Thời gian qua, để thu hút doanh nghiệp, các địa phương trong vùng đã không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, kết quả Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tăng lên qua từng năm. Thế nhưng, kết quả này vẫn chưa đủ sức hấp dẫn để thu hút nguồn vốn FDI.
Nhà đầu tư muốn gì?
Ở giai đoạn đầu cả nước thực hiện chính sách mở cửa kinh tế, ngay khi Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam có hiệu lực, vùng ĐBSCL có nhiều lợi thế nhất định trong thu hút đầu tư nhờ nguồn lao động dồi dào, nhân công rẻ, vùng nguyên liệu nông sản lớn... Cũng thời điểm đó, ĐBSCL đã thu hút tổng vốn FDI 7,8 triệu USD, bằng 10% về số dự án và 2,09% tổng vốn đầu tư của cả nước.
|
Công nhân làm việc tại Công ty TNHH Quốc tế Tri - Viet có 100% vốn Nhật Bản đặt tại Khu công nghiệp Trà Nóc II - TP Cần Thơ.
|
Ngoài tiềm năng của một trung tâm sản xuất nông nghiệp của cả nước, ĐBSCL còn cho thấy lợi thế về phát triển công nghiệp, như phát triển điện gió ngoài khơi và công nghiệp chế biến nông, thủy, hải sản; đầu tư vào công nghệ cao nuôi trồng, canh tác, bảo quản nông, thủy, hải sản... Đặc biệt, được sự đầu tư của Chính phủ, hàng loạt đường cao tốc được triển khai thực hiện, mở ra nhiều cơ hội cho toàn vùng trong thu hút FDI.
Ông Phạm Ngọc Thạch, Phó trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết: “Qua 19 năm triển khai PCI, đơn vị đã nhận được phản hồi của gần 190.000 doanh nghiệp trong cả nước về kết quả khảo sát môi trường kinh doanh. Kết quả công bố vào tháng 5-2024 cho thấy, trong tốp 30 địa phương có môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi nhất thì ĐBSCL có đến 8 địa phương. ĐBSCL cũng là khu vực được doanh nghiệp đánh giá cao về sự năng động, tiên phong của bộ máy chính quyền qua nhiều năm điều tra. Điểm số đánh giá của ĐBSCL năm 2023 đạt trung bình là 6,85 điểm, đứng thứ hai sau Đồng bằng sông Hồng”.
Trong khi chỉ số hài lòng của doanh nghiệp đứng thứ hai thì con số FDI thu về ĐBSCL lại chỉ đứng 4/6 so với các vùng kinh tế của cả nước. Minh chứng từ số liệu báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, lũy kế đến nay, cả nước thu hút được khoảng 484,77 tỷ USD vốn FDI, trong đó, khu vực ĐBSCL được hơn 36,2 tỷ USD, chiếm khoảng 7,5% tổng vốn FDI cả nước.
Theo ông Toshiyuki Fukuda, Tổng giám đốc Công ty TNHH Nippon Koei Việt Nam International thì mặc dù rất yêu thích TP Cần Thơ nhưng đối với doanh nghiệp nhỏ, công ty gia đình của Nhật Bản, khi đầu tư vào một khu vực, họ sẽ đưa vợ con theo nên tiện ích phục vụ đời sống và trường học đạt chuẩn quốc tế là yêu cầu đặt ra. Song đây là điều mà Cần Thơ nói riêng và các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL nói chung chưa đáp ứng được. Ngoài ra, cảng hàng không quốc tế chưa kết nối chuyến bay thẳng từ Cần Thơ đến Nhật Bản cũng gây khó cho doanh nghiệp khi muốn đầu tư.
Khi được hỏi những mong muốn về điều kiện đầu tư vào ĐBSCL, ngài Watanabe Michitaro, Thị trưởng thành phố Nasushiobara (Nhật Bản) cho hay, các nhà đầu tư đánh giá cao nguồn nhân lực trẻ, dồi dào của Cần Thơ, sự chịu thương chịu khó của người lao động, song để gia tăng hơn nữa lợi thế cạnh tranh về nhân lực, lao động cần xây dựng tác phong công nghiệp, ý thức kỷ luật trong công việc. “Chúng tôi mong muốn người lao động chú trọng phát triển khoa học-công nghệ. Đây là yếu tố then chốt để có thể đáp ứng được yêu cầu công việc trong thời kỳ mới, làm chủ máy móc thiết bị tự động hóa, công nghệ cao”, ngài Watanabe Michitaro nhấn mạnh.
