Cần Thơ: Hướng tới hình thành vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh

10/05/2023 - 09:11

Sau những đợt dịch bệnh trên động vật, ngành chăn nuôi định hướng sắp xếp lại, xây dựng vùng, cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh.

Một trại chăn nuôi heo thực hiện an toàn dịch bệnh ở TP Cần Thơ. Ảnh: L.T.H

Hướng đầu tư mới

Trong những năm qua chủ một doanh nghiệp - Công ty T.A thực hiện đầu tư trang trại chăn nuôi đáp ứng điều kiện chăn nuôi an toàn ở vùng nông thôn xa khu dân cư thuộc địa bàn huyện Cờ Ðỏ, TP Cần Thơ. Nhờ kiểm soát, phòng dịch tốt tổng đàn heo duy trì ổn định.

Theo xu hướng đó, một số trang trại chăn nuôi quy mô tổng đàn lớn, cho rằng, việc xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh nhằm cải tiến và nâng cao việc quản lý trang trại, giảm nguy cơ bị nhiễm bệnh của trại với tất cả dịch bệnh cho cơ sở chăn nuôi là rất cần thiết. Qua đó lợi ích từ sản phẩm chăn nuôi cung cấp thực phẩm khi bán ra thị trường đảm bảo an toàn. Hơn nữa về uy tín, thương hiệu sản phẩm của nông trại được nâng cao gắn kết với các chuỗi liên kết từ chăn nuôi đến chế biến và tiêu thụ
sản phẩm.

Các cơ sở chăn nuôi đáp ứng điều kiện an toàn dịch bệnh còn có nhiều lợi ích trong công tác kiểm dịch khi vận chuyển xuất bán động vật, sản phẩm động vật ra khỏi vùng dịch. Các cơ sở này được ưu tiên trong lựa chọn cung cấp con giống, động vật và sản phẩm động vật, các cơ sở trại chăn nuôi còn được ưu tiên tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm.

Trải qua sau mấy đợt dịch bệnh bùng phát cúm gia cầm, lở mồm long móng, dịch tả heo châu Phi… ở nhiều địa phương các tỉnh trong vùng ÐBSCL hộ chăn nuôi nhỏ lẻ giảm nhiều. Trong khi đa số các cơ sở, trại chăn nuôi từng bước chuyển đổi phương thức sản xuất theo hướng đầu tư quy mô chăn nuôi trang trại và dịch chuyển ra xa các khu dân cư, khu đô thị.

Hiện nay, TP Cần Thơ có 291 trang trại chăn nuôi. Ông Lê Trung Hoàng, Chi Cục trưởng Chi Cục Chăn nuôi và Thú Y TP Cần Thơ, cho biết: Các hoạt động chuyển đổi phát triển chăn nuôi theo quy trình VietGAHP đang định hình. Thành phố xây dựng 4 mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi, thực hiện hỗ trợ xây dựng 9 mô hình chăn nuôi đạt chứng nhận VietGAHP và 12 mô hình chăn nuôi an toàn dịch bệnh động vật.

Bên cạnh đó, công tác quản lý chất lượng giống, vật tư, thức ăn chăn nuôi được quan tâm. Quản lý môi trường chăn nuôi có nhiều tiến bộ trong công nghệ xử lý chất thải.  Kỹ thuật chăn nuôi áp dụng trong sản xuất được nâng cao.

Vẫn còn trở ngại

Thay đổi tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ chuyển thành chăn nuôi quy mô công nghiệp đã khó, nhưng sẽ khó hơn nhiều nếu muốn đầu tư kinh tế vào lĩnh vực chăn nuôi. Bởi còn phải đối diện với thách thức lớn là đề phòng rủi ro dịch bệnh, giá thành chăn nuôi cạnh tranh và thời giá thị trường tiêu thụ. Mặt khác, hiện có doanh nghiệp muốn đầu tư trại chăn nuôi heo theo mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, vườn ao chuồng trại. Tuy nhiên dù muốn tìm khoảng 7-10ha đất ở các huyện ngoại thành TP Cần Thơ sẽ rất khó có địa điểm phù hợp. Do vậy một số doanh nghiệp dịch chuyển hướng đầu tư sang các tỉnh lân cận trong vùng.

Theo Chi Cục Chăn nuôi và Thú Y Cần Thơ, vừa qua công tác kiểm tra phòng, chống dịch bệnh cho thấy còn một số cơ sở chăn nuôi chưa đáp ứng yêu cầu. Việc kiểm soát, xử lý môi trường chăn nuôi còn gặp khó khăn trong quản lý dịch bệnh. Do ở một số vùng nông thôn còn hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán, không có chuồng trại. Công tác tiêm phòng vaccine cho đàn gia súc gia cầm trong chăn nuôi nông hộ gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó lực lượng thú y cơ sở mỏng, nhận thức của một số người chăn nuôi còn hạn chế, có tư tưởng chủ quan và trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước.

Về kinh phí do phải bố trí kinh phí lấy mẫu, xét nghiệm đối với các loại bệnh khi xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh, trong khi giá sản phẩm chăn nuôi có thời điểm xuống thấp, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao. Do kinh phí xét nghiệm để duy trì hoạt động hàng năm đối với cơ sở an toàn dịch bệnh (nhất là các trang trại lớn) còn cao nên nhiều cơ sở, trang trại đã không duy trì khi không có chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Mặt khác việc xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh không thuộc tiêu chí bắt buộc nên chưa khuyến khích được tổ chức, cá nhân thực hiện.

Theo Chi Cục Chăn nuôi và Thú Y TP Cần Thơ, sản lượng sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn thành phố hiện đáp ứng được nhu cầu của thị trường tại địa phương. Trong đó: Thịt trâu bò đáp ứng khoảng 40% nhu cầu thị trường; thịt heo đáp ứng khoảng 70-80% nhu cầu thị trường; thịt gia cầm đáp ứng khoảng 60-70% nhu cầu thị trường và xuất sang các tỉnh bạn, đồng thời giảm bớt tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi nhập từ các tỉnh lân cận về thành phố.

Năm 2023, TP Cần Thơ vận động, khuyến khích từ 1-3 cơ sở, trang trại quy mô lớn tự đăng ký tham gia xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh đối với bệnh dịch tả heo châu Phi và cúm gia cầm. Qua đó, nhân rộng mô hình, vận dụng xây dựng các vùng an toàn dịch bệnh trên địa bàn thành phố.

Theo HỮU ÐỨC (Báo Cần Thơ)