Cứu kịp cụ ông đột quỵ khi đang đi trên đường

22/03/2023 - 08:52

Đang đi trên đường, ông N.B.Đ 65 tuổi (ở quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) bị chóng mặt, buồn nôn, yếu liệt tay chân. Người thân tức tốc đưa ông đến Bệnh viện (BV) Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long, may mắn được bác sĩ cấp cứu kịp thời.

Cụ ông đột quỵ được cấp cứu sớm, hiệu quả phục hồi nhanh. Ảnh do BV cung cấp. 

Trước nhập viện khoảng 60 phút, ông N.B.Đ đột ngột xuất hiện các triệu chứng khó chịu, liệt hoàn toàn nửa người phải khi đang đi trên đường. Người nhà cho hay, bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp, bệnh tim thiếu máu cục bộ đang uống thuốc điều trị định kỳ.

Ngay khi tiếp nhận, ê-kíp bác sĩ trực đánh giá người bệnh có dấu hiệu đột quỵ cấp, kích hoạt quy trình cấp cứu bệnh nhân đột quỵ cấp. Qua kết quả chụp cắt lớp vi tính MSCT sọ não, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị nhồi máu não cấp giờ đầu, chỉ định dùng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch. Sau tiêm thuốc 30 phút, người bệnh dần tỉnh táo, nửa người phải dần cử động. Sau điều trị 5 ngày, bệnh nhân phục hồi tốt và đã xuất viện.

BS CKI Đỗ Văn Phẩm, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc BV Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long cho biết: Trường hợp này nếu không được can thiệp kịp thời sẽ gây ra tình trạng hôn mê, ngừng thở nhanh chóng. Bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp tiêu sợi huyết, làm tan cục máu đông gây tắc mạch máu não mà không cần phẫu thuật hay can thiệp. Sau điều trị người bệnh hồi phục nhanh và giảm nguy cơ yếu liệt. Tuy nhiên, thuốc tiêu sợi huyết chỉ có tác dụng tối đa cho người bệnh trong 3 giờ đầu kể từ khi phát hiện.

BS CKI Nguyễn Hữu Thái, Trưởng khoa Nội tim mạch - Can thiệp nội mạch cho biết thêm: Thời gian bệnh nhân Đ vào cấp cứu đến khi được sử dụng thuốc tiêu sợi huyết để tái thông mạch máu là dưới 30 phút, nên hiệu quả phục hồi gần như hoàn toàn. Do đó, việc phát hiện và điều trị sớm có vai trò rất quan trọng trong việc điều trị và phục hồi cho bệnh nhân đột quỵ.

Thời gian qua, BV Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long, tiếp nhận điều trị cho rất nhiều bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não với quy trình cấp cứu tối ưu, đảm bảo giờ vàng trong cấp cứu.  

Các bác sĩ cũng khuyến cáo, khi đột ngột có những dấu hiệu như: méo miệng, liệt mặt, tê bì, yếu nửa người, môi lưỡi tê cứng, nói khó hoặc không nói được, mắt nhìn mờ, đau đầu… cần đưa người bệnh đến ngay trung tâm đột quỵ chuyên sâu gần nhất để được chẩn đoán và xử trí nhanh nhất. Tuyệt đối không sử dụng các phương pháp dân gian truyền miệng để điều trị tại nhà.

Theo THU SƯƠNG (Báo Cần Thơ)