Chính quyền linh hoạt
Nếu trước đây, hạ tầng giao thông là điểm nghẽn cho dòng vốn FDI và đã dần được tháo gỡ thì hiện tại sự chồng chéo về thể chế, thủ tục pháp lý là lực cản không nhỏ trong việc thu hút nguồn lực đầu tư vào vùng ĐBSCL. Minh chứng như trong lĩnh vực xây dựng, đầu tư bất động sản, Luật Đất đai yêu cầu phải có chủ trương đầu tư mới được duyệt và được thay đổi quyền sử dụng đất. Trong khi đó, Luật Đầu tư yêu cầu phải có quyền khai thác đất, có quyền sử dụng thì mới xin chủ trương đầu tư. Hay trong khi Luật Doanh nghiệp yêu cầu trong 90 ngày sau thành lập phải góp vốn thì Luật Đầu tư chỉ yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện góp vốn theo tiến độ dự án. Do vậy, doanh nghiệp và nhà đầu tư không biết phải theo luật nào cho đúng.
Bên cạnh đó, sự ì ạch trong giải ngân và định giá với lĩnh vực năng lượng tái tạo cũng là vấn đề các ngành chức năng cần phải quan tâm để tránh lặp lại tình trạng như dự án nhà máy điện khí tại Bạc Liêu. Đây là dự án có tổng vốn đầu tư đăng ký 93.600 tỷ đồng (gần 4 tỷ USD, chiếm tới 90% vốn FDI đã đăng ký đầu tư tại Bạc Liêu). Theo tiến độ, năm 2018 bắt đầu đàm phán dự án, đến năm 2020 dự án được cấp chứng nhận đầu tư, sau 12 tháng sẽ hoàn thành thủ tục đầu tư. Sau đó, trong 36 tháng sẽ triển khai xây lắp, lắp đặt đường ống dẫn khí vào bờ và vận hành tổ máy điện tua-bin khí giai đoạn 1 vào cuối năm 2027. Tuy nhiên, hiện tại dự án vẫn chưa thể triển khai do đang vướng mắc các thủ tục liên quan thuộc thẩm quyền các bộ, ngành ở Trung ương, như quy hoạch và giá điện.
Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Chi nhánh Cần Thơ cho rằng, những mong muốn của nhà đầu tư, những lực cản về thể chế đều hoàn toàn có thể đáp ứng và khơi thông được. “Muốn đón “đại bàng”, các cấp ngành, địa phương vùng ĐBSCL cần phải linh hoạt "tìm đến tận ổ" chứ không đơn giản "dọn ổ sẵn" và nằm chờ. Song để làm được điều này, trước tiên cần xây dựng một chiến lược bài bản, không ôm đồm, dàn trải, đưa ra những cam kết, cơ chế, chính sách ưu đãi. Đặc biệt, muốn tạo dựng lòng tin và kéo được nguồn vốn, vùng ĐBSCL cần khắc phục được 4 vấn đề lớn là: Sự chồng chéo giữa các văn bản pháp luật; điều kiện kinh doanh, phân cấp ủy quyền chưa minh bạch; vấn đề quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, thống nhất cơ chế hợp tác giữa Nhà nước và doanh nghiệp; cuối cùng là vấn đề về thủ tục hành chính và hỗ trợ xuất khẩu”, ông Lam nhấn mạnh.
Đề xuất giải pháp thu hút FDI cho ĐBSCL, theo Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp, chuyên gia kinh tế vùng ĐBSCL, bức tranh giao thông mới của vùng đang mở ra không gian phát triển mới. Những thế mạnh mới này cần được kết nối, khai thác, dùng chung, chứ không riêng một địa phương nào. “Để thu hút đầu tư nước ngoài ngày càng tốt hơn, các tỉnh, thành phố ở ĐBSCL cần thiết phải tăng cường liên kết. Cụ thể là liên kết xúc tiến, thu hút đầu tư, tạo môi trường đầu tư chung, cơ sở hạ tầng dùng chung, khắc phục sự cạnh tranh bất lợi, thiếu lành mạnh, không gian kinh tế bị chia cắt, để có sự phân công, phân vai giữa các địa phương trong vùng. Phải xây dựng được các tiểu vùng kinh tế trục ven biển và biên giới Tây Nam; vùng cửa ngõ miền Tây với Long An, Tiền Giang giáp TP Hồ Chí Minh. Phải có chiến lược, giải pháp trước mắt cũng như lâu dài, bài bản mới có thể thay đổi được thực trạng đầy tiềm năng nhưng thiếu lực kéo vốn FDI đang diễn ra với vùng ĐBSCL”, Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp nói.
Theo THÚY AN (Quân đội nhân dân)