Dần hình thành nền nông nghiệp hiện đại
Trong ứng dụng nền tảng số nông nghiệp, đến nay bước đầu ngành đã thực hiện một số nội dung quan trọng như tạo chuyên mục “Chuyển đổi số” trên Trang thông tin điện tử của sở. Bên cạnh đó, đang phối hợp với Viettel Cà Mau xây dựng bản đồ số GIS trong nông nghiệp. Dự kiến thí điểm 1 xã về ứng dụng công nghệ số để số hoá dữ liệu quản lý, hướng đến tự động hoá trong quy trình thu thập, xử lý báo cáo, lưu trữ hệ thống dữ liệu thống kê thuộc lĩnh vực nông nghiệp (trồng trọt và bảo vệ thực vật, chăn nuôi thú y, thuỷ sản, lâm nghiệp, phát triển nông thôn, thuỷ lợi, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, khuyến nông, nông thôn mới, OCOP...) góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý ngành từ chuyển đổi số (CÐS).
Theo lãnh đạo ngành nông nghiệp, việc ứng dụng công nghệ số trong nông nghiệp là điều tất yếu trong giai đoạn hiện nay. Do đó CÐS trong nông nghiệp đang được tỉnh chú trọng, nhằm giúp nâng cao năng suất, lợi nhuận, tối ưu hoá sản xuất và đem lại nhiều cơ hội phát triển; kết nối nông dân với các tổ chức chế biến, thương mại và người tiêu dùng trên toàn thế giới; mang lại cho ngành nông nghiệp một phương thức quản lý, sản xuất, kinh doanh hiện đại, chất lượng cao, khai thác hiệu quả tiềm năng vốn có của địa phương. Theo đó, ngành nông nghiệp đã xây dựng được phần mềm phục vụ sản xuất chuyên ngành.
Các buổi tư vấn trực tuyến tại Trung tâm Khuyến nông tiếp tục được duy trì và phát triển. Theo đó, trung tâm đã tổ chức được 74 cuộc tư vấn trực tuyến, giải đáp trên 350 câu hỏi của nông dân và thu hút gần 1.000 lượt xem.
Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã triển khai xây dựng “Phần mềm cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ sản xuất nông nghiệp tỉnh Cà Mau” (gọi tắt là phần mềm Nông nghiệp), vận hành chính thức cuối năm 2019 và được nâng cấp năm 2020. Phần mềm được thiết kế theo 2 phiên bản: Phiên bản ứng dụng trên thiết bị di động với App “Nông nghiệp Cà Mau” được phát triển trên 2 nền tảng Android và IOS, hoạt động được trên hầu hết các điện thoại thông minh, máy tính bảng; phiên bản Web sử dụng trên máy tính, người dùng truy cập theo địa chỉ https://nongnghiepcamau.vn để khai thác. Phần mềm Nông nghiệp cung cấp thông tin, dữ liệu trên tất cả các lĩnh vực của ngành như: thuỷ sản, thuỷ lợi, lâm nghiệp, phát triển nông thôn, trồng trọt và bảo vệ thực vật, quản lý chất lượng, khuyến nông, giống nông nghiệp.
Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, với việc đưa vào hoạt động ứng dụng "Nông nghiệp Cà Mau”, kinh tế nông nghiệp của tỉnh Cà Mau đã có những thay đổi vượt bậc trên nhiều lĩnh vực. Tăng trưởng ngành nông nghiệp tiếp tục được giữ vững bình quân 4,91%/năm. Ðến nay, có 54/82 xã đạt chuẩn NTM, có 3 xã NTM nâng cao, TP Cà Mau hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Phần mềm quản lý tàu cá giúp in ấn các biểu mẫu đăng ký, đăng kiểm, cấp phép khai thác thuỷ sản cho tàu cá; tra cứu thông tin, cập nhật dữ liệu và lưu ảnh tàu cá, ảnh máy giám sát hành trình tại hiện trường. Truy xuất các số liệu báo cáo nhanh chóng, tránh sai sót, mẫu báo cáo thống nhất trong quá trình thực hiện. Tạo điều kiện thuận lợi cho lãnh đạo trong quá trình theo dõi, giám sát và chỉ đạo các đăng kiểm viên trong quá trình công tác đăng kiểm tại địa bàn.
