Cà Mau: Tăng cường chất lượng, nâng tầm giá trị

21/03/2024 - 14:54

Đây là nội dung được các đại biểu và diễn ra trong, ngoài nước chia sẻ trong suốt chương trình hội thảo đồng hành cùng người nuôi tôm diễn ra ngày 21/3.

Đại biểu tham quan, tìm hiểu công nghệ thiết bị mới được trưng bày tại hội thảo.

Theo đó, hội thảo nhận được nhiều ý kiến chia sẻ từ các diễn giả, nhà khoa học liên quan đến các giải pháp giúp nghề nuôi tôm nâng cao chất lượng, giá trị và hiệu quả con tôm. Tiêu biểu như ứng dụng giải pháp sinh học nâng cao sức khoẻ và năng suất trong nuôi trồng thuỷ sản; giải pháp kỹ thuật của Grobest trong điều kiện nuôi tôm ngày càng thách thức; nuôi tôm thông minh theo khí hậu đã đến lúc phải làm đúng; giải pháp công nghệ Úc cho ngành tôm thích ứng với biến đổi khí hậu…

Theo các đại biểu tham gia hội thảo, những nội dung được chia sẻ đã mang lại nhiều giải pháp kỹ thuật hữu ích trước những khó khăn mà ngành tôm nói chung và con tôm Cà Mau nói riêng đang đối mặt. Cà mau được xem là thủ phủ của con tôm với diện tích nuôi tôm hiện nay trên 278.300 ha. Cụ thể, diện tích nuôi tôm quảng canh kết hợp (tôm - rừng, tôm - lúa, tôm - cua - cá...) khoảng 88.644 ha, nuôi tôm theo hình thức quảng canh cải tiến hơn 183.000 ha. Đặc biệt, diện tích nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh 6.647,92 ha/7.682 hộ.

Tuy nhiên, với tác động của biến đổi khí hậu, dịch bệnh và tình hình thế giới người nuôi tôm của tỉnh đang gặp rất nhiều khó khăn, nhất là chi phí của loại hình thâm canh và siêu thâm canh. Đối với loại hình nuôi tôm siêu thâm canh, theo thống kê mới nhất, chi phí thức ăn chiếm hơn 50%, tôm giống chiếm 8-10%, thuốc, hoá chất cải tạo môi trường, thức ăn bổ sung chiếm khoảng 15-20%, nhiên liệu, khấu hao thiết bị chiếm khoảng 15-20% tổng giá thành nuôi tôm siêu thâm canh. Như vậy, chỉ với những chi phí cơ bản này đã chiếm đến 88-100% tổng giá thành nuôi tôm siêu canh, tức lợi nhuận của người dân gần như không còn, thậm chí thua lỗ khi thị trường giảm giá như thời gian đã qua.

Đại biểu trao đổi, thảo luận bên lề hội thảo.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Đức Tuấn, Giám đốc kỹ thuật Vietnam Food, cho biết, do phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu nên chi phí, nhất là thức ăn trong nuôi tôm của cả nước tăng cao. Hiện nay với tình hình thế giới biến động, chi phí này lại tiếp tục tăng thêm. Đã đến lúc cần áp dụng những giải pháp sinh học để tận thu phụ phẩm, biến nó thành sản phẩm phục vụ lại cho nghề nuôi để giảm chi phí.

Cùng chia sẻ về khó khăn trong chi phí nuôi tôm của cả nước, Tiến sĩ Lê Văn Khoa, Giám đốc kỹ thuật toàn quốc Tập đoàn Grobest, nhận định, giá thành sản xuất tôm trung bình của nước ta cao hơn các nước trên thế giới. Do đó, thị trường đầu ra gặp khó khăn là điều khó tránh khỏi. Theo đó, đến thời điểm này triển khai nhiều mô hình giảm chi phí là điều tất yếu. Trong những năm qua, tập đoàn đã triển khai nhiều mô hình bằng giải pháp kỹ thuật của Grobest trong cả nước và qua tổng kết cho thấy chi phí thấp hơn và tỷ suất lợi nhuận đạt cao hơn.

Tại hội thảo, các đại biểu còn được nghe nhiều bài chia sẻ đến từ các diễn giả nước ngoài. Trong đó, có các nội dung: làm thế nào để duy trì lợi nhuận và tính bền vững trước thách thức của ngành tôm của diễn giả đến từ nước Indonesia; nuôi tôm Ecovet - giải pháp phòng chống dịch bệnh tuyến đầu hiệu quả cao của giáo sư Lin Han - Jia, Đại học quốc gia Ocean Đài Loan…

Trong hội thảo còn có nhiều ý kiến thảo luận trao đổi, những giải pháp công nghệ mới… có ý nghĩa quan trọng giúp ngành tôm cả nước nói chung và Cà Mau nói riêng có thể tháo gỡ khó khăn phát triển bền vững./.

Theo NGUYỄN PHÚ (Báo Cà Mau)