Độc đạo xuyên rừng!
Nhắc đến du lịch Long An, có lẽ các bạn trẻ sẽ nghĩ ngay đến Làng nổi Tân Lập với con đường xuyên rừng tràm dài 5km. Đó được xem là địa điểm “check in” không thể bỏ qua của các bạn “ưa di chuyển”. Vào dịp cuối tuần, nếu bạn muốn về với thiên nhiên, đắm mình trong màu xanh cây cỏ và tiếng hót chim trời thì lựa chọn tốt nhất là về Khu du lịch sinh thái Làng nổi Tân Lập. Với địa thế thuận lợi, cách TP.Tân An khoảng 60km, men theo Quốc lộ 62, du khách có thể chọn Làng nổi Tân Lập như địa điểm xả stress vào dịp cuối tuần.
Đến Làng nổi Tân Lập, ngoài trải nghiệm đường xuyên rừng tràm đặc biệt, du khách có thể khám phá cảm giác ngồi xuồng ba lá len lỏi giữa những con rạch nhỏ trong rừng tràm để có được trải nghiệm chân thật nhất về thiên nhiên vùng Đồng Tháp Mười. Ảnh: Thanh Mỹ
Đây vốn là vùng đất ngập nước hoang sơ ở huyện Mộc Hóa, có kênh, rạch chằng chịt và dòng sông Vàm Cỏ Tây chảy qua. Thiên nhiên nơi này nổi bật với rừng tràm, các đầm sen, hồ súng cùng hàng trăm loài chim, cá, lưỡng cư tạo nên hệ sinh thái phong phú, đa dạng. Xen giữa rừng tràm, cà na phủ đầy dây leo là những hồ sen, súng nở rộ vào mùa nước nổi.
Con đường nhỏ chạy dài, len lỏi giữa rừng tràm chính là điều các bạn trẻ muốn tìm đến. Du khách Phan Mỹ Á, đến từ TP.HCM, cho biết: “Em và các bạn biết về Làng nổi Tân Lập qua một MV ca nhạc nên quyết định “phượt” đến đây. Em thật sự không tưởng tượng được ở gần TP.HCM lại có một khu rừng hoang sơ và thú vị như vậy!”. Bước đi trên con đường rêu phong, nghe tiếng lá khô xào xạc dưới chân, len lỏi giữa thế giới của tràm và chim chóc là một trải nghiệm đầy thú vị. Bỏ lại đằng sau ồn ã thị thành, trên con đường xuyên rừng ấy, du khách có thể nghe được tiếng chim, côn trùng rả rích, tiếng gió xô lá tràm xào xạc và tiếng xuồng khua nước trên chằng chịt những con rạch. Đây cũng là bối cảnh chính của MV Bánh trôi nước. Khung cảnh rừng tràm hoang sơ, xanh mướt khi lên ảnh lại càng thêm lung linh, huyền ảo. Chính vì vậy, Làng nổi Tân Lập hứa hẹn là nơi “check in cực chất” của du khách”.
Du lịch mùa nước nổi với những sản vật địa phương cũng là một hướng du lịch tiềm năng dự kiến khai thác trong tương lai (Trong ảnh: Bông súng là một sản vật đặc trưng vùng Đồng Tháp Mười). Ảnh: Kiên Định
Đi bộ mệt rồi, du khách có thể khám phá cảm giác ngồi xuồng ba lá len lỏi giữa những con rạch nhỏ trong rừng tràm để có được trải nghiệm chân thật nhất về thiên nhiên vùng Đồng Tháp Mười. Ngồi trên xuồng ba lá, du khách được tận hưởng khung cảnh chim trời, cá nước mênh mông. Khi len vào đầm sen, súng, lục bình, chỉ cần một cái với tay, du khách có thể chạm ngay vào những đóa hoa đang khoe sắc.
Ra khỏi tán rừng, bạn có thể đến với tháp canh cao để phóng tầm mắt nhìn về ngút ngàn rừng tràm bên dưới. Gió lồng lộng thổi, rừng bát ngát, bao la, hương tràm thoang thoảng sẽ thổi bay hết những lo toan của cuộc sống đời thường. Chính vì vậy, Khu du lịch sinh thái Làng nổi Tân Lập ngày càng “được lòng” du khách, đặc biệt là các “phượt thủ” thích mạo hiểm, phiêu lưu.
