Chuyện của nữ thanh niên tải đạn diệt thù

27/04/2022 - 09:01

“Tôi làm giao liên khi mới 12 tuổi; 18 tuổi bỏ nhà đi thanh niên xung phong (TNXP)...”, bà Tư Hy (Nguyễn Thị Hy), ở ấp Thạnh Phú, xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh, tự hào kể về những việc đã làm của thời tuổi trẻ.

A A

Bà Tư Hy tự hào vì được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất.

Vết thương trên lưng, dưới chân bà Tư Hy cứ đau âm ỉ, chúng là những chứng tích còn lại của một thời khói lửa. Vì chịu những cơn đau và tuổi đã bước sang thất tuần nên trông bà Tư Hy gầy gò, dong dỏng, nhưng ánh mắt vẫn kiên định, vững vàng như ngày nào.

Trong căn nhà tình thương được chính quyền cất tặng, bà Tư Hy nằm trên võng nhìn xa xăm như đang cố nhớ những chuyện xảy ra trong quá khứ, nhất là chuyện làm giao liên đưa thư cho cán bộ, rồi trở thành cô TNXP tải đạn phục vụ chiến trường...

Cô giao liên nhỏ

Mới 12 tuổi, cô bé Tư Hy nhận nhiệm vụ giao liên của ấp 6, xã Vĩnh Viễn, sau đó trở thành giao liên của xã. Đó như một cơ duyên, bởi thời điểm đó, ông Nguyễn Văn Ký (cha bà Tư Hy) là đảng viên, có nhiệm vụ nuôi chứa bộ đội, để liên lạc thông tin tình hình với các đảng viên khác trong tổ chức, ông nhờ đứa con gái của mình chuyển thư, vì ông biết con mình gan dạ, khôn khéo và nhỏ tuổi nên dễ qua mắt giặc.

Làm giao liên từ năm 1960 đến năm 1966, Tư Hy đã vận chuyển trót lọt nhiều thư mật với những cách thức không ai ngờ.

Khi đi giao thư bằng chiếc xuồng nhỏ, Tư Hy bỏ thư trong bọc ni lông để dưới mạn xuồng rồi lấy đất sình đắp lên nhằm ngụy trang như chiếc xuống bị bể được vá tạm bằng đất sình. Khi đi giao thư bằng đường bộ thì trong lưng quần Tư Hy có cái túi nhỏ bên trong để cất thư… Cứ như thế, cô bé Tư Hy đi ngang về dọc, qua mặt bọn địch hết lần này đến lần khác, trở thành “cầu nối” liên lạc của tổ chức cách mạng ở địa phương.

Làm giao liên nên cô bé Tư Hy chỉ chơi quanh quẩn xung quanh nhà để sẵn sàng nhận nhiệm vụ do cha giao. Có hôm phải đi đưa thư lúc nửa đêm. “Mang thư trong người, đi ngang trước mặt giặc nhưng tôi không hề lo sợ. Cứ hồn nhiên mà đi. Đó cũng là cách để tôi đánh lừa giặc, bởi chúng nghĩ tôi là đứa con nít không làm được gì”, Tư Hy nhớ lại.

Kiên cường tải đạn diệt thù

Năm 1966, khi bước vào tuổi 18, Tư Hy quyết định đăng ký tham gia TNXP vì muốn đóng góp nhiều hơn cho cách mạng. Sợ cha mẹ không cho nên cô gái trẻ lén bỏ nhà ra đi. Sau đó, nhờ người quen thông báo với cha mình. Biết tin con gái đi TNXP, ông Nguyễn Văn Ký không giận mà còn tự hào. Ông nhờ người chuyển lời đến con: “Cha luôn ủng hộ chuyện con làm, miễn sao đó là việc có lợi cho cách mạng”. Lời cha nhắn gửi khiến Tư Hy thêm ấm lòng và tự tin hơn với con đường mình đã chọn.

