Rau đắng biển.
Theo các tài liệu Y học cổ truyền, rau đắng có tính mát, vị đắng, có khả năng thanh nhiệt, tiêu độc, thường dùng trong các trường hợp sưng mắt đỏ, viêm gan… Các nhà khoa học hiện đại còn phát hiện rau đắng biển có tác dụng giảm đau, kháng viêm, ức chế tế bào ung thư, dùng tốt cho hội chứng ruột kích thích, cho bệnh nhân Alzheimer, những bệnh nhân sau khi bị đột quỵ…
Từ xưa, ông bà ta đã dựa vào vị đăng đắng của rau đắng mà đặt tên. Có hai loại là rau đắng biển và rau đắng đất. Đối với rau đắng biển (còn gọi là rau đắng đồng) rất dễ tìm. Ban đầu, thoạt nghe cái tên rau đắng biển, nhiều người cứ tưởng loài rau này mọc ở vùng biển, nhưng thực ra nó chỉ mọc ở vùng đồng ruộng, chỗ trũng, ẩm, chứ không thể mọc ở vùng biển bởi vị mặn của muối. Rau đắng biển có vị hơi đắng, thân tròn lẳn, thon nhỏ, lá xanh tròn dẹt và mọng nước. Vào mùa mưa, cọng rau đắng biển lớn nhanh và mọc thành đám như rau muống, có màu xanh tươi nhìn mát mắt.
Rau đắng đất khó mọc và có vị đắng hơn rất nhiều so với rau đắng biển, chỉ thấy mọc ở sau hè, hay bên những bờ mương, liếp vườn quanh nhà, quanh các gốc cây và dưới chân những gốc rạ khi lúa vừa thu hoạch xong. Rau đắng đất mọc thành bụi riêng lẻ, chứ không mọc thành đám như rau đắng biển. Thân của nó mảnh mai hơn, lá mỏng tròn tròn với màu xanh pha sắc tím khi tiếp xúc với ánh mặt trời; chỉ khi nào mọc ẩn trong vườn hay ẩn dưới các gốc rạ thì mới có màu xanh nhợt nhạt.
Rau đắng đất thỉnh thoảng mới thấy có bán ngoài chợ, giá đắt hơn rau đắng biển và một số loại rau khác (rau cải, rau muống…). Ngoài tác dụng đơn thuần của một loại rau, rau đắng đất còn là một trong những vị thuốc Nam có tác dụng hạ hỏa, giải nhiệt, an thần, làm cho sáng mắt, phụ nữ ăn vào da dẻ mịn màng...
Rau đắng đất.
Có thể, ở quê, chợ thì xa xôi, đi lại khó khăn, nên ông bà ta đã tận dụng triệt để những gì có sẵn ở quanh nhà, quanh vườn; và đương nhiên, loài rau đắng vốn “mọc sau hè” được chọn đưa vào trong bữa cơm thường nhật như một điều bình thường, bên cạnh đọt lang, cọng rau muống, rau càng cua, rau nhút, rau má… Dần dà, vị đắng của loài rau này trở nên ngọt ngào, thấm vào miền ký ức của biết bao người.
Còn nhớ, khi còn nhỏ, mỗi khi mẹ hay các chị đi làm đồng thường mang về một ít rau đắng đất. Mẹ thường nấu canh với cá rô hoặc cá lóc. Chỉ đơn giản vậy mà đến giờ vẫn còn nhớ vị ngon, ngọt của nồi canh nơi đầu lưỡi. Cho đến bây giờ, mỗi khi các chị, các anh trên thành phố về quê, thường hay “đòi” ăn món cháo cá, đặc biệt là phải có rau đắng ăn kèm. Anh tôi thường nói: Vị đắng của rau đắng đất mới đúng gu cháo cá!
Cháo cá rau đắng, đặc sản của ẩm thực miền Tây. Ảnh: Internet
Nếu có dịp đến Tiền Giang, thực khách không nên bỏ qua món cháo cá lóc rau đắng thơm ngon và bổ dưỡng, càng ăn càng thích. Tuy là đặc sản nhưng cháo cá lóc rau đắng lại có giá bình dân và trở thành món ăn đặc sản có mặt quanh năm ở Tiền Giang nói riêng, các tỉnh miền Tây Nam bộ nói chung.
Múc cháo ra tô, rắc thêm chút tiêu, hành phi phủ lên trên mặt và vớt cá lóc, rau đắng ra dĩa riêng. Vị ngọt, tươi ngon của thịt cá lóc, hương thơm nhẹ nhàng của nấm rơm hòa quyện cùng vị đăng đắng đặc trưng của rau đắng khiến ai được ăn sẽ mãi không quên. Với những ai xa quê, rau đắng mang nặng hồn quê, bất chợt một phút giây nào đó, trong cuộc sống, mưu sinh tất bật, lại nhớ về “khung trời kỷ niệm, chợt thèm rau đắng nấu canh!”.
Theo LINH THỦY (Báo Ấp Bắc)