đầu ra giảm gần phân nửa, chưa tính chi phí tiền thức ăn cho cá hàng ngày.

Chị Thuỳ trần tình: “Trước đây, nuôi cá bớp lời nhiều vì mua cá giống từ các ghe cào, ghe đánh bắt trên biển; cá khoẻ nuôi nhanh lớn, chỉ 10 tháng là có thể lên bè. Giờ thì nguồn cá bị khan hiếm nên phải mua giống từ các tỉnh vùng ngoài như Vũng Tàu, Nha Trang về thuần lại nên cá bị sốc chậm lớn và tỷ lệ hao hụt cao; thời gian nuôi lại lâu, có khi lên đến 12 tháng mới xuất bán, lợi nhuận không như trước”. Giờ gặp thêm cảnh cá rớt giá, chị Thuỳ cho biết lên bè xuất bán sẽ bị lỗ.

Không riêng hộ chị Thuỳ mà nhiều hộ dân nuôi cá bớp trên đảo Hòn Chuối có chung cảnh ngộ. Chị Trương Hồng Mơ cũng tâm trạng chán trường không kém: “Gia đình bên chồng tôi lập nghiệp từ nghề nuôi cá bớp bằng lồng bè. Khi lập gia đình, ra riêng, anh cũng nối nghiệp cha và các anh. Lợi nhuận của các năm trước còn tạm được, năm nay thì chắc mất trắng. Lúc mua 1.200 con giống dự kiến sẽ thả nuôi cho 3 bè nhưng về cá bị thiệt hại còn khoảng 500 con. Giá cá giảm, giờ lên thì lỗ, mà không lên để nuôi lại cũng lỗ, vì phải mua thức ăn hàng ngày gần 2 triệu đồng”.

Ghi nhận từ các hộ nuôi, cá bớp của người dân trên đảo Hòn Chuối nuôi bán cho các thương lái vận chuyển cho các nhà hàng lớn trong nước. Do dịch Covid-19, hàng loạt nhà hàng tạm ngưng hoạt động. Thương lái không mua, cá quá lứa, nếu lên thì bị ép giá, còn bán nhỏ lẻ thì cũng không được bao nhiêu. Ðể duy trì chờ giá, người dân phải duy trì lượng thức ăn cung ứng hàng ngày cho đàn cá. Có hộ phải tốn hàng triệu đồng mỗi ngày để mua thức ăn cho cá.

Trước đây, giá cá bớp thương phẩm dao động từ 130.000-180.000 đồng/kg, hiện tại chỉ còn 100.000-108.000 đồng/kg. Trong khi đó, thức ăn hàng ngày cho cá giá 8.000 đồng/kg có hướng tăng. Nếu nuôi 2 lồng khoảng 500 con thì mỗi ngày cho ăn 1 lần khoảng 200 kg thức ăn. Chị Thuỳ giọng buồn: “Trước cho ăn 2 lần/ngày, giờ chi phí cao quá nên cho ăn cầm chừng 1 lần/ngày”.

Nghề nuôi cá bớp lồng bè từng được xem là nghề khởi nghiệp tốt nhất cho những hộ dân mới ra đảo sinh sống và cũng là nghề giúp nhiều hộ gia đình vươn lên khá, giàu. Thì giờ, nghề nuôi cá lồng bè khiến cho nhiều hộ lo lắng vì thua lỗ, nếu tình trạng rớt giá kéo dài thì khó lòng trụ được. 

Hàng năm người dân trên đảo Hòn Chuối còn phải tốn rất nhiều chi phí cho việc di dời nhà cửa 2 lần để tránh gió, bão. Mỗi lần di dời là tốn chi phí cất lại nhà. Chị Thuỳ tâm sự: “Mỗi bên ở 6 tháng, khi di dời thì dời hết, chỉ còn ngôi nhà trống. Ðến khi dời lại thì phải sửa sang..., đủ thứ tiền để chi hết”. Duy trì cuộc sống trên đảo đã khó, để phát triển nghề nuôi cá bớp lồng bè trên biển lại càng khó khăn hơn.

Thiếu tá Trương Văn Kết, Chính trị viên Ðồn Biên phòng Hòn Chuối, cho biết: “Dịch Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đến việc nuôi trồng của bà con trên đảo, đặc biệt là ảnh hưởng đến giá cá bớp nuôi bằng lồng bè. Năm nay người dân chỉ hy vọng gỡ huề chứ không có lãi. Từ đó, đời sống cũng như nguồn vốn để đầu tư cho vụ mới của người nuôi gặp nhiều khó khăn”.

Ðể những hộ dân bám trụ với biển, cùng với lực lượng biên phòng bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới thì chính quyền địa phương, nhất là ngành chức năng cần hỗ trợ kỹ thuật và giúp bà con tìm đầu ra cho sản phẩm, có như thế bà con mới tự tin phát triển nghề từng đem lại cuộc sống ấm no và mang nét đặc trưng riêng trên đảo này.

Theo KIM CƯƠNG - HOÀNG VŨ (Báo Cà Mau)