Cần Thơ định hình thương hiệu “Đô thị miền sông nước”

12/02/2018 - 09:05

Đến năm 2020, du lịch thành phố cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; phát triển theo hướng chuyên nghiệp với các dịch vụ, sản phẩm chất lượng cao, đa dạng, bền vững. Với định hướng này, Cần Thơ đã và đang thực hiện nhiều giải pháp xây dựng thương hiệu “Đô thị miền sông nước” để thu hút ngày càng nhiều du khách trong nước, khách nước ngoài trên tiến trình hội nhập quốc tế.

Đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ

Những ngày đầu năm 2018, khu vực Bến Ninh Kiều càng trở nên nhộn nhịp. Gần khu vực cầu đi bộ, ban nhạc biểu diễn guitar thu hút đông đảo du khách thưởng thức, kế bên là CLB Hội họa Thư pháp Cội nguồn tặng chữ đến du khách. Đây là mô hình thử nghiệm vừa đi vào hoạt động khoảng 2 tuần gần đây (vào tối Chủ Nhật hàng tuần) do Trung tâm Phát triển Du lịch Cần Thơ phối hợp với CLB Đam mê Guitar Cần Thơ và CLB Hội họa Thư pháp Cội nguồn thực hiện, để mang đến cho du khách không gian giải trí cộng đồng. Du khách Nguyễn Hoàng Linh (Hà Nội) nói: “Dạo chơi ở cầu đi bộ, sau đó thưởng thức âm nhạc trong không gian mở thế này thật thú vị, nhất là từ đây có thể ngắm nhìn sông nước về đêm lung linh và thơ mộng. Tôi nghĩ hoạt động này nên được duy trì, đồng thời tổ chức thêm nhiều hoạt động cộng đồng”.  Bà Lê Đình Minh Thy- Giám đốc Vietravel Cần Thơ và khu vực Tây Nam bộ, cho biết: “Tôi nghĩ đây là mô hình thiết thực góp phần đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ tại Cần Thơ, nhất là các hoạt động giải trí về đêm. Những hoạt động này là cần thiết để níu chân du khách ở lại Cần Thơ nên rất cần được tổ chức đa dạng với nhiều mô hình trải nghiệm mới, phong phú hơn”. Trên bến nhộn nhịp là thế, dưới sông cũng lung linh, huyền ảo với nhiều du thuyền đang hoạt động. Đi vào hoạt động từ tháng 1-2018,  du thuyền Lady Hau của Victoria Cần Thơ Resort lại mang đến cho du khách không gian thưởng lãm thi vị: trải nghiệm tour đường sông ngắm cảnh về đêm và thưởng thức tiệc buffet trên dòng sông Hậu. Chị Kim Ngân (Ninh Kiều) cho biết: “Vốn là người địa phương, tôi chưa từng nghĩ có ngày Bến Ninh Kiều về đêm lung linh như vậy. Trải nghiệm du thuyền Lady Hau cho tôi không gian yên tĩnh và cái nhìn khác về nét đẹp của Cần Thơ”.

Cần Thơ định hình thương hiệu “Đô thị miền sông nước”

Du khách quốc tế tham quan và trải nghiệm ẩm thực trên chợ nổi Cái Răng. Ảnh: ÁI LAM

Trong quy hoạch tổng thể du lịch Cần Thơ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, có xác định cụm du lịch trung tâm Ninh Kiều- Bình Thủy- Cái Răng- Phong Điền là trọng điểm động lực với các dịch vụ công cộng hiện đại. Theo đó, Ninh Kiều cũng được xác định phát triển với loại hình sản phẩm đặc trưng là du lịch đô thị sông nước và Mice (hội nghị, hội thảo, triển lãm). Với các định hướng đó, Ninh Kiều đang dần hình thành những nét đặc trưng qua hệ thống điểm đến, các dịch vụ đa dạng. UBND quận Ninh Kiều đang xây dựng và triển khai đề án các tuyến phố chuyên doanh để phục vụ các hoạt động vui chơi, mua sắm, giải trí của du khách. Cụ thể sẽ có khoảng 10 tuyến phố chuyên doanh: ẩm thực ở đường Đề Thám- Huỳnh Cương, hàng thủ công mỹ nghệ ở phố Hai Bà Trưng, dịch vụ giải trí ở đường Trần Văn Khéo và Lê Lợi… Bên cạnh đó, Ninh Kiều cũng đang nghiên cứu xây dựng đề án Chợ đêm trên sông, tour du lịch về đêm tại rạch Khai Luông- rạch Cái Khế- hồ Xáng Thổi, các mô hình chợ đêm phục vụ du lịch, biểu diễn đờn ca tài tử trên sông phục vụ du khách…

Với trọng điểm là Ninh Kiều, du lịch Cần Thơ đang dần hình thành hệ thống sản phẩm dịch vụ mới để đáp ứng các nhu cầu vui chơi, giải trí của du khách. Theo đó, dịch vụ xe điện phục vụ citytour cũng đi vào hoạt động với nhiều tour, tuyến đa dạng, kết nối các điểm du lịch nổi tiếng của Cần Thơ: Bến Ninh Kiều, chợ cổ Cần Thơ, chùa Ông, chùa Munir Ansay, chợ nổi Cái Răng, nhà cổ Bình Thủy, đình Bình Thủy, khu tưởng niệm Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa, Thiền viện Trúc lâm Phương Nam, Làng du lịch Mỹ Khánh…

