Chùa Tây An do Tổng đốc tỉnh An Giang Doãn Uẩn dựng lên vào năm 1847 (vua Thiệu Trị). Lúc đầu, chùa được xây dựng bằng tường gạch, nền cuốn đá xanh, mái lợp ngói. Trải qua thời gian dài, chùa Tây An được sửa chữa nhiều lần. Đến năm 1958, hòa thượng Thích Bửu Thọ đứng ra vận động xây dựng mới 3 ngôi cổ lầu, mặt chính và ngôi chính điện có hình dáng như ngày hôm nay. Chùa Tây An nằm trên ngã 3 núi Sam từ Châu Đốc vào, tựa lưng vào núi, mặt hướng về phía đông. Chùa Tây An được xây dựng kiên cố trên nền cao, tường bằng gạch, cột bằng chất liệu gỗ quý, nền xây bằng đá xanh và lót gạch bông, mái lợp ngói đại ống, khuôn viên thoáng rộng. Chùa được xây dựng theo lối chữ “tam”, kết hợp nghệ thuật kiến trúc Ấn Độ, Hồi giáo và kiến trúc chùa cổ Việt Nam theo phong cách Nam Bộ. Khu chính điện nằm giữa trung tâm, bên phải là khu tháp, bên trái là nhà khói. Từ trên cao, có thể thấy toàn cảnh khu di tích chùa Tây An như một con chim phượng hoàng đang vỗ cánh tung bay.
Đông đảo khách hành hương đến viếng chùa Tây An
Toàn khu vực chùa Tây An là một kiến trúc hài hòa, cân đối. Tiền sảnh rộng, ngôi chùa nằm ở khu trung tâm, du khách vào chùa phải đi qua các bậc thang vào cổng tam quan. Cổng tam quan chùa có mái nhị cấp, lợp ngói đại tiểu. Trên mái che có trang trí sư tử, lưỡng long tranh châu, các hoa văn hình hoa mai, hoa sen, hoa cúc… thường có ở các chùa cổ. Mặt chính chùa Tây An có kiến trúc khác biệt với các chùa trong khu vực. Ở giữa là lầu chính cao 2 tầng thờ Phật được thiết kế vòm cao vút hình tròn tượng trưng cho vũ trụ quang Phật giáo. Tầng trên là tượng Phật Thích Ca đặt trong khuôn bát giác. 4 cột lầu ở tầng dưới có các hộ pháp trấn giữ, 2 bên phía trước có tượng voi trắng và voi đen. Nằm thấp hơn lầu chính, cân xứng 2 bên là lầu chuông và lầu trống hình tứ giác, trên đỉnh trang trí các tượng tứ linh (long, lân, qui, phụng).
Trong chính điện thờ Phật theo dòng Lâm Tế, ngoài tượng Phật Thích Ca rất lớn ở giữa, còn có khoảng 200 pho tượng Phật, Bồ tát, La hán, Bát bộ Kim cang, Ngọc hoàng, Huỳnh đế, Thần nông… lớn nhỏ. Đa số tượng đều làm bằng danh mộc, chạm trổ công phu và mỹ thuật, tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc Việt Nam vào thế kỷ XIX. Ngoài ra, chùa còn có nhiều hoành phi và câu đối, chạm trổ tinh vi, có niên đại hơn trăm tuổi. Chùa Tây An được Bộ Văn hóa xếp hạng là “Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia”, được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam công nhận là “Ngôi chùa có kiến trúc kết hợp phong cách nghệ thuật Ấn Độ và kiến trúc cổ của dân tộc đầu tiên tại Việt Nam”. Bà Nguyễn Thị Thuận (Bạc Liêu) cho biết: “Tôi đã đi rất nhiều chùa ở nhiều nơi, nhưng tôi thấy kiến trúc ở chùa Tây An rất độc đáo, trang nghiêm không nơi nào có được…”.
Nhắc đến chùa Tây An, không thể không nhắc đến Pháp Tạng thiền sư, người đã khai sáng giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương được người dân tôn xưng là Phật thầy Tây An. Ông tên thật là Đoàn Minh Huyên (sinh năm 1807), quê quán tại làng Tòng Sơn nay thuộc huyện Lấp Vò (Đồng Tháp). Là một chí sĩ yêu nước, có tinh thần cách mạng, bất mãn triều đình phong kiến thường chữa bệnh cứu độ dân lành. Năm 1849, ông khai đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, sau đó được quan triều Nguyễn đưa về tu ở chùa Tây An. Ông thường đi đây đó truyền đạo, khẩn hoang lập làng khắp nơi ở vùng Thất Sơn. Ông mất năm 1856, được an táng phía sau chùa Tây An. Điểm đặc biệt là mộ ông không được xây thành nấm cao theo ý nguyện khi còn sống. Hiện ngôi mộ của ông được tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương xây dựng một long đình để bày tỏ lòng biết ơn và tăng thêm vẻ tôn nghiêm. “Đã trở thành thông lệ, mỗi lần tôi và gia đình về núi Sam (Châu Đốc) đều đến chùa Tây An thắp nhang viếng Phật, cầu mong cho gia đình bình an, nhiều sức khỏe và con cháu học hành giỏi giang… ” - cô Trần Thị Thu Uyên (du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ.
TRỌNG TÍN