Cùng làm nông nghiệp sạch

12/04/2021 - 09:44

Hiện nay tại ĐBSCL nhiều người đã tập hợp để cùng nhau làm nông nghiệp sạch. Sản phẩm từ nông nghiệp sạch không chỉ giá cao, đem lại lợi nhuận cho nông dân mà còn giúp họ thay đổi cách sản xuất truyền thống hiệu quả thấp như bấy lâu nay.

Thấy được nông dân tại địa phương trồng bưởi Năm Roi, thanh long gặp khó khăn khi bị ảnh hưởng bởi nước mặn, thời tiết, giá cả bấp bênh nên ông Nguyễn Trọng Nghĩa (31 tuổi; ngụ thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) đã tập hợp nhiều nông dân thành lập HTX Mekong Green để trồng dưa lưới trong nhà kính. "HTX thành lập năm 2019, có 11 xã viên. Tôi đã huy động nhiều bà con nông dân hùn vốn, hùn đất để làm dưa lưới trong nhà kính. Chi phí để làm nhà kính, các cơ sở vật chất khác để phục vụ sản xuất khoảng 3 tỉ đồng. Trồng trong nhà kính thì nông sản ít bị ảnh hưởng bởi thời tiết mà sản phẩm còn sạch, an toàn cho người tiêu dùng" - ông Nguyễn Trọng Nghĩa kể.

Trồng dưa lưới trong nhà kính tại HTX Mekong Green

Để nông dân quen với cách làm nông sản sạch, ông Nghĩa đã liên hệ các cơ quan chức năng và nhờ giảng viên chuyên về nông nghiệp tại Trường Đại học Cần Thơ tập huấn cho xã viên. HTX này hiện có 6.000 m2 trồng dưa lưới trong nhà kính và cho thu hoạch 1 tấn/tuần. Dưa lưới được bán cho các siêu thị và bán qua thương lái cho các chợ với giá 50.000 đồng/kg.

Ông Nghĩa thông tin: "Nông dân có tập quán hay sản xuất manh mún, thiếu liên kết nên việc tập hợp nông dân vào HTX, có diện tích đủ lớn để làm nông nghiệp sạch mới có đủ sản lượng cung cấp cho các kênh tiêu thụ lớn. Ngoài ra, tôi cũng đã liên hệ với 3 nơi trong tỉnh Vĩnh Long trồng dưa lưới rải vụ, không thu hoạch vào một thời điểm để tránh cung vượt cầu, giá giảm".

Tương tự, ý thức được trong thời điểm hiện nay, nhu cầu của người tiêu dùng là chọn thực phẩm sạch, an toàn, nên các xã viên tại HTX Hậu Giang Yên Bình An (trụ sở tại huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) đã chú trọng trồng mãng cầu xiêm theo quy trình khép kín. HTX thành lập từ năm 2016 và có 24 xã viên với diện tích trồng mãng cầu xiêm khoảng 20 ha. "Đến mùa, nông dân cho bao trái để ngừa các loại rệp cũng như tránh thẩm thấu thuốc bảo vệ thực vật. Đến khi trái vừa đủ tinh bột để làm trà thì hái xuống loại bỏ phần hạt và cùi, còn thịt và vỏ giữ lại đưa vào máy sấy khô. Quá trình này cũng phải bảo đảm việc vệ sinh an toàn thực phẩm. Tôi luôn yêu cầu các xã viên phải chú trọng vấn đề sạch và an toàn cho người tiêu dùng khi sản xuất" - ông Phan Văn Vũ, Giám đốc HTX Hậu Giang Yên Bình An, chia sẻ.

Trà mãng cầu trị bệnh nhức mỏi, khó ngủ, táo bón… vì thế được thị trường đón nhận. Theo ông Vũ, hằng tháng HTX bán trung bình 100-300 kg trà, mỗi hộp 400 g có giá bán 240.000 đồng và được tiêu thụ chủ yếu ở Hậu Giang, Cà Mau, Bình Dương, Đồng Nai…

"Năm 2020, UBND tỉnh Hậu Giang trao giấy chứng nhận công nhận trà mãng cầu xiêm của HTX đạt chuẩn OCOP 4 sao. HTX cũng đã xuất đi Hàn Quốc 100 kg trà mãng cầu xiêm vào năm 2019 nhưng do từ năm rồi dịch Covid-19, không xuất khẩu được nữa. Việc sản xuất trà đã nâng cao giá trị cho mãng cầu xiêm ở địa phương cũng như tăng thu nhập cho nông dân" - ông Vũ nói. 

Theo CA LINH (Người lao động)