Cà Mau: Tuân thủ quy định nghề khai thác biển

17/10/2023 - 08:53

Với nhiều điều kiện thuận lợi, từ lâu, nghề khai thác thuỷ sản của tỉnh đã phát triển mạnh mẽ, không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo việc làm mà còn thể hiện vai trò quan trọng trong việc khẳng định chủ quyền quốc gia trên biển.

Tuy nhiên, chính những điều kiện thuận lợi ấy đã tạo ra một hệ luỵ là nghề cá của tỉnh mang tính tự phát nên có nhiều phương tiện kích thước nhỏ, trang thiết bị không đảm bảo, hoạt động gần bờ, nhiều nghề ảnh hưởng đến nguồn lợi thuỷ sản... Hay nói cách khác, nhiều hoạt động khai thác đang vi phạm các quy định, nhất là quy định liên quan đến chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU).

Nhiệm vụ quan trọng và cấp bách

Chống khai thác IUU từ lâu được tỉnh xác định là nhiệm vụ quan trọng, hàng đầu, vừa mang tính cấp bách, vừa thường xuyên, lâu dài. Ðể khắc phục cảnh báo thẻ vàng của Uỷ ban châu Âu (EC), ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh, cho biết, bên cạnh thực hiện các nhiệm vụ để hướng tới mục tiêu lâu dài, tỉnh đã triển khai quyết liệt các giải pháp, trọng tâm là tăng cường các biện pháp quản lý tàu cá, từ đăng ký, cấp phép, đăng kiểm cho đến hoạt động trong thực tế của các phương tiện. Tiêu biểu là thiết bị giám sát hành trình, số hoá hồ sơ tàu cá... đảm bảo 100% phương tiện trong phạm vi quản lý có thể kiểm tra bất cứ lúc nào.

Lực lượng chức năng kiểm tra và hướng dẫn ngư dân tuân thủ các quy định khi tham gia khai thác trên biển.

Cửa biển Sông Ðốc (thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời) có đội tàu khai thác hùng hậu nhất tỉnh. Hơn 1.100 phương tiện đang ngày đêm khai thác trên biển, góp phần hình thành nên đô thị biển Sông Ðốc ngày càng sầm uất. Tuy nhiên, vẫn còn phát sinh không nhỏ khó khăn trong quản lý, kiểm soát hoạt động khai thác, nhất là các quy định về chống khai thác IUU.

Ông Trần Quốc Lâm, Chủ tịch UBND thị trấn Sông Ðốc, cho biết, 100% phương tiện thuộc nhóm bắt buộc đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình; dù vậy có 27 phương tiện hết hạn đăng ký, đăng kiểm và 57 phương tiện mất kết nối.

Ðể từng bước đưa nghề khai thác thật sự đi vào nền nếp, theo đúng quy định không chỉ trong nước mà cả những quy định quốc tế, ông Phạm Anh Thương, Giám đốc Cảng cá Sông Ðốc, chia sẻ, cảng cá đã phối hợp với các đơn vị trên địa bàn tuyên truyền hướng dẫn ngư dân về nghề khai thác, vùng được khai thác theo giấy phép được cấp, cũng như các loại giấy tờ theo quy định khi ra biển khai thác, ghi và nộp nhật ký khai thác...

Hiện toàn tỉnh còn nhiều phương tiện thuỷ gia dụng cải hoán để tham gia khai thác nhưng việc chuyển đổi ngành nghề đang vô cùng khó khăn, cần nhiều nguồn lực và thời gian.

Nỗ lực ấy đã tạo chuyển biến tích cực trong tuân thủ những quy định của pháp luật hiện hành về hoạt động khai thác. Ông Nguyễn Văn Quân, Chủ cơ sở  khai thác thuỷ sản Hoàng An, Khóm 3, thị trấn Sông Ðốc, cho biết, thời gian qua ông đã ký rất nhiều cam kết, nhất là cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài và luôn tuân thủ nghiêm theo quy định của Nhà nước.

Là chủ đội tàu khai thác gồm 6 chiếc đang tham gia khai thác trên biển, ông Nguyễn Thanh Tuỳ, Khóm 2, thị trấn Sông Ðốc, chia sẻ, kể từ năm 2019, khi có chương trình lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, gia đình đã tiến hành lắp đặt đầy đủ cho đội tàu của mình. “Nhà nước quy định sao thì mình tuân thủ đầy đủ, từ hồ sơ thủ tục cho đến kích cỡ mắt lưới trong khai thác, an toàn vệ sinh thực phẩm...”, ông Tuỳ khẳng định.

