Có vị trí địa lý đặc biệt với 3 mặt giáp biển cùng nguồn tài nguyên quý giá trên 100.000ha rừng ngập nước, Cà Mau xác định du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng là loại hình du lịch mũi nhọn gắn với việc khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn tài nguyên thiên nhiên này.
Mũi Cà Mau nhìn từ trên cao với biểu tượng Cột cờ Hà Nội và điểm cuối cùng đường Hồ Chí Minh.
Ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau, cho biết Cà Mau là một trong 4 tỉnh, thành nằm trong vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), là một trong những ngư trường đánh bắt thủy sản lớn nhất Việt Nam; có tiềm năng và thế mạnh về phát triển kinh tế biển, nuôi trồng thủy sản và du lịch sinh thái với trên 100.000 ha rừng tràm, rừng đước ngập nước đặc trưng đã được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển Thế giới. Cùng với An Giang, Cà Mau là một trong hai tỉnh vùng ĐBSCL được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia và Mũi Cà Mau nằm trong hệ thống quy hoạch 46 khu du lịch quốc gia.
Cà Mau được thiên nhiên ưu ái là vùng đất lắm tôm nhiều cá, có rừng, có hệ sinh thái rừng ngập mặn, ngập ngọt… Đây là những điều kiện rất thuận lợi để tỉnh phát triển loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng với những món ăn dân dã được chế biến theo khẩu vị của người dân bản xứ, mang đậm nét văn hóa đặc trưng của vùng sông nước Cà Mau mà không phải địa phương nào trong vùng ĐBSCL cũng có được.
Những cánh rừng đước đặc trưng tại Mũi Cà Mau.
“Với mục tiêu phát triển du lịch sinh thái cộng đồng và nâng cao nhận thức của cộng đồng trong bảo vệ rừng, bảo vệ đa dạng sinh học, tỉnh Cà Mau đã đầu tư và đưa vào khai thác tuyến tham quan du lịch xuyên rừng tại Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, gồm 4 tuyến (4 lộ trình khác nhau) với những nét đặc trưng riêng, đi qua các điểm như Kênh Rạch Mũi, tham quan điểm nuôi hàu lồng – kênh Rạch Vàng, điểm dừng chân bãi bồi phía Tây, trải nghiệm dịch vụ tại các điểm du lịch cộng đồng… Trong đó, chuỗi sản phẩm du lịch gắn với điểm cực Nam và các điểm du lịch cộng đồng Đất Mũi, tuyến du lịch xuyên rừng thu hút được nhiều sự quan tâm của khách du lịch trong và ngoài nước. Đây được xem là sản phẩm du lịch mới và hiện tại chỉ có ở Cà Mau”, ông Trần Hiếu Hùng chia sẻ thêm.
Cột mốc tọa độ Quốc gia tại Mũi Cà Mau.
Du khách tham quan biểu tượng mũi tàu Cà Mau.
Tính đến hết tháng 10/2019, ngành du lịch Cà Mau có sự phát triển ổn định, đạt hơn 1.300.000 lượt, tổng doanh thu trên 2.100 tỷ đồng.
Biểu tượng Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau.
Theo ông Trần Hiếu Hùng, hiện toàn tỉnh có 4 khu du lịch (Khai Long, Đất Mũi, Hòn Đá Bạc và Sông Trẹm) cùng 14 điểm du lịch sinh thái, cộng đồng đã phát huy hiệu quả lợi thế tiềm năng gắn với văn hóa bản địa, nâng cao thu nhập, đảm bảo sinh kế của người dân, góp phần phát triển kinh tế địa phương. Các điểm du lịch cộng đồng hầu hết tập trung tại Ngọc Hiển, Trần Văn Thời, Thới Bình và thành phố Cà Mau như: Du lịch cộng đồng tại Đất Mũi, điểm dừng chân Tư Tỵ (Ngọc Hiển), vườn chim Tư Sự (Thới Bình), Tám Ngoắc, Mười Triệu (TP Cà Mau)… Các mô hình này đã tạo ra cơ hội việc làm, góp phần bảo vệ phát triển rừng, bảo vệ môi trường thiên nhiên, tạo được công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân...
Du khách trên đường đến Khu Du lịch Đất Mũi ghé qua trạm dừng chân của anh Lê Minh Tỵ, chủ cơ sở kinh doanh mang tên Điểm dừng chân Du lịch Rạch Gốc - Tư Tỵ ở ấp Tam Hiệp, thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển để ăn uống và nghỉ ngơi trong các căn nhà sàn nằm xen kẽ dưới tán rừng đước yên tĩnh và thanh bình.
Đêm đến, du khách được nhân viên trạm dừng Du lịch Rạch Gốc - Tư Tỵ đưa đi trải nghiệm đặt lọp và bắt ba khía.
Du khách được đi vỏ lãi (một loại thuyền hoặc xuồng, ghe nhỏ có gắn máy) len lỏi trong rừng đước xanh mát, thanh bình, tự tay câu cá thòi lòi, bắt ốc len hay đi soi, bắt ba khía vào ban đêm và cùng tham gia chế biến, thưởng thức những món ăn dân dã với người dân miền sông nước.
