Sông núi hữu tình
An Giang là tỉnh duy nhất trong vùng ĐBSCL sở hữu vị trí địa lý vô cùng độc đáo khi vừa có sông, vừa có núi, với nhiều hang động nằm trong dãy Thất Sơn huyền bí. Với vị thế độc - lạ của mình, An Giang còn tiềm ẩn bên trong vẻ đẹp khác, như nét duyên ngầm, càng nhìn càng đắm, càng ngắm càng say. Tiêu biểu như núi Cấm (Tịnh Biên), với độ cao trên 700m so mặt nước biển, được xem là nóc nhà của ĐBSCL. Núi Cấm có nhiều ngôi chùa cổ kính với kiến trúc uy nghi và các di tích, danh thắng độc đáo, thu hút đông đảo du khách khám phá, như: hồ Thủy Liêm, suối Thanh Long, vồ Bồ Hong, hang Ông Hổ, giếng Gia Long... Đến với núi Cấm chắc chắn sẽ làm thỏa mãn bất cứ du khách nào đặt chân đến An Giang... Một trong những điểm du lịch du khách không thể bỏ qua khi đến huyện Tịnh Biên, đó là rừng tràm Trà Sư với một màu xanh ngút ngàn của những cây tràm cùng những cánh bèo li ti phủ kín mặt nước, phía trên những đàn chim, cò, cồng cộc… ríu rít gọi nhau.
Một góc hồ Ô Thum (Tri Tôn)
Rời núi Cấm, du khách đến núi Dài, núi Tượng, núi Nước, đặc biệt là núi Cô Tô (Tri Tôn) với huyền thoại hào hùng về đồi Tức Dụp hay còn gọi là “Ngọn đồi 2 triệu đô la”. Nếu du khách muốn thưởng ngoạn, ngắm cánh đồng xanh ngát với những hàng cây thốt nốt thì hãy “check-in” tại cánh đồng và hồ Tà Pạ (Tri Tôn) - dấu vết còn sót lại của khu vực khai thác đá trên đỉnh đồi mang vẻ đẹp thơ mộng, phẳng lặng như tranh thủy mặc. Đến An Giang, du khách không thể không đến núi Sam (TP. Châu Đốc) thu hút hàng triệu lượt du khách đến cúng bái, tham quan mỗi năm. Núi Sam có cụm danh thắng, di tích nổi tiếng, như: lăng Thoại Ngọc Hầu, chùa Hang, chùa Tây An - nơi lưu dấu Phật thầy Tây An, người khai sinh Phật giáo Bửu Sơn Kỳ Hương... Trong đó, miếu Bà Chúa Xứ núi Sam là nơi thu hút lượng lớn du khách khi đến An Giang. Nằm ở huyện Thoại Sơn, núi Sập là ngọn núi lớn nhất nằm trong cụm núi, gồm: núi Sập, núi Bà, núi Cậu và núi Nhỏ đã bị biến đổi thành những khối, khuôn màu kỳ lạ, nằm bên những đồng lúa xanh ngút ngàn, tạo nên một không gian núi non huyền bí.
Hồ Tu-Lơ (Cô Tô, Tri Tôn)
Không chỉ có núi non hùng vĩ, An Giang còn là nơi đầu tiên của Việt Nam đón nhận nước từ thượng nguồn Mekong đổ về. Chính vì vậy, An Giang còn làm nao lòng du khách với hệ thống sông, hồ đẹp, độc đáo, như: búng Bình Thiên - hồ nước ngọt tự nhiên vùng đầu nguồn sông Hậu, hồ Ô Thum (Tri Tôn), hồ Ô Tức Sa - hồ nước ngọt khổng lồ dưới chân núi Cấm... Ngoài ra, An Giang có biên giới và nhiều cửa khẩu thuận lợi đi đến các nước: Campuchia, Lào, Thái Lan; có nhiều di tích văn hóa lịch sử được xếp hạng cấp quốc gia và các lễ hội văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh nổi tiếng. Đây là tiềm năng, lợi thế, điều kiện quan trọng để phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Để du lịch cất cánh
Du lịch An Giang đạt nhiều kết quả quan trọng và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của tỉnh. Năm 2010, An Giang đón trên 4,5 triệu lượt khách (khách quốc tế 48.000 lượt). Năm 2018, có 8,5 triệu lượt khách đến các điểm tham quan, du lịch trên địa bàn tỉnh (tăng 16,44% so năm 2017), trong đó khách quốc tế ước 100.000 lượt (tăng 33,3% so năm 2017). Đặc biệt, năm qua, ngành du lịch đã đóng góp rất lớn vào GRDP của tỉnh, với doanh thu 4.800 tỷ đồng (tăng gần 30% so năm trước).