Kiên quyết xử lý vi phạm

Ðể nhanh chóng gỡ thẻ vàng, cũng như vì mục tiêu xây dựng nghề biển bền vững, hiệu quả và lâu dài, thời gian qua, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã triển khai thực hiện tốt các văn bản của Trung ương cũng như ban hành nhiều văn bản chỉ đạo. Tỉnh đã vận dụng nhiều cách làm sáng tạo, như song song với các cảng cá được chỉ định, tỉnh còn tiến hành kiểm soát sản lượng tại các bến cá tư nhân với sự tham gia của chủ cơ sở, chính quyền địa phương và các ngành chức năng. Dù vậy, tỷ lệ kiểm soát được sản lượng khai thác đến nay cũng chỉ gần 50%.

Không ít phương tiện mất tín hiệu kết nối hành trình cũng là thực tế đã và đang tồn tại nhiều năm qua. Theo đó, đối với những trường hợp này, ông Lê Văn Sử cho biết, khi vào bờ thì chính quyền địa phương tiến hành định kỳ kiểm soát và phải có hồ sơ, hình ảnh của phương tiện đó đang ở đâu. Riêng đối với những phương tiện mất kết nối trên biển, ngay lập tức thực hiện quy trình giám sát khác và yêu cầu dữ liệu liên lạc, để đảm bảo trong thời gian thiết bị giám sát hành trình bị mất kết nối vẫn có thể quản lý thông qua các hình thức khác.

Xử lý vi phạm là một trong những biện pháp mà tỉnh triển khai một cách nghiêm túc để đưa nghề cá đi vào nền nếp, cũng như tạo tính răn đe. Theo đó, tỉnh tập trung xử lý phương tiện vi phạm vùng biển nước ngoài, phương tiện mất kết nối quá thời gian quy định, phương tiện sang bán không thực hiện đầy đủ thủ tục, hết hạn đăng ký, đăng kiểm...

“Không chỉ tăng cường xử lý ở trong đất liền, tỉnh còn triển khai nhiều biện pháp mạnh mẽ trên biển, như phối hợp với các lực lượng chức năng của Trung ương đóng trên địa bàn và các tỉnh trong khu vực triển khai các đợt kiểm tra, kiểm soát. Tỉnh kiên quyết xử lý đối với các phương tiện vi phạm, không chỉ dừng lại ở hình thức hành chính, nếu có dấu hiệu hình sự thì sẽ tiến hành các bước theo quy định để đủ sức răn đe”, ông Lê Văn Sử khẳng định.

Hòn Chuối là nơi neo đậu và trao đổi hàng hoá của nhiều phương tiện khai thác, thông qua các tàu thu mua.

Cần nhiều nguồn lực

Nhằm quản lý, cũng như từng bước đưa nghề khai thác phát triển bền vững và đúng quy định, thị trấn Sông Ðốc thường xuyên phối hợp với Ðồn Biên phòng Sông Ðốc, Chi cục Thuỷ sản... tiến hành tuyên truyền, đối thoại ngư dân về những nội dung quy định trong khai thác hiện hành, nhất là đăng ký, đăng kiểm, thiết bị giám sát hành trình và không vi phạm vùng biển nước ngoài. Thế nhưng, một khó khăn hiện nay mà địa phương này đang gặp phải chính là phương tiện khai thác ven bờ. “Riêng trên khu vực thị trấn Sông Ðốc hiện còn khoảng 300 phương tiện cần phải chuyển đổi ngành nghề”, ông Trần Quốc Lâm cho biết.

Liên quan vấn đề này, tỉnh đã chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch và đề án nhằm từng bước chuyển đổi ngành nghề cho người dân. Song, do nguồn lực còn hạn chế nên chỉ tiến hành việc chuyển đổi ngành nghề ở bước xây dựng mô hình thí điểm và tuyên truyền, vận động người dân chuyển từ nghề sát hại nguồn lợi sang nghề ít sát hại hơn, khai thác ven bờ sang vùng lộng và chuyển từ nghề khai thác sang các nghề dịch vụ trên đất liền. “Ðây là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, trong quá trình thực hiện đòi hỏi phải có nhiều nguồn lực, có thêm thời gian và cần phải được triển khai đồng bộ với nhiều giải pháp mới có thể thực hiện được”, ông Lê Văn Sử thông tin./.

Theo NGUYỄN PHÚ - CHÍ DIỆN (Báo Cà Mau)