Để phát triển bền vững ngành hàng sen Đồng Tháp

15/02/2022 - 09:36

Cây sen (tên khoa học Nelumbo nucifera) từ lâu đã rất gần gũi và thân thuộc với người dân Việt Nam. Ngoài giá trị về thẩm mỹ, cây sen còn được dùng làm thực phẩm, hương liệu, dược liệu, nguyên liệu cho nhiều ngành công nghiệp, thủ công mỹ nghệ và đặc biệt sen còn phục vụ phát triển du lịch. Hiện nay, sen đang được trồng và phát triển mạnh ở hầu hết khắp các tỉnh, thành trên cả nước và tập trung nhiều ở khu vực phía Nam, trong đó có tỉnh Đồng Tháp.

Trồng sen mang lại nguồn thu nhập cho nông dân. Ảnh: Mỹ Lý

Đồng Tháp với lịch sử phát triển hơn 300 năm, được biết đến là vùng đất có truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời với các khu di tích khảo cổ gắn liền với nền văn hóa Óc Eo cổ xưa và Vương quốc Phù Nam nhiều huyền thoại. Sự hào phóng và ưu ái về thiên nhiên mang lại cho Đồng Tháp nhiều danh lam, thắng cảnh như Vườn Quốc gia Tràm Chim, khu sinh thái Gáo Giồng, đặc biệt là đồng sen Tháp Mười.

Có thể nói, sen là một trong những biểu tượng đặc trưng của đất Đồng Tháp - nơi được mọi người biết đến với những cánh đồng sen bạt ngàn. Đồng Tháp là địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi cho sen phát triển và nhiều mô hình trồng sen mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, đóng góp vào phát triển nền kinh tế của tỉnh. Tuy nhiên, những mô hình này vẫn còn thiếu tính bền vững, do đó rất cần sự đánh giá, nhìn nhận một cách tổng diện các vấn đề để đưa ra giải pháp đồng bộ nhằm phát triển bền vững ngành hàng sen của Đồng Tháp xứng tầm với tiềm năng sẵn có.

Sản phẩm Bột sữa sen của Hợp tác xã Sen Việt. Ảnh: Khánh Duy

Hiện nay, cây sen được trồng nhiều ở các huyện: Tháp Mười, Cao Lãnh, Tam Nông, Tân Hồng, Lấp Vò và rải rác một số nơi trong tỉnh. Với vẻ đẹp mộc mạc, giản dị và tinh khiết của sen tạo nguồn cảm hứng cho người dân Đồng Tháp sáng tạo ra các sản phẩm từ sen. Và để nâng cao giá trị sen Đồng Tháp, có nhiều doanh nghiệp bắt tay khai thác chế biến sản phẩm từ cây sen như: sen sấy bơ, sữa sen, rượu sen, các loại trà từ sen, kéo sợi tơ sen...

Tuy nhiên, đến nay, Đồng Tháp vẫn chưa khai thác hết tiềm năng từ cây sen, nhất là lợi ích kinh tế và giá trị văn hóa mà cây sen mang lại. Những hạn chế này là do việc phát triển sản xuất sen vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, manh mún; sản phẩm chưa chú trọng về thương hiệu, chất lượng, còn mang tính thủ công, chưa chú trọng nhiều về mẫu mã; những mô hình sản xuất kết hợp với du lịch nông nghiệp chưa được khai thác hiệu quả... Bên cạnh đó, bộ giống sen còn ít, chủ yếu là các giống sen bản địa nên cho năng suất thấp, chất lượng không cao, hoa không bền, giống được sử dụng qua nhiều năm bị thoái hóa. Kỹ thuật canh tác của người dân dựa vào kinh nghiệm truyền thống, chưa áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất dẫn đến chất lượng và hiệu quả sản xuất chưa cao. Ngoài ra, do giá cả bấp bênh gây khó khăn trong việc liên kết tiêu thụ sản phẩm; thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và người dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm sen... Do vậy, hiệu quả kinh tế ngành hàng sen mang lại chưa như mong đợi.