Hồ ông Thoại (Thoại Sơn)
Quan điểm của tỉnh là phát triển du lịch gắn với bảo vệ tài nguyên môi trường; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa lịch sử và lợi ích của cộng đồng; tạo môi trường thuận lợi để các thành phần kinh tế cùng tham gia theo chủ trương xã hội hóa các hoạt động du lịch; tạo ra các sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc, hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu của du khách, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và nâng cao đời sống nhân dân. Vì vậy, ngành du lịch An Giang sẽ tăng chất lượng loại hình du lịch gắn với lễ hội văn hóa truyền thống, tín ngưỡng, tôn giáo, dân tộc. Đồng thời, phát triển loại hình du lịch gắn với hệ sinh thái sông, núi, rừng và đồng quê. Củng cố, mở rộng, nâng chất loại hình du lịch gắn với di tích lịch sử, văn hóa. Đa dạng hóa các sản phẩm du lịch gắn với đời sống văn hóa của cộng đồng dân cư, nhất là thưởng thức các loại hình văn hóa đặc sắc của các dân tộc (hát Dì Kê, múa trống, múa chằng của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer; hát dân ca, múa trống Paranưng, kèn Saranai của đồng bào dân tộc thiểu số Chăm...). Bên cạnh đó, gắn loại hình du lịch với hội chợ, hoạt động thương mại vùng biên giới. Đẩy mạnh phát triển loại hình du lịch gắn với ẩm thực và mua sắm đặc sản. Phát triển loại hình du lịch gắn với nghỉ dưỡng và khám phá vùng dược liệu Thất Sơn…
Rừng tràm Trà Sư (Tịnh Biên). Ảnh: THANH HÙNG
Đặc biệt, An Giang “trải thảm đỏ” mời gọi, đồng hành với các nhà đầu tư tâm huyết để phát huy hơn nữa giá trị tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Theo tinh thần Nghị quyết số 19 ngày 19-7-2018 của HĐND tỉnh, nhiều chính sách hỗ trợ đầu tư linh hoạt cho từng loại hình đầu tư, như: hỗ trợ xây dựng cơ sở lưu trú du lịch, nhà hàng kết hợp bán đặc sản An Giang... Cụ thể, tỉnh sẽ hỗ trợ từ 40, 50, 60 triệu đồng/phòng đối với dự án xây dựng cơ sở lưu trú 3, 4 và 5 sao, với tổng mức hỗ trợ tối đa lên đến 6 tỷ đồng/dự án; hỗ trợ 2 tỷ đồng cho dự án đầu tư khai thác du lịch sông nước. Ngoài ra, tỉnh còn có chính sách hỗ trợ 50% lãi suất tiền vay trung hạn khi vay vốn ở các ngân hàng để đầu tư phát triển loại hình du lịch cộng đồng, tối đa không quá 2 tỷ đồng/tập thể hoặc hộ gia đình... Với chính sách hỗ trợ linh hoạt và thiết thực, An Giang sẽ là nơi thu hút các doanh nghiệp đầu tư để đánh thức tiềm năng, đưa du lịch “cất cánh”...
THU THẢO