Du lịch sinh thái điển hình vùng Đồng Tháp Mười được xác định là sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh (Trong ảnh: Du khách tham quan Khu du lịch Làng nổi Tân Lập). Ảnh: Nguyễn Ngọc
Tân Lập “hồi sinh”
Cuối tuần, anh Dương Hoàng Hiệp, ngụ TP.HCM, cùng nhóm bạn đến Khu du lịch (KDL) sinh thái Làng nổi Tân Lập (huyện Mộc Hóa) vui chơi. Nhóm được trải nghiệm cảm giác chèo xuồng len lỏi giữa những cánh rừng tràm hay ngắm vùng quê yên bình từ tháp cao lộng gió và thưởng thức bữa cơm dân dã.
Anh Hiệp cho biết, dù sinh ra và lớn lên ở TP.Tân An nhưng đây là lần đầu tiên anh cùng bạn bè đến thăm KDL Làng nổi Tân Lập. Anh nói: “Từ ngày lập nghiệp ở TP.HCM, tôi ít có dịp về quê. Chúng tôi biết đến làng nổi qua những clip quảng bá. Đến đây, chúng tôi có một ngày nghỉ thú vị và đáng nhớ”.
Năm 2016, KDL Làng nổi Tân Lập được Công ty TNHH Du lịch Tháp Mười tiếp nhận dự án và đầu tư thêm nhiều hạng mục, thu hút nhiều khách du lịch, với chất lượng dịch vụ ngày càng được nâng cao, tạo ấn tượng tốt cho du khách.
Phó Tổng quản lý KDL Làng nổi Tân Lập - Nguyễn Thành Nhân cho biết, KDL đang triển khai phục vụ các dịch vụ: Tiệc buffet, phục vụ khách tham quan rừng tràm bằng tuyến đường bộ, tuyến cáp kéo, xuồng ba lá,... Làng nổi đang được hoàn thiện thêm một số khu vực: Thuần dưỡng chim cò, khu trò chơi dân gian, khu lưu trú cho khách và hệ thống cây xanh.
Du lịch sinh thái điển hình vùng Đồng Tháp Mười được xác định là sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh
Theo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, đến thời điểm này, Làng nổi Tân Lập hoàn thiện xây dựng giai đoạn 1. Năm 2017, KDL đón 53.500 lượt khách và 6 tháng đầu năm 2018 đón khoảng 39.000 lượt khách.
KDL Làng nổi Tân Lập bước đầu khẳng định thế mạnh, lợi thế cạnh tranh đặc thù về du lịch của tỉnh là du lịch sinh thái điển hình vùng Đồng Tháp Mười theo Đề án Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch của tỉnh Long An đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Đó chính là thương hiệu của du lịch Long An trong tương lai.
Từng bước hình thành thế mạnh
Xác định sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh chính là du lịch sinh thái điển hình vùng Đồng Tháp Mười với các KDL: Khu văn hóa đa năng ngoài công lập Làng nổi Tân Lập; Khu văn hóa đa năng ngoài công lập Láng Sen; Khu Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười; Khu Lâm viên thanh niên; du lịch tham quan mùa nước nổi; du lịch đường thủy trên sông Vàm Cỏ;... Đề án Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch của tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 vạch ra những bước đi cụ thể nhằm giúp du lịch sinh thái tỉnh nhà đến gần hơn với du khách.
Theo đó, các KDL sinh thái được kêu gọi xã hội hóa, đầu tư có kế hoạch nhằm trang bị đầy đủ các hạng mục, dịch vụ phục vụ tốt nhất hoạt động du lịch sinh thái gần gũi với thiên nhiên của du khách. Và sự thành công của KDL Làng nổi Tân Lập là một minh chứng cho hướng đi đúng đắn của chính sách trên. Khu văn hóa đa năng ngoài công lập Láng Sen (xã Vĩnh Lợi, huyện Tân Hưng) cũng tìm được nhà đầu tư và hy vọng du khách ưa thích du lịch sinh thái sẽ sớm có một địa điểm tham quan mới đầy thú vị!
