Vài năm trở lại đây, ở TP.Cần Thơ, Cồn Sơn đã trở thành điểm du lịch nông nghiệp hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Nguyên nhân là do nơi đây có nhiều mô hình du lịch mới, hấp dẫn mà không nơi nào có được.
Ông Lê Trung Tín – một trong những hộ làm du lịch ở Cồn Sơn cho biết, sản phẩm du lịch nông nghiệp “không đụng hàng” của gia đình ông là cá lóc bay, tức đàn cá có khả năng bay, nhảy lên khỏi mặt nước khi cho ăn.
Đàn cá lóc của ông Tín bay lên khỏi mặt nước trước sự chứng kiến của du khách
“Hiện nay, gia đình tôi đang nuôi từ 18.000 - 20.000 con cá lóc lớn nhỏ, chia làm 10 vèo nuôi. Những con cá này đều có khả năng bay, nhảy khi cho ăn. Khi cá biểu diễn, khách xem khoái quá chừng. Rồi người này đồn người kia nên khách đến xem cứ đông dần. Hiện nay, tôi còn cải tạo một đoạn mương nhỏ cho du khách trải nghiệm chèo xuồng, hái sen, hái trái cây...” - ông Tín nói.
Việc nuôi cá kết hợp làm du lịch đầy sáng tạo của mình, cuộc sống gia đình ông Tín đã cải thiện. Từ một ngôi nhà ở nhỏ, gia đình ông đã sửa sang, cơi nới thành một điểm tham quan, nghỉ ngơi, thư giãn cho du khách. Mỗi tháng, trừ tất cả chi phí, nguồn thu đem lại cho gia đình ông Tín hàng chục triệu đồng.
Ông Tín đang nghiên cứu huấn luyện cho cá lóc bay qua vòng lửa
Anh Tín bật mí: "Để cá lóc bay bình thường trên mặt nước như hiện nay, khách sẽ nhàm chán. Vì vậy, tôi đang nghiên cứu huấn luyện cho cá lóc bay qua vòng lửa. Đây là một nhiệm vụ rất khó do tôi đặt ra, không biết có thực hiện được không nhưng sẽ cố gắng hết sức mình. Trước khi huấn luyện cho cá bay qua vòng lửa, tôi sẽ tập cho cá bay qua vòng tròn bình thường trước".
Cũng như ông Tín, ông Lý Văn Bon làm du lịch nông nghiệp bằng mô hình tham quan và trải nghiệm nuôi cá lồng bè. “Khác với các nơi khác, cá lồng bè của tôi toàn là những loại cá độc, lạ và rất hiếm thấy. Cụ thể là cá hồng vỹ, cá cọp, cá trê hồng,...Những loại cá này có trọng lượng lớn, nhìn rất đẹp mắt nên khách thấy là mê. Ngoài ra, tôi còn bố trí khu vực cho khách trải nghiệm mô hình cho cá coi bú bình”.
Ông Lý Văn Bon nuôi các loại cá độc, lạ phục vụ khách du lịch
Theo ông Bon, mô hình của ông hấp dẫn mỗi lần khách đến ai cũng trầm trồ khen ngợi. Hiện ông Bon có 36 lồng bè nuôi cá, để tăng thêm thu nhập, ông Bon còn kết hợp với việc bán các sản phẩm được chế biến từ cá thát lát.
Có hơn 40 năm kinh nghiệm làm bánh dân gian Nam Bộ, bà Phan Kim Ngân (tên thường gọi Bảy Muôn) làm du lịch bằng cách trình diễn làm bánh. Bà Ngân cho biết, biết làm hơn 50 loại bánh khác nhau theo cách chế biến truyền thống, giữ đúng hương vị của vùng đất Nam Bộ.
Du khách rất thích thú với những chiếc bánh dân gian do bà Ngân chế biến
“Làm bánh kết hợp làm du lịch, ngoài để kiếm thêm thu nhập, còn là cách để tôi giữ lửa cho nghề truyền thống. Không những khách trong nước mà khách nước ngoài cũng rất thích các loại bánh này, ai đến Cồn Sơn cũng ghe lại gia đình tôi” – bà Ngân nói.
Hiện nay, bà Ngân còn tổ chức cho khách ăn buffet bánh dân gian. Được biết, ngoài làm bánh dân gian, bà Ngân còn làm nước mắm đồng từ từ cá linh, cá cơm nước ngọt.
Theo phóng viên tìm hiểu, Cồn Sơn có diện tích khoảng 70ha với gần 100 hộ dân sinh sống, thay vì làm vườn hoặc đi xa làm thuê, người dân nơi đây hợp tác làm du lịch.
Trước đây, khoảng 2014, nơi đây chỉ có những sản phẩm du lịch chủ yếu là những vườn cây ăn trái chôm chôm, bưởi, vú sữa, dâu Hạ Châu, mít, ổi…thì hiện nay có nhiều điểm hấp dẫn, thu hút hơn.
Hiện trung bình mỗi ngày, nơi đây tiếp từ 5-6 đoàn khách (khoảng 100 người), riêng ngày lễ hoặc cuối tuần số khách sẽ tăng gấp 2 hoặc 3 lần, đem lại doanh thu cao cho những hộ dân làm du lịch.
Ngày mai (1-10), Tổng cục Du lịch sẽ phối hợp với Văn phòng Điều phối nông thôn mới T.Ư, UBND tỉnh An Giang và Báo Nông thôn ngày nay/Dân Việt tổ chức hội thảo “Nâng cao hiệu quả hoạt động du lịch nông nghiệp vùng ĐBSCL năm 2018. Đến dự hội thảo sẽ có khoảng 180 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành T.Ư, đại diện UBND, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hiệp hội Du lịch cùng các tập đoàn lớn trong lĩnh vực nông nghiệp chất lượng cao, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch ĐBSCL.
Tại hội thảo, các đại biểu sẽ thảo luận, đánh giá thực trạng, xu hướng phát triển cũng như đưa ra các đề xuất, giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong khai thác du lịch nông nghiệp ĐBSCL.
Hội thảo tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, là nơi giới thiệu các mô hình du lịch nông nghiệp thành công có tính sáng tạo,…
Theo HUỲNH XÂY (Dân Việt)