Đồng bằng sông Cửu Long: Làm gì để khỏi cảnh "trồng, chặt" theo phong trào

03/04/2023 - 13:55

Lâu nay, vùng ÐBSCL là nơi sản xuất và xuất khẩu nông sản chủ lực của cả nước, đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Tuy nhiên, việc sản xuất nông sản toàn vùng vẫn còn bộc lộ nhiều yếu tố rủi ro, nay trồng cây này, mai đốn cây khác, kéo theo những hệ lụy…

Phân loại bưởi da xanh ở Bến Tre phục vụ xuất khẩu.

Vòng luẩn quẩn…

Gần đây, khoai lang tím Nhật ở Vĩnh Long được thương lái săn lùng với giá từ 700.000-800.000 đồng/tạ (60kg) để xuất sang thị trường Trung Quốc, đây là mức giá đảm bảo cho nông dân có lời, vì vậy nhiều hộ quay lại trồng khoai. Bà Lê Kim Thanh, ngụ xã Thành Trung, huyện Bình Tân (Vĩnh Long), cho biết: "Dù giá khoai lang đang hấp dẫn nhưng rất ít hộ có khoai để bán, do 2 năm trước ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, thị trường Trung Quốc đóng cửa, hạn chế nhập khẩu khoai lang khiến giá khoai ở Vĩnh Long rớt thảm hại còn 1.000-1.500 đồng/kg không ai mua. Năm đó, ai trồng nhiều lỗ nhiều, ai trồng ít lỗ ít, bình quân lỗ từ 100-200 triệu đồng/ha nên hàng loạt hộ lâm nợ và bỏ luôn ruộng khoai".

Trong cái nắng trưa gay gắt vào cuối tháng 3-2023, ông Lê Thành Tâm, ngụ xã Tân Thành (huyện Bình Tân) vẫn kiên trì chăm sóc cho 7 công khoai lang tím Nhật được gần 2 tháng tuổi. Ông Tâm kể: "Gia đình tôi gắn bó với nghề trồng khoai hơn 20 năm rồi, nhưng đợt ảnh hưởng dịch COVID-19 năm 2021 là lỗ nặng nhất với hơn 150 triệu đồng/ha. Sau đó, cũng nản chí với nghề trồng khoai xuất khẩu. Song, chắc là do "cái nghiệp" nên khi thấy khoai lang có giá trở lại và nhiều hộ xung quanh trồng khoai, vì thế phải chạy đi tìm vốn để đầu tư mới cho vụ khoai xuất khẩu…". Theo UBND huyện Bình Tân, hiện tại toàn huyện bắt đầu trồng lại khoảng 400ha khoai lang xuất khẩu, dự kiến diện tích tiếp tục tăng trong thời gian tới…

Tại Bến Tre, một thời bưởi da xanh là cây thế mạnh bởi hiệu quả kinh tế cao, bình quân thu về 500-700 triệu đồng/ha/năm, do đó ai ai cũng mở rộng diện tích trồng, nên tổng diện tích lên khoảng 9.400ha. Thế nhưng, năm 2021 cũng do ảnh hưởng dịch COVID-19 khiến việc xuất khẩu sang Trung Quốc bị ách tắc dẫn đến giá bưởi da xanh giảm mạnh từ 50.000-60.000 đồng/kg xuống còn 10.000-20.000 đồng/kg; cộng với xâm mặn làm một số vườn bưởi suy kiệt, do đó một số hộ đang phá vườn bưởi thoái hóa chuyển sang trồng sầu riêng, dừa xiêm, mít Thái… Ông Bảy Minh, ngụ xã Quới Sơn, huyện Châu Thành (Bến Tre), bộc bạch: "Hơn 2 năm nay giá bưởi da xanh không cao, trong khi sầu riêng, thanh long… tăng khá mạnh; do đó không ít hộ đã bỏ bưởi để chuyển sang trồng cây khác. Như gia đình tôi có hơn 8 công bưởi da xanh thì đang chuyển 4,6 công bưởi bị thoái hóa sang trồng mít Thái và dừa xiêm xanh với hy vọng có được lợi nhuận nhiều hơn". Ở Sóc Trăng, ông Ðặng Văn Nám, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Bưởi Kế Thành (huyện Kế Sách), tiết lộ: "Hiện, một số hộ cũng đang chuyển bưởi da xanh qua cây trồng khác, bởi yếu tố giá cả và ảnh hưởng hạn mặn". Ông Ðàm Văn Hưng - chủ cơ sở kinh doanh bưởi da xanh Hương Miền Tây (Bến Tre), lo lắng: "Do bà con các tỉnh ÐBSCL đang giảm diện tích bưởi da xanh khá nhiều, nên hiện nay cơ sở chỉ thu mua được khoảng 10-20 tấn bưởi mỗi ngày; trong khi mấy năm trước là từ 70-80 tấn/ngày…".

