Đổi mới sáng tạo ngành hàng lúa gạo

26/12/2023 - 15:18

Việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, ngành hàng lúa gạo có sự chuyển đổi đi lên rõ rệt, hạt gạo Việt Nam được nâng cao chất lượng, giá trị và khẳng định uy tín trên thị trường quốc tế. Song, để ổn định và phát huy hơn nữa các thành quả đạt được, đòi hỏi các bên có liên quan trong ngành hàng lúa gạo cần tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa và các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Thực hiện đổi mới, sáng tạo một cách toàn diện từ các khâu sản xuất, bảo quản, chế biến đến quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.

Gặt hái thành công

Lúa gạo là ngành hàng sản xuất truyền thống và quan trọng của Việt Nam, tạo sinh kế cho hàng chục triệu nông dân trên cả nước. Thời gian qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu lớn trong sản xuất lúa gạo, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và giữ vững vị trí là một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, với lượng gạo xuất khẩu hằng năm từ 6-7 triệu tấn. Gạo Việt Nam được vinh danh trong nhóm gạo ngon nhất thế giới. Thành tựu này là có sự đóng góp miệt mài, cần mẫn của bao người gắn bó với cây lúa, từ người nông dân, hợp tác xã trực tiếp sản xuất, các chuyên gia, nhà khoa học, các thương lái xuôi ngược khắp nơi đến cộng đồng doanh nghiệp, cùng hàng loạt cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước, đã đánh thức tiềm lực của ngành hàng lúa gạo. Đặc biệt, ngành chức năng đã quan tâm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đẩy mạnh cơ giới hóa, áp dụng các quy trình canh tác tiên tiến, giống lúa mới vào sản xuất... giúp lúa đạt năng suất, chất lượng tốt và nâng cao được giá trị.

Khách quốc tế tìm hiểu về các sản phẩm chế biến từ gạo của các đơn vị, doanh nghiệp của Việt Nam được trưng bày, giới thiệu tại Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023 tại tỉnh Hậu Giang.

Tuy nhiên, ngành hàng lúa gạo nước ta vẫn đang còn gặp không ít khó khăn và hạn chế. Chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng của ngành hàng lúa gạo còn thấp. Thu nhập của người trồng lúa còn thấp và chưa tương xứng với thu nhập của nhiều tác nhân khác trong chuỗi ngành hàng này. Đứng trước những thách thức của biến đổi khí hậu (BĐKH), biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng, các tác nhân trong chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo cần có những thích ứng linh hoạt để trở nên chuyên nghiệp và bền vững. Qua đó, giúp ngành lúa gạo không chỉ tạo ra các sản phẩm chất lượng và có giá trị cao mà còn góp phần kiến tạo nên một hệ sinh thái ổn định, an lành.

Đổi mới để phát triển

Lúa gạo là nguồn lương thực chính của hơn 1/2 dân số thế giới, việc đảm bảo nguồn cung, phân phối bền vững là yếu tố then chốt để duy trì ổn định chính trị - xã hội ở nhiều quốc gia. Đồng thời, phải tiếp tục đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và áp dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ mới để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, đảm bảo sinh kế cho người trồng lúa và chủ động thích ứng, giảm thiểu BĐKH. Theo ông Hoàng Trung, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), để khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo tiếp tục là động lực phát triển ngành hàng lúa gạo với giá trị gia tăng cao, bền vững và phát thải thấp, tới đây rất cần tiếp tục đầu tư, nghiên cứu, phát triển và ứng dụng các công nghệ mới. Đặc biệt, ứng dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường vào trong tất cả các khâu của chuỗi cung ứng. 

Tại hội thảo quốc tế "Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo về lúa gạo" vừa diễn ra tại Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023 ở tỉnh Hậu Giang, nhiều chuyên gia cho rằng, phải kịp thời nghiên cứu, đưa các quy trình canh tác tiên tiến thích ứng BĐKH, giống mới kháng sâu bệnh, chống chịu hạn, mặn và có năng suất, chất lượng tốt, phát thải thấp. Thúc đẩy áp dụng các nhóm giải pháp công nghệ theo chuỗi sản xuất lúa gạo để phát triển sản xuất xanh, bền vững, phát thải thấp và nâng cao thu nhập cho nông dân.

Ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho rằng, trong những năm qua, năng suất, chất lượng và sản lượng lúa ở nước ta đều được nâng lên. Đây là thành quả của một quá trình dày công nghiên cứu, lao động sáng tạo của đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp và hàng triệu nông dân trong công tác chọn tạo giống, cải tiến kỹ thuật canh tác, thu hoạch và bảo quản. Góp phần thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn. Tuy nhiên, ngành hàng lúa gạo đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt, ô nhiễm môi trường do sản xuất nông nghiệp gia tăng, cùng với BĐKH diễn ra nhanh và mạnh, thiên tai ngày càng khắc nghiệt. Thu nhập của người trồng lúa còn thấp, chưa tạo được động lực cho đầu tư phát triển sản xuất... Để ngành hàng lúa gạo phát triển bền vững, rất cần đẩy mạnh đưa khoa học công nghệ vào sản xuất và nhân rộng đổi mới, sáng tạo trong ngành lúa gạo, hướng đến phát triển nền nông nghiệp bền vững, thuận thiên với môi trường. Đây cũng là xu thế tất yếu hiện nay và lâu dài.

Theo ông Cao Đức Phát, Chủ tịch Hội đồng quản trị Viện Nghiên cứu lúa gạo Quốc tế (IRRI), nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, với sự xuất hiện của những thách thức mới, nhất là BĐKH, yêu cầu lúa gạo ở tất cả các nước phải sớm thích ứng và chuyển nhanh sang giảm phát thải khí nhà kính. Trong khi đó, công nghiệp hóa không chỉ cạnh tranh, lấy đi đất đai và các nguồn lực khác mà còn gây sức ép phải nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống những người trồng lúa. Để phát triển có hiệu quả, mỗi nước sẽ có những hướng đi riêng phù hợp với hoàn cảnh của mình. Với Việt Nam, cần ưu tiên nghiên cứu, chọn tạo các giống lúa có đặc tính đáp ứng các nhu cầu khẩu vị và dinh dưỡng của người tiêu dùng thuộc các nhóm khác nhau để đạt giá trị thị trường cao hơn, cũng như các công nghệ, kỹ thuật thích ứng và giảm nhẹ BĐKH. Chúng ta không thể tăng gấp đôi sản lượng để tăng thu nhập cho nông dân mà phải bằng con đường khác.

Để nâng cao giá trị gia tăng cho chuỗi ngành hàng lúa gạo và nâng cao thu nhập cho người trồng lúa, nhiều chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng cần phải tăng cường ứng dụng các giải pháp, công nghệ mới để giảm giá thành sản xuất lúa, tạo ra các sản phẩm giá trị gia tăng từ lúa gạo và từ phụ phẩm. Chú ý phát triển nông nghiệp tuần hoàn từ phụ phẩm rơm rạ, trấu... để giảm chi phí, nâng cao chuỗi giá trị. Theo ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, có rất nhiều sản phẩm sau gạo có thể giúp mang lại giá trị cao và công ty đang thực hiện nghiên cứu để khai thác, phát huy giá trị. Cụ thể như sản xuất nhựa sinh học từ rơm, sản xuất sản phẩm bê tông nhẹ và nhiên liệu được làm từ rơm, trấu... Do vậy, các nhà khoa học và đơn vị, doanh nghiệp cần quan tâm tăng cường tham gia nghiên cứu, đưa ra các giải pháp công nghệ áp dụng vào thực tế sản xuất và chia sẻ lại lợi ích với bà con nông dân. Người nông dân tạo ra nguyên liệu, các nhà khoa học cần giúp cho việc sử dụng nguyên liệu một cách hiệu quả.

Theo KHÁNH TRUNG (Báo Cần Thơ)