Dù đã bước vào cao điểm mùa khô nhưng nhìn chung nguồn nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp tại vùng ĐBSCL vẫn được đảm bảo khá tốt. Hiện lưu lượng dòng chảy từ sông Mekong về ĐBSCL được duy trì ở mức cao và thường xuyên có mưa. Xâm nhập mặn đang ở mức thấp so với các năm trước. Tuy nhiên, khô hạn và xâm nhập mặn vẫn còn diễn biến phức tạp, cần chủ động tích nước ngọt để đảm bảo cho sản xuất và sinh hoạt.
Thuận lợi về nguồn nước
Người dân ở huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre làm ao nhân tạo trữ nước ngọt phục vụ sản xuất, trồng trọt trong mùa khô này.
Nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp tại ĐBSCL vẫn khá thuận lợi nhờ trời thường xuyên có mưa và lưu lượng dòng chảy từ sông Mekong về ĐBSCL duy trì ở mức cao.
Theo Tổng cục Thủy lợi thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tổng lượng dòng chảy trên dòng chính sông Mekong về ĐBSCL từ đầu mùa khô năm 2021-2022 đến nay đạt bình quân 60,14 tỉ m3, cao hơn 2,9 tỉ m3 so với cùng kỳ của trung bình nhiều năm (TBNN), cao hơn 25,68 tỉ m3 so với mùa khô năm 2019-2020 và thấp hơn 1,14 tỉ m3 so với mùa khô 2020-2021. Đáng chú ý, đầu mùa khô đến nay, tại khu vực ĐBSCL đã liên tục có các đợt mưa trái mùa. Cụ thể, trong tháng 1, mưa tại các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang và Tiền Giang với tổng lượng từ 5-20mm và trong tháng 2 xuất hiện mưa tại hầu khắp các tỉnh, thành trong vùng, với tổng lượng từ 15-30mm… Các đợt mưa này đã bổ sung nguồn nước tưới cho cây trồng, góp phần làm giảm mức độ ảnh hưởng của xâm nhập mặn.
Mùa khô năm 2021-2022 tại ĐBSCL xâm nhập mặn bắt đầu ảnh hưởng từ ngày 19-1-2022 tại một số cửa sông, sớm hơn 15 ngày so với TBNN, muộn hơn khoảng 1 tháng so với mùa khô năm 2015-2016, muộn hơn 1,5 tháng so với mùa khô 2019-2020 và tương đương mùa khô 2020-2021. Mức độ xâm nhập mặn nhìn chung cao hơn TBNN nhưng thấp hơn so với các năm 2016, 2020... Trên các cửa sông Cửu Long như Cửa Tiểu và Cửa Đại, ranh mặn 4g/l đã vào sâu nhất 36-38km, sông Hàm Luông sâu nhất 58km, sông Cổ Chiên 49km, sông Hậu 45km, các sông Vàm Cỏ 60-62km, còn vùng sông Cái Lớn 46km… Theo Bộ NN&PTNT, trong các đợt hạn mặn đã xảy ra từ đầu năm, một số thời điểm đã ảnh hưởng đến việc lấy nước của các công trình thủy lợi. Tuy nhiên, do được hỗ trợ nguồn nước từ các cơn mưa trái mùa và sự chủ động tích nước ngọt của các địa phương nên xâm nhập mặn chưa gây thiệt hại đến sản xuất nông nghiệp.