Tình trạng "trồng, chặt" cũng xảy ra ở vùng mía nguyên liệu Hậu Giang. Theo Phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp cho biết, lúc cao điểm toàn huyện có khoảng 9.500ha mía, đứng đầu ÐBSCL; nhưng sau đó nông dân thua lỗ vì giá thấp, sự liên kết trong sản xuất rời rạc… nên hàng loạt hộ phá bỏ ruộng mía để trồng cây ăn trái và rau màu; đến nay chỉ còn giữ khoảng 3.000-3.200ha mía. Gần đây, nông dân Phụng Hiệp bán mía chục cho thương lái cung ứng các nơi làm nước mía, với giá 2.800-3.200 đồng/kg thu lãi rất đậm. Vì vậy, một số nơi trong huyện rục rịch tăng diện tích mía; điều này là khá mạo hiểm. "Nông dân trồng mía chục dành làm nước giải khát, có lợi nhuận khá tốt; tuy nhiên mô hình này không bền vững nếu mở rộng diện tích, tăng sản lượng quá nhiều sẽ có nguy cơ cung vượt cầu và giá rớt trở lại, bởi hiện nay hoạt động của các nhà máy đường ở ÐBSCL đã thu hẹp", ông Trần Văn Tuấn, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp băn khoăn. Ông Trần Văn Tuấn tiết lộ thêm, quy hoạch về lâu dài của huyện giữ hơn 2.000ha mía cung ứng cho 1 nhà máy địa phương; nếu gặp trục trặc thì chuyển diện tích này sang bán cho thương lái làm nước giải khát, vì vậy không vội tăng thêm mía nhằm tránh rủi ro.

Sản xuất phải theo nhu cầu thị trường

Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) các tỉnh ÐBSCL cho biết, các sở đang rà soát lại tình trạng sản xuất, nhất là hiện tượng phát triển theo phong trào như sầu riêng mới đây, nhằm có những định hướng canh tác phù hợp cho từng khu vực. Ngành Nông nghiệp cũng chia sẻ với nông dân về quan điểm chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp hiện nay, chuyển từ tư duy số lượng sang chất lượng; chuyển từ sản lượng sang giá trị gia tăng là mục tiêu phấn đấu. Cần thấy rằng, không phải sản lượng càng nhiều thì đồng nghĩa thu nhập tăng thêm, mà ngược lại. Ðặc biệt, trong quá trình sản xuất cần đẩy mạnh mô hình liên kết với doanh nghiệp từ đầu vào vật tư đến đầu ra sản phẩm, có như vậy mới phát triển bền vững được. Làm được điều này phải quy tụ nông dân vào HTX nhằm thuận lợi trong chuyển giao công nghệ, ứng dụng các mô hình canh tác tiên tiến, hiện đại, giảm giá thành; đồng thời dễ dàng trong hợp tác với doanh nghiệp. Từ đây, sẽ có các định hướng sản xuất phù hợp với từng thời điểm, từng thị trường tiêu thụ khác nhau…

Ông Ðàm Văn Hưng, chủ cơ sở kinh doanh bưởi da xanh Hương Miền Tây (Bến Tre), khẳng định: "Chúng tôi đang là doanh nghiệp thu mua và xuất khẩu bưởi da xanh lớn nhất cả nước, thậm chí ở khu vực Ðông Nam Á. Do đó, để chủ động về chất lượng cũng như đơn hàng xuất khẩu, chúng tôi đã liên kết với nhiều HTX, tổ hợp tác trồng bưởi da xanh ở ÐBSCL và Ðông Nam Bộ. Khi ký liên kết thì các HTX sản xuất theo tiêu chuẩn xuất khẩu của từng thị trường đưa ra; phía doanh nghiệp thu mua với giá sàn thấp nhất là 25.000 đồng/kg trở lên. Với cách làm liên kết này sẽ đảm bảo cho nông dân không bao giờ lỗ, dù bất kể thị trường có biến động ra sao". Ông Hưng cũng khuyến cáo bà con không nên phá vườn bưởi da xanh, bởi thực tế nhu cầu tiêu thụ bưởi da xanh ở trong nước và xuất khẩu còn dư địa rất lớn mới đáp ứng khoảng 50% thôi. Ngoài ra, bưởi da xanh ăn tốt cho sức khỏe, ai cũng có thể dùng được; thời gian bảo quản được lâu, nên không sợ ế. Vấn đề hiện nay là tổ chức lại sản xuất một cách bài bản, xây dựng các vùng chuyên canh quy mô lớn, có HTX, thực hiện mã số vùng trồng nhằm đáp ứng nhiều thị trường trên thế giới… Mặt khác, mới đây chúng ta đã xuất khẩu lô hàng bưởi da xanh đầu tiên sang thị trường Mỹ, điều đó mở ra nhiều triển vọng mới.

Tại Vĩnh Long, đại diện các HTX nông nghiệp chuyên về khoai lang ở huyện Bình Tân cho biết, bà con vui mừng khi dự kiến trong quý II-2023 sẽ xuất khẩu lô khoai lang chính ngạch đầu tiên sang thị trường Trung Quốc, đây là tín hiệu tích cực. Hiện tại cùng việc xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói… thì nông dân huyện Bình Tân đang trồng mới lại khoai lang xuất khẩu. Tuy nhiên, để tránh tình trạng "trồng - chặt" như thời gian qua thì việc mở rộng diện tích cần phù hợp với nhu cầu xuất khẩu. Bên cạnh đó, nhanh chóng củng cố và phát triển các HTX đủ mạnh để đại diện cho nông dân liên kết với các doanh nghiệp từ sản xuất tới tiêu thụ, đây là vấn đề quan trọng quyết định sự phát triển lâu dài của vùng chuyên canh khoai lang…

Theo Báo Cần Thơ