Nông dân thu hoạch xoài (Ảnh: Mỹ Nhân)
Công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp được quan tâm thực hiện tốt. Việc thiết lập, cấp và quản lý mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói nông sản nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất, sinh vật gây hại, chất lượng an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu...
Là 1 trong 5 ngành hàng chủ lực của tỉnh, trong vụ lúa hè thu, toàn tỉnh thu hoạch 168.616ha/186.741ha, đạt 90,29% diện tích xuống giống, năng suất bình quân 65,8 tạ/ha; sản lượng đạt 1.109.180 tấn. Riêng vụ thu đông, toàn tỉnh xuống giống 94.505ha/120.000ha, đạt 78,75% so với kế hoạch, tăng 6.638ha so với tháng trước, lúa chủ yếu đang giai đoạn mạ - trổ chín.
Hướng đến sự phát triển bền vững, nông dân tỉnh nhà thực hiện mô hình giảm giá thành sản xuất lúa, áp dụng các biện pháp kỹ thuật như: sạ thưa và bón phân vùi vào đất khi trục trạc lần cuối trước khi gieo sạ, IPM trong quản lý dịch hại... nhằm giảm giá thành sản xuất lúa, tăng lợi nhuận và nâng cao chất lượng lúa gạo. Theo đó, diện tích áp dụng cho vụ thu đông là 52.086ha.
Nhằm giảm giá thành canh tác, bà con nông dân còn đưa vào quy trình canh tác lúa mô hình giảm lượng hạt giống gieo sạ và nâng cao tỷ lệ sử dụng giống xác nhận. Mô hình giúp nông dân tiết kiệm chi phí, canh tác giảm giá thành và sản xuất đạt hiệu quả hơn. Diện tích áp dụng giảm lượng giống vụ thu đông đạt 51.188ha; diện tích sử dụng giống xác nhận vụ thu đông đạt 67.353ha.
Tình hình liên kết tiêu thụ lúa được quan tâm thực hiện. Vụ đông xuân năm 2024, diện tích thực hiện liên kết của các huyện, thành phố là 54.902ha với sản lượng 385.483 tấn, chiếm 29,03% tổng diện tích sản xuất. Trong đó, có 57 Hợp tác xã liên kết thông qua hợp đồng với 49 công ty, doanh nghiệp. Ngoài ra, có 2 Hợp tác xã thực hiện liên kết bao tiêu cho người dân. Đối với vụ hè thu, đến ngày 10/8/2024, diện tích thực hiện liên kết là 42.402ha, đạt 22,7% diện tích xuống giống.
Đối với hoạt động tiêu thụ lúa so với tháng trước, giá bán lúa thường IR50404 tăng và biến động đối với nhóm lúa chất lượng cao, giá nếp giảm. Với giá thành sản xuất lúa dao động 3.721 - 3.841 đồng/kg, tăng 28 - 71 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2023, tuy nhiên với giá cả tốt nên lợi nhuận người dân đạt được dao động từ 23,7 - 26,2 triệu đồng/ha, tăng từ 2,2 - 5,6 triệu đồng/ha so cùng kỳ.
Hoa màu, cây công nghiệp ngắn ngày, vụ hè thu xuống giống đạt 86,16% so với kế hoạch. Diện tích thu hoạch đạt 84,16% diện tích xuống giống gồm: bắp, bầu, bí, dưa các loại. Vụ thu đông với diện tích xuống giống là 4.123ha/7.743ha, đạt 52,25% so kế hoạch, tăng 1.115ha so với tháng trước, diện tích thu hoạch 449ha.
Đối với ngành hàng sen, tính đến cuối tháng 7/2024, diện tích trồng sen đạt 948ha (đạt 95% so với kế hoạch đến năm 2024), tăng 26ha so với tháng trước, sản lượng thu hoạch ước đạt 3.080 tấn. So với cùng kỳ, giá thành sản xuất bình quân đạt 9.204 đồng/kg, tăng 276 đồng/kg, giá bán bình quân đạt 18.500 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg, lợi nhuận bình quân đạt 36 triệu đồng/ha.
