ĐBSCL nuôi tôm công nghệ cao hướng đến bền vững và hiệu quả

23/06/2023 - 16:52

Ngày 23-6-2023, tại Bạc Liêu, Cục Thuỷ sản Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT) phối hợp cùng Hội Thuỷ sản Việt Nam, Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu, Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác Thủy sản Bền vững - ICAFIS tổ chức Diễn đàn tôm Việt Nam 2023, với chủ đề “Nuôi tôm công nghệ cao hướng đến bền vững và hiệu quả”.

Đại diện lãnh đạo Tổng cục Thuỷ sản Việt Nam, tỉnh Bạc Liêu, Hội nghề cá, Sở NN&PTNT các tỉnh ven biển ĐBSCL, các nhà khoa học và doanh nghiệp hoạt động thuộc lĩnh vực nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu tôm cùng tham dự.

Theo Cục Thuỷ sản, Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển nuôi tôm và chế biến các sản phẩm từ tôm, đặc biệt ĐBSCL là vùng nuôi trồng với sản lượng thu hoạch hằng năm chiếm 95% sản lượng tôm của cả nước, đây là trung tâm của các nhà máy chế biến tôm. Những năm gần đây, tôm ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của nước ta. Cụ thể, năm 2022, xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt kỷ lục 4,3 tỉ USD, tăng 11% so với năm 2021. Hiện nay, Việt Nam vẫn là nước đứng thứ 3 trên thế giới (sau Ấn Độ và Ecuador) về xuất khẩu tôm, trung bình 5 năm qua xuất khẩu tôm của nước ta tăng trưởng 5% mỗi năm. Các thị trường chính của tôm Việt Nam là Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc… 

Tuy nhiên, năm 2023 ngành hàng tôm được dự báo sẽ gặp rất nhiều khó khăn do những biến động của thị trường, thời tiết không thuận lợi kéo dài, dịch bệnh trên tôm nuôi diễn biến phức tạp, chi phí sản xuất tăng cao khiến người nuôi tôm tại nhiều tỉnh ĐBSCL quyết định treo ao…

Diễn đàn tôm Việt Nam 2023, với chủ đề “Nuôi tôm công nghệ cao hướng đến bền vững và hiệu quả” được tổ chức nhằm mục tiêu góp phần đưa ngành tôm vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, nâng sức cạnh tranh trên thị trường, giữ vững chỉ tiêu nuôi trồng, xuất khẩu đề ra trong năm 2023. Tại diễn đàn, các đại biểu tập trung thảo luận xung quan các vấn đề về thành công nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao trong khó khăn thời “bão giá”; tình hình nuôi, bệnh tôm ở ĐBSCL và định hướng phát triển; giải pháp xử lý nước phòng bệnh EHP, AHPND trong nuôi tôm công nghệ cao; ứng dụng công nghệ Nano phòng và trị bệnh tôm thẻ; quy trình nuôi tôm tuần hoàn nước công nghệ cao… Đồng thời, các đại biểu cũng khẳng định nuôi tôm công nghệ cao là một mô hình giúp quản lý chu trình nuôi ở 3 khía cạnh chính: hiệu quả quản lý trại nuôi, kiểm soát chỉ tiêu môi trường nước nuôi, quản lý các thiết bị trong ao nuôi. Áp dụng công nghệ thông tin trong quá trình nuôi để kiểm soát các chỉ tiêu môi trường nước, để ghi nhật ký nuôi tôm, điều khiển thông minh các thiết bị trong ao như máy cho ăn tự động, quạt nước, sục oxy… góp phần nuôi cao hiệu quả, nâng cao chất lượng, giá trị ngành hàng tôm của Việt Nam.

Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ cao đang phát triển ở tỉnh Sóc Trăng - một trong những địa phương phát triển nuôi tôm ở ĐBSCL.

Theo H.VĂN (Báo Cần Thơ)