Ðây cũng là một kênh thông tin, tuyên truyền nhanh chóng, hiệu quả, giúp người dân nắm bắt nhanh các thông tin về thời tiết, thiên tai, từ đó chủ động được các biện pháp phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại.
Tầm nhìn đến năm 2025
Mới đây, Sở NN&PTNT đã triển khai kế hoạch hành động CÐS trong hệ thống ngành tại địa phương tầm nhìn đến năm 2025. Theo đó, mục đích quan trọng được đặt ra trong kế hoạch là nâng cao hoạt động quản lý, điều hành sản xuất thông qua chất lượng giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp; quản lý vùng sản xuất, quy trình sản xuất; giúp theo dõi, điều hành quy hoạch, kế hoạch sản xuất hiệu quả; giúp nâng cao năng lực giám sát, thích ứng tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đến hoạt động sản xuất nông nghiệp, giúp nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi.
Cùng với đó, hiện thực hoá mục tiêu tiếp tục thay đổi tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”, xây dựng người nông dân chuyên nghiệp thích ứng kinh tế số, kinh tế tuần hoàn; ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn với phát triển du lịch sinh thái góp phần tạo ra giá trị mới trong sản xuất. Phát triển nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống, nâng cao thu nhập người dân khu vực nông thôn tiệm cận với thu nhập bình quân chung của tỉnh không thể thiếu vai trò kiến tạo của cơ quan quản lý, của khoa học công nghệ mới, tự động hoá, trí tuệ nhân tạo, thương mại điện tử...
Ông Châu Công Bằng, Phó giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết, với những hoạch định đã được ban hành, thì lộ trình thực hiện CÐS trong ngành nông nghiệp địa phương đến năm 2025 phấn đấu đạt được những mục tiêu quan trọng. Trong đó, ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, trong hoạt động hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của Sở NN&PTNT nhằm tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân khi liên hệ công tác. Ứng dụng công nghệ số để số hoá dữ liệu quản lý, hướng đến tự động hoá trong quy trình thu thập - xử lý - báo cáo - lưu trữ hệ thống dữ liệu thống kê thuộc lĩnh vực trồng trọt - bảo vệ thực vật, chăn nuôi - thú y - thuỷ sản, lâm nghiệp, phát triển nông thôn, thuỷ lợi, nước sạch - vệ sinh môi trường nông thôn, khuyến nông, nông thôn mới, OCOP, thanh tra chuyên ngành - quản lý chất lượng... góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý ngành.
"Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ số để số hoá quy trình sản xuất an toàn, hình thành mạng lưới quan sát - quan trắc, truy xuất nguồn gốc theo chuỗi cung ứng sản phẩm nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất và đảm bảo thông tin truy xuất được thuận tiện, minh bạch, chính xác; dần tiến đến CÐS toàn diện trong sản xuất nông nghiệp, hình thành mạng lưới quan sát - quan trắc tự động phục vụ hoạt động chuyển dịch sản xuất theo hướng kinh tế nông nghiệp, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong lĩnh vực nông nghiệp", ông Châu Công Bằng cho biết thêm.
Ngành nông nghiệp được lựa chọn là một trong những lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế số trong thời gian tới. Vấn đề này đã được cụ thể hoá tại Ðề án CÐS tỉnh Cà Mau đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, nhiệm vụ, giải pháp quan trọng cũng đã được xác định là tiếp tục triển khai ứng dụng nền tảng dữ liệu số nông nghiệp, thúc đẩy hoạt động CÐS nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Triển khai nền tảng truy xuất nguồn gốc nông sản cho phép kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ, quy trình sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng của nông sản. Tổ chức phổ cập kỹ năng số cho người nông dân; hỗ trợ nông dân CÐS trong quá trình tổ chức sản xuất nông nghiệp và tham gia vào phát triển kinh tế số, xã hội số. Tăng cường quảng bá sản phẩm OCOP; đẩy mạnh ứng dụng các nền tảng thương mại điện tử; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số để quản lý, giám sát chuỗi cung ứng sản phẩm./.
Theo Báo Cà Mau