Tại khu du lịch Đất Mũi (nằm trong Khu sinh quyển Thế giới mũi Cà Mau), vào những năm 2013, mô hình du lịch cộng đồng tại vùng Đất Mũi được hình thành. Những hộ dân nơi đây được Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau giao đất, giao rừng và cho phép thực hiện mô hình du lịch sinh thái. Là một trong 5 hộ gia đình tham gia thực hiện mô hình, ông Nguyễn Văn Nhuần chia sẻ: “Đường Hồ Chí Minh đã thông xe từ thành phố Cà Mau đi khu du lịch Đất Mũi rất thuận lợi, du khách đến du lịch Đất Mũi tham quan cột mốc, con tàu biểu tượng… sau đó ghé qua điểm du lịch của tôi để ăn uống và tham quan rừng nguyên sinh, trải nghiệm bắt ba khía...".
Điểm du lịch sinh thái cộng đồng của hộ gia đình Nguyễn Văn Nhuần tại Mũi Cà Mau.
Du khách đi ca nô vào các điểm du lịch sinh thái cộng đồng tại Mũi Cà Mau.
Một góc du lịch sinh thái cộng đồng tại Mũi Cà Mau.
Theo ông Nhuần, việc kinh doanh du lịch cộng đồng cần phải bảo vệ môi trường và bảo vệ rừng, trong đó rừng ở đây quy định phải trồng 60% phủ kín để bảo vệ bầu khí quyển và 40% nuôi trồng thủy sản được canh tác trên diện tích này để tăng thu nhập cho gia đình bằng cách cho khách câu cá, đặt lọp cua…
Du khách chọn mua hải sản ở Cà Mau.
Ông Trần Hồng Quân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết Cà Mau có hai hệ sinh thái mặn, ngọt đại diện bởi Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau và Vườn Quốc gia U Minh Hạ - được xếp vào Khu Dự trữ sinh quyển Thế giới. Theo đó, quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Cà Mau đến năm 2020 và định hướng đến 2030 đã chỉ ra những loại hình du lịch khai thác phát triển chủ yếu gồm: Du lịch tham quan cảnh quan tự nhiên; du lịch văn hóa lễ hội gắn với các di tích lịch sử văn hóa, các đặc trưng văn hóa của cư dân miền biển Cà Mau; du lịch “về nguồn”: đến với Mũi Cà Mau - điểm cực Nam của Tổ quốc. Bên cạnh những sản phẩm truyền thống, sản phẩm du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng được tổ chức gần đây cũng tạo thêm nhiều lựa chọn cho du khách, góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch Cà Mau.
Đường Hồ Chí Minh kéo dài đến điểm cuối cùng của Mũi Cà Mau giúp giao thương hàng hóa thuận tiện, đồng thời con đường này còn tạo nên bước đột phá về kinh tế - xã hội, phát triển du lịch cho vùng đất cực Nam của Tổ quốc cũng như khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
"Trong hai năm qua, tỉnh Cà Mau tập trung phát triển du lịch sinh thái, đặc biệt phát triển du lịch cộng đồng với những tour du lịch đi sâu vào rừng và đi ra các bãi bồi ven biển để du khách thưởng ngoạn. So với nhiều nơi trong nước và trên thế giới, nơi đây cực kỳ đẹp. Du lịch Cà Mau hiện nay cũng có thuận lợi về đường bộ, khách quốc tế đến thông qua đường hàng không và sau khi có đường Hồ Chí Minh kéo dài đến mũi Cà Mau, lượng khách trong những năm qua tăng rất nhanh. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, Cà Mau có lượng khách đạt trên 2 triệu lượt khách/năm và đến năm 2030 đạt khoảng 3 triệu lượt khách/năm", ông Trần Hồng Quân cho biết.
Công trình đường Hồ Chí Minh điểm cuối cùng Cà Mau.
Biểu tượng Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau là một trong những điểm nhấn cho du lịch Đất Mũi.
Thời gian qua, Cà Mau đã thực hiện nhiều hoạt động liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành trong cụm phía Tây ĐBSCL, một số tỉnh Tây Nguyên, TP Hồ Chí Minh và Hà Nội để phát triển sản phẩm du lịch… Đặc biệt, Cà Mau hiện cũng đã mở rộng quan hệ hợp tác du lịch với tỉnh Trat (Thái Lan) và tỉnh Khăm Muộn (Lào) thông qua ký kết bản ghi nhớ hợp tác.
Hiện Cà Mau cũng đang tranh thủ mọi nguồn lực và mời gọi các nhà đầu tư phát triển du lịch trong tỉnh nói chung và mũi Cà Mau là điểm nhấn nói riêng, để thu hút khách đến tỉnh nằm ở mũi cực Nam của Tổ quốc trong thời gian tới.
Theo Báo Tin tức