Chủ động tích nước ngọt
Ðể đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, Tổng cục Thủy lợi khuyến cáo các địa phương cần theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo khí tượng, thủy văn, nguồn nước, xâm nhập mặn, chất lượng nước, ngập lũ nội đồng do các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ NN&PTNT cung cấp để chủ động thực hiện các giải pháp ứng phó, phù hợp tình hình của địa phương. Đồng thời, chủ động xây dựng các phương án phòng, chống úng, ngập, đề phòng ngập úng cục bộ do mưa trái mùa. Tăng cường việc nạo vét kênh mương, đắp đập thời vụ ngăn mặn và trữ nước ngọt chống hạn, đảm bảo nguồn nước cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Tổ chức vận hành tốt các công trình thủy lợi và bố trí cơ cấu sản xuất, mùa vụ và chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp để hạn chế tác động của hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Xác định vùng nuôi thủy sản nước mặn ổn định, có ranh giới mặn ngọt rõ ràng để chủ động phương án điều tiết nước phù hợp. Tăng cường thông tin, tuyên truyền để nâng cao ý thức và hành động của người dân trong việc tích trữ, sử dụng nước tưới tiết kiệm và hiệu quả, cũng như phối hợp với ngành chức năng để quản lý, vận hành, khai thác tốt các công trình thủy lợi.
Ông Lương Văn Anh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, lưu ý: "Dù theo các báo cáo và dự báo nguồn nước từ thượng nguồn về ĐBSCL khá thuận lợi trong năm nay nhưng chúng ta không được chủ quan. Đặc biệt, tháng 3 là thời điểm hạn mặn xảy ra ở mức cao điểm nhất trong mùa khô năm nay". Theo ông Lương Văn Anh, các địa phương cần theo dõi sát tình hình xâm nhập mặn theo các đợt triều cường tăng và nắm rõ ranh mặn để khuyến cáo người dân lấy nước. Chủ động trong công tác vận hành các công trình thủy lợi để tích trữ nước đảm bảo cho sản xuất và sinh hoạt của người dân trong những thời điểm ảnh hưởng mặn. Chú ý vận hành các công trình cấp nước sinh hoạt cho người dân phải đảm bảo an toàn, liên tục và có các phương án dự phòng từ trước. Sau hạn mặn sẽ bước vào mùa lũ, dù năm nay dự báo lũ nhỏ nhưng cần lưu ý có giải pháp chủ động phòng, tránh ngập úng tại các khu vực vùng trũng và ven biển do có khả năng ảnh hưởng bởi mưa lũ kết hợp triều cường.
Nhận định của các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ NN&PTNT và ngành khí tượng thủy văn tại các địa phương vùng ĐBSCL, trong tháng 3 và tháng 4-2022, vùng ĐBSCL có khả năng xuất hiện những đợt xâm nhập mặn tăng cao. Trong đó, các đợt xâm nhập tăng cao nhất ở cửa sông Cửu Long khả năng tập trung từ ngày 17 đến 23-3. Các sông Vàm Cỏ, sông Cái Lớn xuất hiện các đợt xâm nhập mặn cao điểm vào khoảng từ ngày 17 đến 22-3, từ 29-3 đến 3-4 và từ 15 đến 18-4, sau đó giảm dần.
Năm nay, nguồn nước phục vụ cho sản xuất trồng trọt vụ hè thu 2022 tại vùng ĐBSCL khá thuận lợi nhờ lưu lượng dòng chảy từ sông Mekong về ĐBSCL duy trì ở mức cao và tổng lượng mưa trong các tháng 4 và tháng 5-2022 cao hơn TBNN từ 20-40%. Tuy nhiên, các tháng 6, 7, 8 dự báo tổng lượng mưa thấp hơn so với TBNN, cả trên thượng nguồn sông Cửu Long, do vậy lượng nước mưa không bổ sung nhiều cho nguồn nước, cần có biện pháp chủ động tích nước ngọt.
Theo ông Trương Hoàng Giang, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Vĩnh Long, người dân các địa phương vùng ĐBSCL cũng cần chú ý đề phòng giông, lốc, mưa gió và các yếu tố thời tiết cực đoan xuất hiện nhiều với cường độ mạnh vào giai đoạn mưa chuyển mùa và đầu mùa mưa, từ khoảng tháng 4 cho đến tháng 5 và 6-2022.
Theo KHÁNH TRUNG (Báo Cần Thơ)