Khu vực ven biển Kênh Năm bên bờ biển Tây (Cà Mau) chưa được nâng cấp đê, sóng dữ tàn phá nghiêm trọng rừng phòng hộ.
Chiều 27/6, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau Tô Quốc Nam cho biết, Ủy ban nhân dân tỉnh vừa tiếp tục có văn bản hỏa tốc kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép địa phương thực hiện trình tự, thủ tục điều chỉnh quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đê, kè ven biển tại huyện Phú Tân (dự án-PV) song song với việc hoàn chỉnh Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (quy hoạch Cà Mau-PV).
Dự án vừa nêu thuộc công trình xây dựng đê biển Tây từ Cái Đôi Vàm đến Kênh Năm và kè phòng, chống sạt lở bờ biển các đoạn xung yếu từ cửa biển sông Ông Đốc đến cửa biển Bảy Háp, được Chính phủ cho điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án tại Công văn số 8614/VPCP-HTQT (ngày 21/12/2022) của Văn phòng Chính phủ. Đây cũng là đoạn cuối cùng trong toàn tuyến đê biển Tây Cà Mau.
Dự án có khoản vay ODA là 20,06 triệu EURO, và khoản viện trợ không hoàn lại 3,76 triệu EURO từ Cơ quan phát triển Pháp (AFD). Để thực hiện được dự án trên, Cà Mau phải hoàn tất, trình phê duyệt Quy hoạch Cà Mau thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tuy nhiên, đại diện AFD gần đây đề nghị rút ngắn thời gian để ký Hiệp định, chậm nhất vào tháng 12/2023, nếu không thì AFD sẽ không tiếp tục duy trì tài trợ khoản vay cho dự án.
Theo ông Nam, vướng mắc lớn nhất ở đây là quy hoạch đê biển Tây đã có, và nằm trong quy hoạch chung của tỉnh đã được Hội đồng thẩm định Trung ương thông qua nhưng đang chờ thủ tục phê duyệt theo quy định.
Khu vực đê biển Tây (Cà Mau) chưa được nâng cấp không có đường giao thông, người dân đi lại chủ yếu bằng đường thủy .
Trước đó, Báo Nhân Dân đã phản ảnh “Đê biển Cà Mau lún dần xuống biển”, đề cập cuộc sống của cư dân ven đê biển Tây (đoạn từ Sông Đốc về Kênh Năm thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân) gặp nhiều bất ổn, bí bách do tác động bất lợi từ các hình thái cực đoan của biến đổi khí hậu.
Ở khu vực nêu trên hiện còn một đoạn đê dài hơn 20km nhưng qua gần 25 năm hình thành cho đến nay vẫn chưa được nâng cấp thêm lần nào. Hệ lụy, đê bằng đất bị lún dần xuống biển, triều cường tràn qua đê gây thiệt hại nhà cửa, sản xuất của người dân sống trong đê, khiến cuộc sống của bà con liên tục bị xáo trộn.
Trong khi đó, ở chiều ngược lại, các đoạn đê biển Tây đã được nâng cấp, cư dân trong vùng khá yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế, bởi thân đê cao ráo, có đường ô tô cùng các công trình bảo vệ ven biển đã được đầu tư. Khu vực đã nâng cấp cũng đang hình thành tuyến du lịch ven biển Tây, tương lai nối dài đến tận Hà Tiên (Kiên Giang), thúc đẩy giao thương hàng hóa liên vùng.
Theo Nhân dân