Cà Mau: Giữ thương hiệu cá đồng xứ U Minh

22/12/2023 - 09:11

Ðất rừng U Minh ngoài mật ong, một thời còn nổi tiếng với con cá đồng. Thế nhưng, những con cá lóc, cá trê bằng bắp chân người trong các chuyện kể của bác Ba Phi hay những khẩu đìa thu hoạch 5-7 tấn cá ngày nào các cụ cao tuổi thường kể, giờ đã lùi vào quá khứ. Ðất hẹp, người đông và nhiều nguyên nhân khác khiến “của trời cho” ngày càng cạn kiệt. Làm gì để khôi phục nguồn lợi cá đồng, là nỗi trăn trở của những người con xứ U Minh vốn yêu đất, yêu rừng, trong đó có anh Phạm Duy Khanh, chủ Ðiểm Du lịch sinh thái Mười Ngọt (Ấp 4, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời).

A A

“Xứ mình có 2 mùa mưa, nắng. Mùa nắng, các con mương trong rừng cạn nước, mưa lại xì phèn. Hồi mới về đây, cứ vào mùa mưa, mấy con lung trong rừng bị phèn; lươn, cá chết hàng tấn, xót xa lắm. Gia đình cũng thường xuyên nạo vét lòng kênh; khi thu hoạch cá thì bắt con lớn, thả con nhỏ lại để bảo tồn. Nhờ vậy mà mỗi năm cũng có sản lượng cá từ 3-5 tấn”, đó là lời tâm tình của anh Phạm Duy Khanh cách đây độ 3 năm. Khi ấy, anh đang ấp ủ “giấc mơ lớn” khôi phục lại con cá đồng cho xứng với tiềm năng đất rừng.

Trở lại Ðiểm Du lịch sinh thái Mười Ngọt lần này, tôi khá ngạc nhiên vì quá nhiều sự đổi khác. Anh Khanh đang tiến hành đồng loạt nhiều phần việc để hiện thực hoá giấc mơ ngày nào. “Bây giờ coi như nghề gác kèo ong ổn định rồi, mình phải tập trung phát triển con cá. Ðất U Minh phải gắn với con cá đồng”, anh Khanh  tâm huyết.

“Muốn phát triển con cá đồng tốt, phải giữ được nguồn nước tốt”, anh Khanh khẳng định chắc nịch. Ðể thực hiện chiến lược phát triển con cá đồng, năm trước anh cho xe cuốc làm lại hết bờ bao hơn 60 ha đất rừng, âm cao su giữa bờ để giữ nước. Hôm tôi đến, đã thấy anh đào thêm hệ thống ao khá dài, anh bảo dành cho hoạt động “chụp đìa bắt cá” phục vụ khách tham quan.

Khu đìa được anh Phạm Duy Khanh thiết kế, dành cho hoạt động chụp đìa bắt cá phục vụ khách du lịch, nhằm giới thiệu nghề truyền thống đặc trưng một thời ở xứ rừng U Minh - Cà Mau.

Anh làm bài bản, bờ ao khá rộng để thuận tiện cho việc kéo cá, lựa cá và đủ chỗ khi có lượng khách tham quan đông. “Mình cố gắng tổ chức hoạt động chụp đìa đúng theo kiểu truyền thống, để du khách thực sự có những trải nghiệm thú vị, cũng như hiểu thêm về nghề đặc trưng này ở xứ Cà Mau”, anh Khanh bày tỏ.

Bên cạnh đó, anh còn cho biết, đang có kế hoạch làm khu nhân giống cá đồng, cho đẻ và nuôi dưỡng cá giống trước khi thả ra môi trường. “Chứ cứ để đẻ ngoài tự nhiên như hồi giờ, con giống hao hụt lớn, sản lượng không đạt cao”, anh Khanh trăn trở.

Nhờ khai thác có bảo tồn nên hệ thống kênh mương trong đất rừng của gia đình anh Phạm Duy Khanh luôn dồi dào cá đồng, lươn, rùa, rắn...

Thời gian qua, tại Ðiểm Du lịch sinh thái Mười Ngọt, nếu du khách ở lại đêm, sẽ có các dịch vụ giăng câu, dỡ lờ, lọp, đặt trúm lươn... Giờ anh dự định xây nò để thu hoạch cá, cũng là để du khách trải nghiệm; phát triển thêm các vó trong kênh và nhiều hạng mục công việc khác thật giống với sinh hoạt của người dân xứ ruộng, xứ rừng U Minh - Cà Mau.

