Cà Mau: Ðưa công nghệ vào làng nghề

20/12/2022 - 09:51

Cận Tết là thời điểm các ngành nghề nông thôn, làng nghề truyền thống ở Cà Mau trở nên nhộn nhịp, tất bật sản xuất những sản phẩm đặc trưng phục vụ khách hàng. Ðiều phấn khởi là nhiều ngành nghề, làng nghề đã từng bước hiện đại hoá quy trình sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, phân phối cho thị trường cả nước và nước ngoài.

Cà Mau hiện có 37 ngành nghề, làng nghề truyền thống, nhiều nghề được truyền trao hơn 100 năm qua như: đan đát, dệt chiếu, vót đũa, gác kèo ong, ép chuối khô; chế biến các loại cá khô, tôm khô, mắm, ba khía muối… Những làng nghề này không chỉ lưu giữ dấu ấn, bản sắc văn hoá của từng địa phương, mà còn tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân nông thôn.

Ở làng nghề đan đát Thới Bình, hầu hết đều đầu tư máy chẻ trúc thay cho sức người làm nặng nhọc trước kia.

Ðưa máy móc vào sản xuất

Sự phát triển của khoa học công nghệ đã và đang tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực ngành nghề, làm thay đổi tư duy, nhận thức và hành động. Không nằm ngoài xu hướng chung này, nhiều làng nghề ở Cà Mau đã sử dụng hợp lý các máy móc hiện đại vào sản xuất, cùng sự sáng tạo của nghệ nhân, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường. Nhiều sản phẩm làng nghề được chứng nhận nhãn hiệu tập thể, được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu các cấp.

Nghề ép chuối khô ở xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời được hình thành cách đây hơn 60 năm. Thời điểm này, toàn xã có khoảng 150 hộ làm nghề, thu hút hơn 800 lao động tham gia. Nhờ duy trì và phát triển nghề ép chuối khô truyền thống mà thời gian qua nhiều hộ dân ở xã Trần Hợi có cuộc sống ổn định. Từ khi được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận Nhãn hiệu tập thể chuối khô Trần Hợi vào tháng 7/2018, nghề ép chuối khô nơi đây như được khoác áo mới. Nhiều cơ sở đầu tư lò sấy, máy hút chân không, máy đóng gói, thiết kế nhãn mác đẹp mắt, đảm bảo sản phẩm làm ra xuyên suốt, đạt chất lượng.

Là hộ có thâm niên làm nghề ép chuối khô, bà Hồ Kim Hạnh, chủ cơ sở sản xuất chuối khô Hai Bảo, chia sẻ: “Trước đây, nhà tôi làm chuối khô bằng thủ công rất vất vả và phụ thuộc hoàn toàn vào tiết trời, sản phẩm bán ra chỉ trông chờ vào vụ Tết. Thời buổi cạnh tranh, nếu sản phẩm không ngon, không đẹp thì khó mà bán được, nên tôi quyết định đầu tư lò sấy, máy đóng gói, máy hút chân không, để đảm bảo ngày nào, mùa nào cũng có sản phẩm cung ứng cho đối tác. Mỗi tháng cơ sở xuất bán từ 5-6 tấn chuối khô, gần đây tôi thử nghiệm làm chuối hồng, chuối mít, mứt chuối… được khách hàng đánh giá cao. Bên cạnh đó, gia đình tôi còn hợp tác thu mua chuối khô của các hộ lân cận để bán cho các cơ sở sản xuất kẹo, mứt các tỉnh trên, từ đó bà con làng nghề có việc làm quanh năm”.

Bà Hồ Kim Hạnh, chủ cơ sở sản xuất chuối khô Hai Bảo, giới thiệu sản phẩm chuối khô của cơ sở chào bán trên các trang thương mại điện tử.

Ðối với nghề làm đũa đước của người dân vùng Năm Căn, Ngọc Hiển, trước đây tất cả các công đoạn đều làm thủ công. Ðước khi đốn về được cắt ra theo độ dài của đũa, rồi chẻ nhỏ và tiến hành vót cho đến khi đũa thẳng, bóng láng, phơi khô. Những năm gần đây, khi các phương tiện, máy móc hiện đại được đưa vào sử dụng trong các công đoạn, sản phẩm đũa đước làm ra bắt mắt hơn, được nhiều khách hàng đón nhận. Năm 2021, đũa đước của hộ kinh doanh Huỳnh Thanh Phong, xã Lâm Hải, huyện Năm Căn, được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia.

Anh Huỳnh Thanh Phong chia sẻ: “Hồi đó làm thủ công còn bán được, chứ bây giờ thị trường nhiều mẫu mã đũa đẹp, chất lượng, nếu mình không tự thay đổi, làm mới thì đành phung phí vùng nguyên liệu cây đước dồi dào của bản xứ. Nhắc đến đũa đước ai cũng biết đến độ bền, nhưng để cho đẹp, phù hợp thị hiếu thì cần đến máy móc hiện đại, nên gia đình tôi tích luỹ mua dần các loại máy chẻ cây, máy cắt, máy tề đầu, máy rọc vuông, chạy tròn, máy đánh nhám (đánh bóng)… Hiện mỗi năm gia đình xuất bán ra thị trường hơn 1 triệu đôi đũa, thu về lợi nhuận hơn 150 triệu đồng”.