Du khách tham quan Khu du lịch Làng nổi Tân Lập
Chương trình số 13-CTr/TU, ngày 16-5-2017 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16-01-2017 của Bộ Chính trị về việc “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn” xác định “Đến năm 2020, du lịch Long An cơ bản trở thành ngành kinh tế quan trọng phục vụ và tạo điều kiện thúc đẩy phát triển KT-XH tỉnh nhà, là điểm đến du lịch vệ tinh của TP.HCM, với sản phẩm đặc trưng là sông Vàm Cỏ trên nền cảnh quan sinh thái Đồng Tháp Mười và dịch vụ vui chơi, giải trí”. Ngoài xác định sản phẩm du lịch đặc thù, chương trình còn xác định sản phẩm du lịch chính và sản phẩm du lịch bổ trợ.
Ngoài lợi thế về du lịch sinh thái, du lịch Long An còn có điểm nổi bật với nhiều khu di tích lịch sử (DTLS) - văn hóa. Theo Kế hoạch 97/KH-UBND, ngày 06-7-2017 của UBND tỉnh, các khu DTLS - văn hóa cần được kêu gọi đầu tư xã hội hóa các dịch vụ, sản phẩm hàng hóa quà lưu niệm,... Các khu DTLS - văn hóa, danh lam thắng cảnh cần được xã hội hóa đầu tư, tôn tạo. Các lễ hội, hoạt động văn hóa dân gian, các làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch cũng cần được bảo tồn và phục dựng, từ đó góp phần thu hút du khách đến tham quan.
Theo Phó Trưởng phòng Quản lý du lịch, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch - Trần Thị Đoan Quang, công tác kêu gọi xã hội hóa đang được thực hiện khá tốt, nhiều nhà đầu tư quan tâm đến phát triển du lịch tại các khu DTLS trong tỉnh. Khu DTLS Cách mạng tỉnh, điểm du lịch đồn Rạch Cát, Khu DTLS Vàm Nhựt Tảo, Khu DTLS Ngã tư Đức Hòa,... đều có nhà đầu tư xin đầu tư phát triển du lịch. Tuy nhiên, do quy hoạch ban đầu các khu DTLS không có khu vui chơi, giải trí nên bước đầu cần thay đổi quy hoạch cho phù hợp trước khi giao lại cho nhà đầu tư.
Ngoài lợi thế về du lịch sinh thái, du lịch Long An còn có điểm nổi bật với nhiều khu di tích lịch sử - văn hóa (Trong ảnh: Tham quan Khu tưởng niệm Luật sư Nguyễn Hữu Thọ)
Song song đó, nhằm giúp du lịch Long An từng bước khẳng định vị trí của mình, Kế hoạch số 97/KH-UBND cũng chỉ ra: Tỉnh cần phát huy hiệu quả các cơ chế, chính sách, tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch để góp phần thúc đẩy du lịch phát triển.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch - Nguyễn Thành Thanh cho biết, do địa thế gần TP.HCM nên Long An dễ thu hút khách du lịch, tuy nhiên, đó cũng là khó khăn vì du khách sẽ không lựa chọn lưu trú lại địa phương mà di chuyển về TP.HCM. Để thực hiện được mục tiêu đề ra trong Chương trình số 13-CTr/TU của Tỉnh ủy, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch nói riêng và tỉnh nói chung đang nỗ lực tạo điều kiện cho các nhà đầu tư hoàn thiện những công trình, dự án về du lịch. Hiện tại, ngoài Làng nổi Tân Lập thì Khu Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười, KDL Làng cổ Phước Lộc Thọ cũng đang hoạt động hiệu quả. Ngoài ra, ngành du lịch đang nỗ lực hợp tác với các tỉnh lân cận, dần hình thành và phát triển các tour, tuyến du lịch có tính liên kết vùng.
Theo Báo Long An