Rừng tràm bên thành phố
Từ năm 2016, Làng nổi Tân Lập được Công ty TNHH Du lịch Tháp Mười tiếp nhận đầu tư khai thác thêm. Theo dự kiến, Làng nổi Tân Lập sẽ có thêm các hạng mục: Khách sạn, nhà hàng, thuyền cáp kéo dưới nước,... Một số hạng mục công trình đang được ráo riết hoàn tất để phục vụ khách du lịch trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Trong chuyến thăm, kiểm tra Khu du lịch sinh thái Làng nổi Tân Lập, Bí thư Tỉnh ủy - Phạm Văn Rạnh khẳng định: Lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành liên quan sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để Khu du lịch sinh thái Làng nổi Tân Lập sớm hoàn thành và chính thức đi vào hoạt động trước Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Dù đang trong quá trình đầu tư nâng cấp hoàn thiện, mỗi ngày, Khu du lịch sinh thái Làng nổi Tân Lập vẫn đón khoảng 200 lượt khách. Riêng cuối tuần, số lượng khách có thể lên đến 1.000 lượt/ngày. Hy vọng rằng, con số này tiếp tục được nâng lên khi các hạng mục công trình chính thức đưa vào sử dụng.
Đến Làng nổi Tân Lập, ngoài trải nghiệm đường xuyên rừng tràm đặc biệt, du khách có thể khám phá cảm giác ngồi xuồng ba lá len lỏi giữa những con rạch nhỏ trong rừng tràm để có được trải nghiệm chân thật nhất về thiên nhiên vùng Đồng Tháp Mười. Ảnh: Thanh Mỹ
Nếu muốn tìm hiểu rõ hơn về thiên nhiên hoang dã, du khách có thể lựa chọn thăm khu Ramsar Láng Sen tại huyện Tân Hưng. Năm 2015, Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen được công nhận là khu Ramsar thứ 7 của Việt Nam. Khu Ramsar Láng Sen là rừng tràm nguyên thủy nhất của vùng Đồng Tháp Mười. Với sinh cảnh được bảo tồn, Ramsar Láng Sen là “nhà” của hơn 150 loài thực vật, 140 loài chim, trong đó có nhiều loài chim quý hiếm có tên trong Sách Đỏ: Sếu đầu đỏ, điên điển, quắm đen,... Đây vừa là khu bảo tồn nguồn gen quý, vừa có thể đầu tư khai thác du lịch.
Khi Láng Sen được khai thác du lịch, du khách không chỉ được hòa mình vào thiên nhiên vùng đất ngập nước mà còn được tìm hiểu về đời sống của hàng trăm loài động, thực vật nơi đây (trong giới hạn cho phép khai thác du lịch). Theo Kế hoạch số 97/KH-UBND, ngày 06/7/2017 về tổ chức thực hiện Chương trình số 13-CTr/TU của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị “Về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”, Láng Sen sẽ được đầu tư nhiều hạng mục công trình: Cầu đi bộ bắc qua kênh 79, trung tâm đón tiếp khách (phòng chiếu phim, phòng trưng bày hiện vật,...), tuyến cáp kéo xuồng khoảng 10km được thiết kế băng qua các sinh cảnh đặc biệt, khu mô hình làng nghề (làm mắm, dưa, đan lát, gác kèo ong),... và được bàn giao sử dụng vào năm 2022.
Với sinh cảnh được bảo tồn, Ramsar Láng Sen là “nhà” của hơn 150 loài thực vật, 140 loài chim, trong đó có nhiều loài chim quý hiếm có tên trong Sách Đỏ: Sếu đầu đỏ, điên điển, quắm đen,... Ảnh: Khu Ramsar cung cấp
Ngoài các địa điểm kể trên, Khu Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười (huyện Mộc Hóa) cũng là một gợi ý du lịch sinh thái đầy hấp dẫn khó thể bỏ qua. Cũng là vùng đất ngập nước nhưng Khu Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười được định hướng đầu tư phát triển loại hình du lịch tham quan, nghiên cứu về hệ thực vật và các loại cây dược liệu vùng Đồng Tháp Mười. Đến đây, du khách được tìm hiểu cách bảo tồn, nuôi trồng và chế biến một số loài cây dược liệu. Đây sẽ là nơi nghỉ dưỡng ngắn ngày, kết hợp trải nghiệm điều trị bệnh theo y học cổ truyền.
Là tỉnh miền Tây giáp ranh TP.HCM, lại mang trong mình những tiềm năng du lịch hấp dẫn vùng Đồng Tháp Mười, Long An hứa hẹn trở thành điểm đến được nhiều du khách lựa chọn trong thời gian tới.
Theo PHƯƠNG PHƯƠNG (Báo Long An)