Ðộng lực phát triển

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm“ (OCOP) và Ðề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho các làng nghề, ngành nghề truyền thống. Hàng năm, tỉnh Cà Mau đều xây dựng phương án hỗ trợ quảng bá, xúc tiến thương mại; hỗ trợ máy móc, trang thiết bị hiện đại như: công nghệ sấy năng lượng mặt trời, hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm; mẫu mã, nhãn hàng hoá chuyên nghiệp, đúng quy định; sản phẩm được phân tích, kiểm nghiệm và công bố chất lượng, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Trước đây, sản phẩm bánh phồng tôm của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Vĩnh Hoà Phát (xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn) sản xuất chủ yếu bằng thủ công, năng suất thấp, nên công ty không có nhiều đơn đặt hàng. Từ khi vào OCOP, được tỉnh hỗ trợ khoảng 200 triệu đồng mua máy điện áp và kho đông lạnh, năm 2020, sản phẩm bánh phồng tôm của công ty được công nhận 3 sao.

Ông Mai Sáu, Giám đốc công ty, cho biết: “Chúng tôi tiếp tục đầu tư thêm các trang thiết bị, máy móc hiện đại khác, đảm bảo hoạt động theo hệ thống quản lý chất lượng về an toàn thực phẩm quốc tế (HACCP), để nâng hạng 4 sao. Hiện trung bình mỗi ngày công ty sản xuất từ 1-1,5 tấn bánh thành phẩm, bao gồm: bánh phồng tôm, bánh phồng hàu, bánh phồng chuối và bánh phồng khoai môn. Thị trường tiêu thụ các sản phẩm bánh phồng tôm của công ty chủ yếu là tại các siêu thị trong nước và một số đối tác nước ngoài như Ðài Loan, Hàn Quốc...”.

Nhiều cơ sở sản xuất khô cá bổi đầu tư lò sấy, nhà sấy năng lượng, đảm bảo cung ứng sản phẩm quanh năm. Ảnh: Nhà sấy năng lượng của cơ sở sản xuất cá khô bổi Ba Đức, thị trấn Trần Văn Thời, huyện Trần Văn Thời.

Trong xu hướng hội nhập, các làng nghề phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt khi thị trường đa dạng các sản phẩm hàng hoá ngoại nhập. Ðể có thể duy trì sự tồn tại, phát triển bền vững thì hoạt động thương mại điện tử nhằm quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trên nền tảng số, xây dựng và phát triển hệ thống bán hàng trực tuyến sẽ mở ra nhiều cơ hội cho sản phẩm làng nghề.

Trong năm 2022, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp Bưu điện tỉnh đưa 77 sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử, 492 sản phẩm hàng hoá lên sàn thương mại điện tử; tổ chức trưng bày các sản phẩm OCOP địa phương tại quầy giao dịch trung tâm TP Cà Mau với 30 loại sản phẩm… Hơn 94.000 tài khoản đăng ký mua trên sàn thương mại điện tử (sản lượng giao dịch luỹ kế là 3.684 giao dịch, doanh thu hơn 1,5 tỷ đồng).

Anh Lê Minh Sang, Giám đốc HTX tôm khô Sông Ðầm (xã Tân Dân, huyện Ðầm Dơi), chia sẻ: “HTX có các sản phẩm như: tôm khô, tôm chà bông, tôm bóc vỏ, mắm tôm, tôm sú - tôm thẻ ép... đều được chào bán trên trang thương mại điện tử của tỉnh và hệ thống bán hàng uy tín như: Tiki, Shopee, mạng xã hội Zalo, Facebook… Nhờ công nghệ mà các sản phẩm của HTX được nhiều người biết đến, ngày càng nhiều khách hàng. Nếu không bán hàng trực tuyến thì ở vùng nông thôn xa như nơi này, để phát triển sản phẩm phải thuê mướn mặt bằng ở chợ lớn, tốn nhiều chi phí; thay vào đó, mình đầu tư trang thiết bị, máy móc, quy trình sản xuất đảm bảo an toàn, tạo niềm tin cho người tiêu dùng”.

Con người thế hệ mới thông thạo công nghệ mới, làm nghề truyền thống từ giá trị cũ đang là công thức thành công của rất nhiều làng nghề, trong đó có tỉnh Cà Mau. Thực hiện Quyết định số 801/QÐ-TTg ngày 7/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ về bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tỉnh Cà Mau tập trung hướng dẫn tổ chức lại sản xuất, xây dựng chuỗi liên kết giá trị làng nghề, phát triển nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ mới, xây dựng và phát triển thương hiệu các sản phẩm làng nghề; hỗ trợ các sản phẩm OCOP của làng nghề tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại./.

Theo MỘNG THƯỜNG (Báo Cà Mau)