Khó tiêu thụ
“Tràm tôi kê liếp, gần 4 ha kêu giá có 250 triệu đồng, tính ra hơn 60 triệu đồng/ha mà không bán được. Trong khi trước đây, 1 ha bán từ 100-120 triệu đồng. Giờ nếu bán thấp nữa sẽ không đủ vốn trồng lại rừng mới. Còn nếu không bán, để cây lớn thêm thì thương lái không mua”, anh Quốc than thở.
Tương tự, anh Lê Thanh Bình, cùng Ấp 12, hiện có 3 ha tràm tới kỳ khai thác, anh cho biết: “Tôi kêu giá 150 triệu đồng mà cũng không ai ngó ngàng tới. Làm đủ thứ nghề, lấy ngắn nuôi dài, tới 6 năm mừng húm, định bán đặng trả nợ nần, xoay xở cuộc sống, giờ như vậy không biết tính sao”.
Anh Lê Thanh Bình, Ấp 12, xã Nguyễn Phích, đứng ngồi không yên vì 3 ha tràm của gia đình tới kỳ khai thác mà không bán được.
Vốn chí thú làm ăn, thời gian qua anh Quốc đầu tư cải tạo 2 ha đất sản xuất để trồng mít (mỗi hộ được nhận 7 ha: 5 ha trồng rừng, 2 ha sản xuất). “Tôi đầu tư vốn trồng 3,5 ngàn gốc mít Thái, giờ còn hơn 2 ngàn gốc; cho trái được 2 mùa rồi. Nhưng xui rủi, năm trước bị dịch bệnh, bán không được bao nhiêu. Vụ vừa rồi cũng mấy chục tấn, đầu ra không có, bán vòng vòng chỉ 7 ngàn đồng/kg, vớt vát được có vài chục triệu đồng tiền phân, thuốc; còn lại đổ xuống ao cho ốc ăn”, anh Quốc thở dài ngao ngán.
Còn anh Bình, để lo liệu cuộc sống gia đình, trên phần đất sản xuất, anh cũng “trồng lặt vặt mớ mít, lâu lâu bán được một trái” (theo lời anh); rồi làm chuồng nuôi heo nái, gà, vịt, ngỗng, đồng thời chạy đi lấy hàng giao khi khách cần. “Cũng phải ráng làm, buông này bắt kia, không làm là đói”, anh Bình bày tỏ.
Anh cho biết, xứ này là vùng trũng phèn nên hầu hết phần đất sản xuất làm kém hiệu quả, trồng lúa trúng lắm cũng chưa tới 20 giạ/công. Còn lên liếp trồng cây quy mô thì phải đầu tư khá tốn kém (mà đầu ra cũng phụ thuộc thị trường), nên phần lớn bà con chỉ trồng cây tạp, rau màu bán lặt vặt. Ða số phải đi làm mướn đủ thứ nghề, từ đốn tràm, vác tràm cho các vựa, róc củi hầm than, làm hồ, đi biển... Nuôi hy vọng vào vụ khai thác tràm sau 6 năm trồng, giờ gặp tình trạng giá tràm như vậy bà con hết sức thất vọng.
Theo ông Nguyễn Hồng Biên, Phó chủ tịch UBND xã Nguyễn Phích, toàn xã có 11 ấp lâm phần, 2.037 hộ, diện tích 5,8 ngàn héc-ta. Có khoảng 95% diện tích đất rừng được người dân trồng tràm truyền thống (còn lại là keo lai, tràm Úc). Ðời sống bà con thời gian qua cũng có khởi sắc nhờ chính sách an sinh xã hội đầu tư cầu, lộ, nhà... Tuy nhiên, điều kiện sản xuất cũng còn lắm khó khăn. Ðặc biệt, giá tràm hiện nay xuống rất thấp, lại khó bán (tràm thâm canh 40-45 triệu đồng/ha, không thâm canh 25-30 triệu đồng/ha) khiến bà con càng khốn khó. Trước thực tế trên, xã đã phối hợp các ngành nỗ lực tìm đầu ra nhưng chưa có hướng.
