Phần lớn doanh nhân nổi tiếng vùng ĐBSCL đều xuất thân và gắn bó với nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Từ quá khứ đến hiện tại, nhìn về tương lai, doanh nhân miền Tây đứng trước nhiều cơ hội và thách thức mới.
Không ngừng lớn mạnh
ĐBSCL vốn là cái nôi của đổi mới trong sản xuất nông nghiệp. Nhiều mô hình làm ăn "xé rào", "phá cơ chế" mang đậm dấu ấn doanh nhân miền Tây một thời.
Những năm gần đây, đội ngũ doanh nhân ĐBSCL không ngừng lớn mạnh, nhất là trong các lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, xuất khẩu. Nhiều doanh nhân thể hiện bản lĩnh kinh doanh, kiến thức, kinh nghiệm, nỗ lực đưa khoa học kỹ thuật, quản trị doanh nghiệp (DN) vào trang trại, đồng ruộng, hình thành một bộ phận doanh nhân xuất thân từ nông dân.
Nhiều lần gặp gỡ, trò chuyện cùng doanh nhân Huỳnh Văn Thòn, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, tôi nhận thấy ông vẫn luôn làm mới mình. Khi nhiều thành tích đã qua chưa thành chuyện cũ, ông vẫn luôn ấp ủ viết tiếp những trang mới trong hành trình của mình cùng Tập đoàn Lộc Trời.
Cũng gắn bó với cây lúa nhiều năm, từ cán bộ quản lý nông nghiệp thành doanh nhân, Anh hùng Lao động Hồ Quang Cua được biết đến nhiều hơn với ST25 - thương hiệu gạo ngon nhất thế giới năm 2019. Sau những ồn ào lo mất thương hiệu "hoa hậu gạo" mấy năm trước, ngày 27-9 vừa qua, các nhãn hiệu "gạo ông Cua" ST24 và ST25 đã được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu độc quyền tại Úc.
Thực tế cho thấy ĐBSCL đã xuất hiện một đội ngũ doanh nhân nông nghiệp đang nỗ lực xây dựng một hệ sinh thái mới. Đó không chỉ là những Anh hùng Lao động như ông Huỳnh Văn Thòn, ông Hồ Quang Cua hay các doanh nhân nổi tiếng như ông Lê Văn Quang (Tập đoàn Thủy sản Minh Phú), bà Trương Thị Lệ Khanh (chủ thương hiệu thủy sản Vĩnh Hoàn) hoặc các đại gia cá tra, các "vua tôm", "vua lúa", "vua chuối", "vua đất". Ở góc nhìn khác, nhiều doanh nhân nông nghiệp dù không có tên trên "bảng xếp hạng" nhưng đã góp phần tạo ra đội ngũ doanh nhân miền Tây với nhiều kỳ vọng.
Đó là thế hệ doanh nhân trẻ nhiều khát vọng, được đào tạo bài bản, nhạy bén với thị trường. Chính họ là những người mang đến nhiều hơn các ứng dụng công nghệ, kỹ thuật số, tự động hóa, công nghệ sinh học, thương mại điện tử, giữ vai trò trọng yếu ở nhiều khâu trong chuỗi giá trị sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản. Các ứng dụng viễn thám cho đồng ruộng, công nghệ sinh học tuyển chọn giống lúa, kỹ thuật canh tác, quản lý đồng ruộng, thu hoạch, chế biến sau thu hoạch, tiêu thụ ngày càng phổ biến trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn miền Tây có vai trò dẫn dắt của đội ngũ doanh nhân đi đầu.
Ông Hồ Quang Cua (trái) và nông dân bên cánh đồng lúa ST ở Sóc Trăng. Ảnh NGỌC TRINH
Không thể đi theo lối mòn
Nhìn những gương sáng trong đội ngũ doanh nhân miền Tây, cũng đừng quên các mảng tối hiện thực. Đặt trong tương quan với 6 vùng kinh tế cả nước, đặc biệt là với TP HCM - vốn có mối quan hệ máu thịt với ĐBSCL, thì khoảng cách phát triển của đội ngũ DN, doanh nhân miền Tây nhìn chung ngày càng bị bỏ xa.