Chưa dừng lại ở đó, anh còn dành riêng một khu đất rộng đến 8 ha (thuộc đất sản xuất, cũng trên địa bàn Ấp 4) bao ví bờ, âm cao su giữ nước để trồng bồn bồn và nuôi cá đồng. Công việc đang được xúc tiến, bồn bồn đã cao khỏi đầu người.

 Anh Khanh dành khu đất sản xuất 8 ha làm bờ bao, âm cao su giữ nước để trồng bồn bồn kết hợp phát triển nguồn lợi cá đồng.

“Tôi muốn phát triển du lịch từ sản phẩm cây nhà lá vườn. Khi con cá có nhiều, ngoài phục vụ thực khách tại chỗ, mình sẽ làm khô, làm mắm..., tạo thêm sản phẩm đặc trưng xứ rừng U Minh làm quà cho du khách, cùng với các sản phẩm từ con ong”, anh Khanh chia sẻ.

“Ở rừng còn biết bao nhiêu việc phải làm”, anh luôn “bận bịu” trong công việc và suy nghĩ đánh thức tiềm năng đất rừng.

Ðể phong phú, đa dạng sản phẩm phục vụ khách tham quan, ngoài trồng chuối, nhiều năm qua anh còn trồng đu đủ, dừa, cam, quýt, dâu, mít... mỗi thứ vài trăm gốc. Hiện tại, anh chuẩn bị trồng thêm khoảng 1 ngàn bụi tre lấy măng; 2 ngàn cây cau vườn tạo cảnh, bán trái, đồng thời thêm nguồn bông cho ong hút mật và lấy thân làm kèo.

Sắp tới, anh dự định liên kết phát triển sản phẩm đọt nhãn lồng và đọt choại (vốn sẵn có ở rừng) sấy khô cung cấp cho thị trường (để chế biến nhanh món canh, xào...); dành một số diện tích đất bờ bao trồng gấc, cây tầm bóp...

“Tôi sẽ khuyến khích các anh, các chú đang làm cho mình tranh thủ thêm thời gian trồng, chăm sóc, phát triển các sản phẩm này, rồi mình mua vào. Chủ yếu khai thác hết tiềm năng đất rừng; các anh, các chú có thêm nguồn thu nhập, còn mình tạo thêm được cảnh quan cho du khách thưởng ngoạn”, anh Khanh cho biết thêm.

“Vạn sự khởi đầu nan”, dự tính thì đơn giản, nhưng để có thành quả cũng phải trải qua không ít trở ngại, nhọc nhằn. Với anh, nếu việc gì cũng e ngại, không dám thử nghiệm thì làm sao cho kết quả.

Hiện nay, Ðiểm Du lịch sinh thái Mười Ngọt  đã tạo được việc làm thường xuyên cho khoảng 15 lao động. Anh tính toán, đưa mô hình cá - bồn bồn vào khai thác, sẽ tạo thêm việc làm cho khoảng 15 người trong việc nhổ, lột bồn bồn, chăm sóc ruộng hằng ngày.

“Nguồn lợi từ đất rừng lớn lắm, tôi muốn mình làm được thêm nhiều mô hình để dìu dắt, tạo việc làm cho nhiều người. Ðồng thời, mình muốn thử sức, khi thành công thì chia sẻ cho nhiều bà con, để cùng khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên trên đất rừng, làm giàu cho bản thân và quê hương”, anh Khanh trải lòng.

Anh Khanh cũng đã tổ chức một điểm giới thiệu sản phẩm tại TP Cà Mau (nằm cạnh Khu Tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phường 1), để vừa quảng bá các mặt hàng, phục vụ món cháo cá lóc đồng, cháo lươn và cũng để kết nối đưa khách trải nghiệm ăn ong, chụp đìa bắt cá ở Ðiểm Du lịch sinh thái Mười Ngọt nhằm quảng bá những nghề đặc trưng riêng có của Cà Mau, của xứ rừng U Minh Hạ.

Trẻ, năng động, nhạy bén, yêu đất, mê rừng, anh đã dồn tâm huyết hơn 20 năm xây dựng được thương hiệu mật ong Mười Ngọt, giới thiệu quảng bá đến du khách trong và ngoài nước về nghề gác kèo ong độc nhất ở xứ rừng U Minh. Giờ đây, anh dồn tâm sức phát triển con cá đồng, đang hứa hẹn thêm nhiều tín hiệu vui phía trước./.

Theo HUYỀN ANH (Báo Cà Mau)