Hướng tới thương hiệu và chuyên nghiệp

Ông Trương Văn Vinh- Phó Tổng Giám đốc An Tín Travel khu vực miền Tây, nhận xét: “So với trước, Cần Thơ có nhiều sản phẩm hơn. Nổi bật là du lịch sinh thái, tâm linh, trải nghiệm, cộng đồng… Hệ thống cơ sở lưu trú tại Cần Thơ phát triển khá tốt, giá tương đối ổn định, phù hợp để đẩy mạnh phát triển loại hình du lịch MICE”. Đến nay, Cần Thơ có 270 cơ sở  lưu trú với hơn 6.900 phòng, trong đó có 140 khách sạn từ 1-5 sao (trên 4.500 phòng), đáp ứng đủ nhu cầu du khách trong nước, khách quốc tế các kỳ lễ Tết, cũng như phục vụ các hội nghị, hội thảo quốc tế, quốc gia và khu vực. Mới đây, Cần Thơ có thêm ba cơ sở lưu trú đạt giải thưởng cấp quốc gia và quốc tế: khách sạn Mường Thanh Cần Thơ nhận giải ASEAN MICE Venue Standard tại giải thưởng du lịch Asean 2018, khách sạn Victoria Cần Thơ được bình chọn danh hiệu cơ sở lưu trú hàng đầu Việt Nam top 4 sao, khách sạn Cửu Long được bình danh hiệu cơ sở lưu trú hàng đầu Việt Nam top 3 sao. Đây là tín hiệu vui cho du lịch Cần Thơ khi mà chất lượng dịch vụ được khẳng định.

Cần Thơ định hình thương hiệu “Đô thị miền sông nước”

Du khách trải nghiệm làm bánh tại Cồn Sơn, Bình Thủy. Ảnh: ÁI LAM

Với định hướng nâng dần chất lượng các điểm đến, các cơ sở phục vụ du khách, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) thành phố Cần Thơ, Hiệp hội Du lịch thành phố đã đề ra nhiều tiêu chí để công nhận các điểm du lịch tiêu biểu thành phố, các cơ sở đạt chuẩn phục vụ khách du lịch. Đến nay, Cần Thơ có 11 điểm du lịch tiêu biểu cấp thành phố, 7 cơ sở đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.

Ngoài ra, để thu hút du khách, thành phố đang chủ động tổ chức các sự kiện, lễ hội văn hóa - thể thao gắn với du lịch, với quy mô ngày càng mở rộng và chuyên nghiệp, góp phần quảng bá, thu hút khách du lịch. Tính riêng năm 2017, từ các hoạt động lễ hội của các quận, huyện như: Lễ hội Đình Bình Thủy, Ngày hội du lịch Vườn trái cây Tân Lộc năm 2017, Ngày hội Du lịch Văn hóa Chợ nổi Cái Răng, Ngày hội Đêm Hoa đăng Ninh Kiều, Ngày hội du lịch sinh thái Phong Điền, Ngày hội VHTTDL quận Ô Môn - Lễ hội Ok-Om-Bok đồng bào Khmer Nam bộ… đã thu hút tổng cộng trên 2,6 triệu lượt khách, chiếm hơn 1/3 tổng lượt khách đến tham quan Cần Thơ trong năm qua.

Ông Lê Minh Sơn, Phó Giám đốc Sở VHTTDL thành phố, cho biết: “Chúng tôi luôn khuyến khích và tạo điều kiện để các quận huyện xây dựng các điểm nhấn lễ hội, sự kiện của địa phương. Theo đó, năm 2018, ba huyện còn lại là Cờ Đỏ, Thới Lai và Vĩnh Thạnh cũng đăng ký và xây dựng kế hoạch tổ chức sự kiện ở địa phương. Từ những sự kiện này, ngành du lịch sẽ chọn lọc, từng bước nâng chất các hoạt động để các việc tổ chức ngày càng chuyên nghiệp, chất lượng hơn, dần tạo cho Cần Thơ nét riêng về sản phẩm du lịch từ lễ hội”. Ngành du lịch cũng tiếp tục khảo sát, xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng, tăng cường liên kết giữa các quận, huyện trong việc kết nối tour tuyến du lịch, xây dựng nhiều tour, tuyến mới, hấp dẫn thu hút du khách. Trong quá trình đó, khuyến khích và tạo điều kiện cho các cơ sở thủ công mỹ nghệ sản xuất những sản phẩm truyền thống, phát huy các làng nghề gắn với việc phát triển du lịch nhằm tạo sản phẩm quà tặng du lịch mới. Mặt khác, du lịch Cần Thơ tiếp tục mở rộng liên kết hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố trọng điểm về du lịch như: Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Bình Thuận, các tỉnh, thành phố Cụm phía Tây, cụm phía Đông và các nước trong khu vực như: Campuchia, Thái Lan...

Ông Lê Văn Tâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Cần Thơ, cho rằng: “Du lịch Cần Thơ đang có sự chuyển mình, nhưng sự thay đổi này vẫn chưa đúng như kỳ vọng về tiềm năng và lợi thế. Do đó, ngành du lịch và các ngành hữu quan phải nỗ lực trong trách nhiệm, nhiệm vụ của từng đơn vị để cho du lịch Cần Thơ từng bước thay đổi chuyên nghiệp và chất lượng hơn, tạo được thương hiệu riêng”.

Năm 2018, du lịch Cần Thơ dự kiến đón 8 triệu lượt khách đến tham quan, du lịch. Các cơ sở lưu trú phục vụ 2,45 triệu lượt khách, trong đó, khách quốc tế lưu trú đạt 350.000 lượt khách. Tổng thu từ du lịch năm 2018 đạt 3.500 tỉ đồng.

Theo ÁI LAM (Báo Cần Thơ)