Chị Đoàn Ngọc Minh Thùy - Giám đốc Công ty TNHH Tinh dầu Hương Đồng Tháp giới thiệu các sản phẩm chế biến từ sen. Ảnh: Mỹ Nhân

Cây sen đã gắn liền với hình ảnh “Đất Sen hồng”, lợi ích kinh tế từ cây sen mang lại cho người dân được minh chứng rõ qua thực tiễn. Tuy nhiên, để nâng cao giá trị ngành hàng sen Đồng Tháp trong thời gian tới, tỉnh cần tập trung thực hiện các nội dung cụ thể. Theo đó, chính quyền địa phương cần đồng hành hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân phát triển các sản phẩm chế biến từ cây sen. Trong đó, ngoài việc hỗ trợ các hồ sơ, thủ tục để sản phẩm được hoàn thiện, địa phương cần hỗ trợ tham gia các chương trình xúc tiến, quảng bá sản phẩm trong và ngoài nước. Xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm từ cây sen, chuẩn hóa sản phẩm ngành hàng sen tham gia chương trình OCOP tỉnh Đồng Tháp. Các ngành, đơn vị có liên quan thực hiện thống kê về nhu cầu nguyên liệu của các doanh nghiệp, kết nối nông dân để cùng sản xuất tạo ra vùng nguyên liệu để phát triển cây sen.

Đồng thời, các địa phương cần quy hoạch diện tích trồng sen thành vùng lớn, tập trung, có chính sách chuyển đổi từ lúa sang sen hoặc xen canh lúa - sen - thủy sản theo từng khu vực để đảm bảo có nguồn nguyên liệu sen quanh năm phục vụ cho nhu cầu sản xuất. Xây dựng chuỗi giá trị các sản phẩm từ sen gắn với phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương như ngắm cánh đồng sen, thưởng thức ẩm thực, tìm hiểu các giá trị văn hóa gắn với sen, mua sắm sản vật từ sen; có chính sách khuyến khích, kêu gọi đầu tư từ các doanh nghiệp du lịch; tăng cường công tác truyền thông, quảng bá sản phẩm bài bản để người dân và du khách trong và ngoài nước đến Đồng Tháp tham quan, trải nghiệm.

Song song đó, tăng cường sự liên kết giữa doanh nghiệp và người dân trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, góp phần hình thành vùng sản xuất sen tập trung, đảm bảo sản xuất có hiệu quả để nâng cao thương hiệu, uy tín các sản phẩm từ sen; đẩy mạnh phát triển sản xuất sen theo hướng hữu cơ, đồng thời xây dựng chuỗi giá trị cho sản phẩm sen hữu cơ. Thực hiện đa dạng hóa sản phẩm nhằm tạo giá trị đặc thù riêng cho sen như tinh dầu sen, trang sức về sen, tơ sen...

Sản phẩm trà lá sen Hà Diệp Liên được giới thiệu tại một hội chợ. Ảnh: Mỹ Nhân

Bên cạnh đó, người dân cần áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ nhằm đạt năng suất, chất lượng và tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm sen; xây dựng quy trình kỹ thuật canh tác phù hợp với các giống sen. Ngoài ra, các nhà khoa học và các ngành, đơn vị có liên quan thực hiện chính sách hỗ trợ về giống, chuyên môn, trang thiết bị nhằm đưa ngành hàng sen Đồng Tháp phát triển một cách bền vững.

Trên đây là một số gợi mở nhằm phát triển bền vững ngành hàng sen Đồng Tháp. Để ý tưởng trở thành hiện thực, đòi hỏi chính quyền địa phương, đội ngũ doanh nhân và người dân trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp phát huy tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, quyết tâm đưa ngành hàng sen Đồng Tháp vươn xa hơn nữa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà trong thời gian tới.

Theo LÊ MINH HÙNG (Báo Đồng Tháp)