Vẫn còn đó nhiều người làm ăn theo thương vụ, mùa vụ, "ăn xổi ở thì"; tầm nhìn, chiến lược kinh doanh, xây dựng thương hiệu, đầu tư cho công nghệ, nhân lực quản lý kỹ thuật còn hạn chế. Nhiều DN có quy mô nhỏ bé, năng lực tài chính yếu kém. Không ít DN, đại gia vừa phát lên bỗng chốc "lâm bệnh nặng". Một số chủ DN không có chuyên môn sâu trong ngành, lĩnh vực sản xuất - kinh doanh; nghiên cứu thị trường không kỹ, không am hiểu đầy đủ luật pháp của các nước nhập khẩu, khi gặp phải cú sốc thị trường thì đứng không vững, vỡ nợ. Đó là những thách thức lớn cần phải vượt qua.
Vốn, công nghệ, nhân lực là các yếu tố quan trọng trong sản xuất - kinh doanh nhưng mới chỉ là điều kiện cần. Khi trở thành mắt xích trong chuỗi cung ứng toàn cầu, thậm chí để nắm được thế chủ động trong sự vận hành của chuỗi thì phải có nguồn lực, tạo ra được động lực và sự tin cậy, phải lường trước rủi ro để có giải pháp ứng phó. Đây là thời điểm thích hợp để phát triển chuỗi giá trị nông sản thành một hệ sinh thái nhằm tạo ra những sản phẩm chất lượng, được người dùng khắp nơi công nhận và tin tưởng, góp phần xây dựng nên thương hiệu nông sản Việt trên trường quốc tế.
DN, doanh nhân miền Tây không thể đi theo lối mòn xưa cũ khi tình hình đã thay đổi. Để đóng góp một cách thực sự bền vững cho nền nông nghiệp Việt Nam, để nâng cao vị thế và chất lượng sống của nông dân và xây dựng những vùng nông thôn đáng sống, doanh nhân ĐBSCL trong "hệ sinh thái DN mới" nhất thiết phải mở rộng con đường mình đang đi thành một xa lộ; nâng cấp chuỗi giá trị sản phẩm, dịch vụ thành một hệ sinh thái với nhiều bên tham gia và chính họ là một trong những nhân tố cốt lõi.
Hội nhập quốc tế đang lại nhiều lợi ích, cơ hội nhưng cũng đầy thách thức, tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của đội ngũ doanh nhân, nhất là các doanh nhân non trẻ ở ĐBSCL.
Đeo đuổi ước mơ
Mang trọng trách "hiện thực hóa ước vọng của nông dân", ông Huỳnh Văn Thòn luôn kiên định với triết lý "phân phối và phân phối lại lợi nhuận một cách hợp lý và đạo lý"; cam kết mang đến sự an tâm, tin tưởng cho cộng đồng, cung cấp sản phẩm và dịch vụ an toàn, chất lượng bằng "sự chính trực, công nghệ, đột phá, đồng thuận và nhiệt huyết".
Tập đoàn Lộc Trời đeo đuổi mục tiêu phát triển 1 triệu ha lúa công nghệ và 1 triệu ha rừng, góp phần hiện thực hóa ước mơ đưa Việt Nam vào tốp 3 quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới, nâng cao thu nhập nông dân. Tại các cuộc thi World’s Best Rice năm 2015, 2017 và 2018, Lộc Trời 1, Lộc Trời 28, OM 18 lần lượt lọt vào tốp 3 nhóm gạo ngon nhất thế, giải nhất phân khúc gạo thơm và giải nhì phân khúc gạo trắng.
|
Theo HIỆP THỦY (Người lao động)