Tìm hướng mở kinh tế bền vững
Ông Trần Ngọc Thảo, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ, cho biết, công ty hết sức chia sẻ với khó khăn của bà con. Và ông báo tin vui: “Chúng tôi mới liên hệ một công ty đăng ký hợp đồng đóng cừ tràm cho lộ dự kiến đường cao tốc, số lượng cũng nhiều; đang cho phòng chức năng hướng dẫn họ vô mua tràm tại chỗ của người dân, thay vì mua phải qua thương lái. Nếu được, cũng giải quyết tiêu thụ một lượng lớn tràm cho bà con”.
Theo tìm hiểu được biết, giá tràm giảm là do nhu cầu thị trường giảm. Trước đây các công trình xây dựng sử dụng tràm làm cừ, làm giàn giáo; giờ họ cừ bê tông, làm giàn giáo bằng sắt nên đầu ra cây tràm hạn chế. Từ thực tế trên, thiết nghĩ, ngoài tìm đầu ra để giải quyết vấn đề trước mắt cho cây tràm, các cấp, các ngành chức năng cần tìm hướng mở để bà con trên đất lâm phần ổn định sản xuất, không thể duy trì tình trạng như đã qua.
Nhu cầu thị trường giảm, các điểm bán cừ tràm dọc tuyến lộ về U Minh đìu hiu, người lao động nơi đây không còn nhiều cơ hội việc làm từ khuân vác, đốn tràm... như trước.
Ông Trần Quốc Sự, Phó bí thư Thường trực Ðảng uỷ, Chủ tịch HÐND xã Nguyễn Phích, thông tin, qua những lần tiếp xúc cử tri, bà con đều mong muốn giao đất lâm phần về cho xã quản lý. "Hiện rừng do công ty quản lý, nhưng con người thì xã nắm, cũng có nhiều bất cập. Giao đất cho xã, các hộ nghèo xã nắm rõ, có chương trình, đề án gì cấp trên hỗ trợ, mình cũng đưa về, tạo điều kiện cho bà con phát triển. Thêm nữa, mỗi khi rừng tới kỳ khai thác, bỏ qua được khâu thiết kế, trình duyệt, mua hồ sơ, làm thủ tục đấu thầu... vừa mất nhiều thời gian, vừa tốn kém chi phí bạc triệu. Chúng tôi đang đề xuất vấn đề này với huyện, kể cả HÐND tỉnh khi vào tiếp xúc cử tri, nhưng chưa thấy phản hồi”, ông Sự thông tin.
Về phía công ty, ông Thảo cho biết, việc trả về xã hay công ty quản lý thuộc thẩm quyền UBND tỉnh. Tỉnh phải xin ý kiến từ Trung ương. Ðiều ông băn khoăn: “Giao về xã, địa phương chỉ có một công chức phụ trách; việc quản lý, nhất là phòng, chống cháy rừng sẽ gặp khó”.
Giao đất rừng về xã hay công ty quản lý là chuyện thuộc thẩm quyền các cấp, các ngành chức năng. Với người dân trên đất lâm phần, điều họ mong muốn lớn nhất là làm sao ổn định sản xuất, để cuộc sống về lâu dài được căn cơ, bền vững.
Còn nhớ, hôm tham quan vườn trái cây khá lớn của ông Ba Liêm (Ấp 10, xã Nguyễn Phích); từ mồ hôi, công sức đổ ra để đạt thành quả, ông khẳng định: "Ðây là vùng đất giàu tiềm năng, người dân chịu làm. Nhưng muốn phát triển được, Nhà nước cần có quy hoạch, đầu tư hạ tầng về đường, điện, vốn liếng, tính đầu ra và có những người giỏi về kỹ thuật hướng dẫn bà con".
Nên chăng, đây cũng là ý kiến cần tham khảo?
Theo Báo Cà Mau