Theo đó, ngành nông nghiệp thực hiện biên soạn và lấy ý kiến đóng góp Quy trình canh tác sen chuyển đổi sang hữu cơ; đang thí điểm áp dụng tại một số vùng sản xuất sen trên địa bàn các huyện Tháp Mười, Cao Lãnh. Kết quả bước đầu cho thấy, các biện pháp kỹ thuật của quy trình cho hiệu quả khá tốt trong việc quản lý dịch bệnh thối ngó, cháy lá trên sen. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 6 Tổ hợp tác ngành hàng sen với tổng số 101 thành viên, diện tích phục vụ 123ha, hoạt động dịch vụ trồng và sơ chế hạt sen; có 2 Hội quán ngành hàng sen với 37 thành viên. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc liên kết tiêu thụ giữa doanh nghiệp và nông dân (thông qua các đơn vị kinh tế tập thể) bước đầu hình thành một số hợp đồng liên kết theo hướng bền vững từ việc phát huy vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp cùng nông dân xây dựng vùng nguyên liệu và tiến tới xây dựng thương hiệu sản phẩm. Tuy nhiên, phạm vi quy mô liên kết còn hạn chế, 90% lượng sen còn được tiêu thụ qua kênh thương lái.
Hiện nay, tổng diện tích trồng cây ăn trái là 43.849ha, tăng 24ha so với tháng trước. Đối với ngành hàng xoài, tỉnh phấn đấu đến cuối năm 2024, tổng diện tích trồng xoài là 14.754ha, tương đương giá trị sản xuất ngành hàng xoài năm 2024 đạt 2.526 tỷ đồng. Theo thống kê của ngành nông nghiệp, so với cùng kỳ, giá thành sản xuất xoài bình quân đạt 12.904 đồng/kg, tăng 471 đồng/kg với giá bán bình quân đạt 41.667 đồng/kg, tăng 14.667 đồng/kg đưa lợi nhuận bình quân đạt 270 triệu đồng/ha, tăng 122 triệu đồng/ha.
Đồng thời, ngành nông nghiệp phấn đấu cấp mới mã số vùng trồng 4.309ha và cơ sở hoạt động trong lĩnh vực sơ chế, đóng gói xoài xuất khẩu đều được cấp mã nhà đóng gói 100%. Phấn đấu 134ha diện tích chuyển đổi sản xuất xoài theo hướng hữu cơ, xoài hữu cơ; đến cuối năm 2024, diện tích duy trì và sản xuất mới là 173ha. Bên cạnh đó, phát triển chỉ dẫn địa lý “Cao Lãnh” cho sản phẩm xoài thị trường trong nước và các thị trường đã nhập khẩu xoài Việt Nam. Phấn đấu kết nối 100% diện tích xoài đạt chứng nhận an toàn thực phẩm, các tiêu chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP), theo hướng hữu cơ, gắn truy xuất nguồn gốc của các Hợp tác xã, Tổ hợp tác, Hội quán có hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm xoài tươi, chế biến.
Đến ngày 10/8/2024, diện tích nuôi thủy sản của tỉnh là 4.861ha, sản lượng thu hoạch là 445.622 tấn. Là một trong những ngành hàng chủ lực của tỉnh, hiện nay, hầu hết các vùng nuôi cá tra của doanh nghiệp (chiếm khoảng 60%) đều có áp dụng quy trình nuôi theo các tiêu chuẩn quốc tế để đáp ứng nhu cầu của các thị trường nhập khẩu như: GlobalGAP, ASC, BAP,haLAL... Trong tháng 8, giá bán cá tra thương phẩm ổn định so với tháng trước, trong khi giá cá tra giống tăng do nhu cầu thả nuôi tăng.
Toàn tỉnh hiện có 374 cơ sở nuôi cá tra được cấp mã số nhận diện với diện tích 1.623ha mặt nước. Hiện nay, Đồng Tháp có 1 Hội quán về sản xuất giống cá tra (huyện Hồng Ngự) và 1 Hội quán nuôi cá tra thương phẩm (TP Hồng Ngự). Các Hội quán, đặc biệt là Hồng Tâm Hội quán thể hiện được vai trò là nơi kết nối với các hộ nuôi cá tra thương phẩm trên địa bàn tỉnh trong việc mua thức ăn, thuốc hóa chất sản phẩm xử lý cải tạo môi trường và tiêu thụ cá nuôi. Hiện nay, có khoảng 60% diện tích nuôi là của doanh nghiệp có nhà máy chế biến xuất khẩu. Riêng 40% diện tích nuôi cá tra thương phẩm có đến 90% đều liên kết với các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu theo nhiều hình thức khác nhau. Đa số đều thực hiện theo hình thức liên kết, công ty sẽ hỗ trợ thức ăn và thu mua cá khi đến kỳ thu hoạch và khoảng 10% hộ nuôi nhỏ lẻ còn lại sẽ nuôi thương mại...
Theo Y DU (Báo Đồng Tháp)