Bất kỳ thời điểm nào trong năm, bạn muốn đến An Giang cũng được. Tuy nhiên, chỉ có mùa lễ Tết mới đông đúc nhộn nhịp, các chùa miếu mới diễn ra nhiều hoạt động, thu hút du khách hành hương.
An Giang mùa lễ Tết mới đông đúc nhộn nhịp, các chùa miếu mới diễn ra nhiều hoạt động, thu hút du khách hành hương.
Từ Sài Gòn, bạn đi xe khách đến An Giang với giá 180.000 đồng. Thường thì dịp lễ Tết, giá vé sẽ tăng lên đến 300.000 đồng trong những lúc cao điểm.
Để tiết kiệm hơn, bạn có thể đi xe máy với đoạn đường 220 cây số, chạy theo hướng quốc lộ 1 đến ngã 3 An Thái Trung, rẽ phải về Cao Lãnh và đi theo lộ trình phà Cao Lãnh - Chợ Mới - phà Hậu Giang - sông Hậu - phà Năng Gù - quốc lộ 91.
Đoạn đường này có vẻ hơi thách thức nhưng bạn nên đi thử vì cảm giác qua phà rất náo nhiệt và mát mẻ. Đây cũng có thể coi là thử thách đầy thú vị trên đường cầu an xin lộc của bạn đấy!
Tết này, nếu muốn cầu may, bạn nên một lần đến An Giang và thăm viếng các đền chùa.
Những ngôi chùa nổi tiếng nhất ở An Giang gồm có Huỳnh Đạo, Phước Điền, Vạn Linh, Tây An và Miếu Bà Chúa Xứ. Nếu có thời gian, bạn nên đi thăm thú hết các điểm này. Do lịch trình giới hạn, mình chỉ đến thăm Phước Điền và Vạn Linh.
Tuy nhiên, đối với những ai muốn đến Miếu Bà Chúa Xứ thì mình khuyên các bạn nên đi viếng lúc 4 giờ cho đến 6 giờ sáng, vì nếu trễ hơn thì sẽ không thể chen chân vào. Đó là chưa kể dễ bị xô xát và mất đồ cúng do du khách quá nhiều không ai kiểm soát.
Những ngôi chùa nổi tiếng nhất ở An Giang gồm có Huỳnh Đạo, Phước Điền, Vạn Linh, Tây An và Miếu Bà Chúa Xứ.
Chùa Phước Điền thì tọa lạc ngay triền núi Sam, còn gọi là chùa Hang, phong cảnh rất hữu tình như trong phim kiếm hiệp. Do nằm giữa lưng chừng đồi núi, khi từ cao nhìn xuống, bạn sẽ thấy như mình đang lạc vào tiên cảnh, vừa thơ mộng mà cũng vừa huyền bí.
Chùa Phước Điền thì tọa lạc ngay triền núi Sam, còn gọi là chùa Hang, phong cảnh siêu hữu tình như trong phim kiếm hiệp.
Trong khi đó, chùa Vạn Linh là một quần thể gồm nhiều đền đài hoành tráng, được tô điểm bởi mặt hồ Thủy Liêm long lanh, không thua gì các danh thắng đặc sắc ở Trung Quốc. Ngôi chùa này nằm trên sườn đồi Bồ Hong, khuôn viên trồng nhiều hoa, cây cảnh, không khác gì Thiền viện Trúc Lâm (Đà Lạt) phiên bản thu nhỏ.
Chùa Vạn Linh là một quần thể gồm nhiều đền đài hoành tráng, được tô điểm bởi mặt hồ Thủy Liêm long lanh.
Theo kinh nghiệm cá nhân mình thì dù bạn đi chùa nào cũng tránh mua lộc, mua heo quay và mua chim phóng sinh vì nhiều lý do.
Nếu muốn thỉnh lộc thì bạn vào trong cúng dường chứ đừng mua bên ngoài để tránh bị “chặt chém”. Còn heo quay thì bạn nên chuẩn bị sẵn vì gần khu vực chùa thường bán heo quay để lâu, ôi thiu và giá cao.
Chim phóng sinh thì giá chỉ tầm 10.000 đồng/con nhưng người bán thường có thủ thuật dụ khách, khi mở lồng chim bay đi nhiều hơn số lượng khách mua, sau đó bắt khách phải trả tiền, có khi lên đến 40-50 con và dẫn đến cự cãi.
Vì vậy, muốn viếng chùa trong yên bình thì bạn nên rút kinh nghiệm, tránh làm mất trật tự nơi tôn nghiêm và bản thân cũng không bị khó chịu sau khi hành hương.
Mọi thủ tục xin xăm, cúng dường hay cúng sao đều diễn ra bên trong chùa, bạn nên cẩn thận để tránh bị mất tiền bởi thương buôn bên ngoài chùa.
Theo kinh nghiệm cá nhân mình thì dù bạn đi chùa nào cũng tránh mua quà lưu niệm ngoài chùa.
Nếu còn thời gian nghỉ dưỡng, bạn có thể chọn nhà nghỉ cách xa khu vực các chùa, khi đó giá sẽ dao động từ 150.000 – 250.000 đồng/đêm. Càng gần chùa thì giá sẽ tăng lên đến 1 triệu đồng/đêm mà dịch vụ lại không như ý.
Ngoài chùa chiền ra, bạn cũng có thể đến tham quan núi Sập, hồ Ông Thoại, làng nuôi cá bè Châu Đốc, Búng Bình Thiên, rừng tràm Trà Sư, núi Cấm, núi Két, núi Cô Tô, đồi Tà Pạ, cửa khẩu Tịnh Biên…
Trong đó, rừng tràm Trà Sư vốn nổi tiếng nhất với các thảm bèo xanh và cây cối xung quanh. Bạn chỉ cần thả mình trên tàu và hòa mình vào thiên nhiên hữu tình.
Bước vào các ngôi chùa, bạn sẽ thấy như mình đang lạc vào tiên cảnh, vừa thơ mộng mà cũng vừa huyền bí.
Còn ăn uống thì bạn không nên bỏ qua bún cá. Bún cá An Giang khác với bún cá Kiên Giang và các vùng khác là ăn với bông điên điển, cá lóc xào cho thấm màu vàng nghệ, kèm với nước chấm đậm đặc nên cực kỳ đặc trưng.
Bên cạnh đó, bạn có thể thử bún nước khén, bò nướng ngói, cháo bò, bò leo núi, lẩu trâu, lẩu mắm, cơm nị, cà púa… của người Chăm.
Nếu năm qua vận không đỏ thì thử đến An Giang mùa Tết này xem.
Nếu năm qua vận không đỏ thì thử đến An Giang mùa Tết này xem, biết đâu bạn sẽ có được năm 2018 tràn trề hy vọng. Mình đã thử, còn bạn thì sao?
Theo MINH THÁI (Em đẹp)