Tư Hy được phân công tham gia tải đạn, đồ quân y tại vùng biên giới của tỉnh Kiên Giang giáp với nước bạn Campuchia về phục vụ cho chiến trường miền Nam. Tư Hy và một người khác được giao chiếc xuồng đi đến điểm nhận hàng, sau đó vận chuyển về địa điểm tiếp nhận. Chiếc xuồng có thể chở được 30 thùng đạn. Mỗi chuyến đi như vậy mất 8 ngày, 8 đêm, với sự tham gia của rất đông lực lượng TNXP đến từ khắp mọi miền trên cả nước.

Bà Tư Hy nhớ lại, để tránh địch phát hiện, lực lượng TNXP phải băng rừng tải đạn. Bèo tai chuột mọc dày đặc dưới nước nên mỗi người ở một đầu phải ra sức chống xuồng lướt qua trên những đám bèo. Vì chống xuồng liên tục và tải đạn nên tay của ai cũng bị chai sần.

Đến buổi thì ăn cơm, thời đó cá, tôm không thiếu, nhưng thiếu muối, nước mắm. Mỗi ngày, đêm chỉ ngủ được 2 tiếng đồng hồ. Trời mưa gió cũng phải đi để kịp chuyển vũ khí cho chiến trường.

“Những lúc nghỉ ngơi, ghe xuồng đậu lại thành nhóm rất vui. Chúng tôi dù mỗi đứa một quê nhưng rôm rả trò chuyện như thể biết nhau đã lâu. Chúng tôi hay nói về ngày toàn thắng, ngày được đoàn tụ với gia đình để có thêm động lực, niềm tin trên con đường đã chọn. Trong đoàn có những “cây văn nghệ” hát rất hay. Trong lúc nghỉ ngơi thì họ hát những bài ca cách mạng để tăng thêm sĩ khí. Chúng tôi cũng không quên nhắc nhau nếu lỡ ai có hy sinh thì nhớ báo tin về cho gia đình…”, bà Tư Hy hồi tưởng.

Dù giữ bí mật nhưng không ít lần lực lượng TNXP bị giặc phát hiện, bắn phá dữ dội. Nhiều người đã nằm xuống trên những cánh rừng bạt ngàn vùng biên giới. Dù ranh giới giữa sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc nhưng chẳng làm vơi đi ý chí cách mạng của Tư Hy. Ngược lại, chứng kiến sự tàn bạo của kẻ thù càng nung nấu thêm ý chí “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào” của người con gái miền Hậu Giang.

“Những lúc đối mặt với chuyện sinh tử, tôi lại nghĩ tới lời dạy của Bác Hồ và ngày toàn thắng không còn xa, rồi biến những điều đó thành sức mạnh để vận chuyển thành công những chuyến hàng phục vụ cho chiến trường miền Nam”, bà Tư Hy kể lại.

Từ năm 1966 đến năm 1968, Tư Hy đã tham gia vận chuyển nhiều chuyến hàng phục vụ cho chiến trường. Cuối năm 1968, trong một lần làm nhiệm vụ, Tư Hy bị thương nặng sau lưng, ảnh hưởng tới phổi, phải điều trị nửa tháng tại Quân y tỉnh Rạch Giá.

Khi vết thương đã lành, cô gái trẻ xin trở lại với nhiệm vụ, nhưng do sức khỏe suy giảm nên được tổ chức cho trở về địa phương. Về lại quê hương, Tư Hy tiếp tục tham gia rải truyền đơn, tuyên truyền, vận động binh lính trở về với cách mạng, góp công cho ngày toàn thắng. Với nhiều đóng góp cho cách mạng, bà Tư Hy vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất.

Năm nay, bà Tư Hy đã 74 tuổi, cuộc sống dù không dư dả nhưng vui vầy bên con cháu, đồng thời tích cực tham gia công tác phụ nữ ở ấp Thạnh Phú. Lâu lâu được tham dự các buổi họp mặt kỷ niệm do tỉnh và thành phố Vị Thanh tổ chức, bà có cơ hội gặp lại những đồng chí, đồng đội từng cùng “ăn cơm nắm, ngủ hầm” của một thời tuổi trẻ hiên ngang, bất khuất.

Cái thời bom cày đạn xới đã qua, giờ là lúc bà Tư Hy và đồng chí, đồng đội phát huy khí chất vẻ vang của người TNXP trên con đường xây dựng và phát triển quê hương ngày thêm giàu đẹp…

Theo Báo Hậu Giang