Đồng Tháp: Hướng tới sản xuất lúa hữu cơ

08/11/2022 - 14:39

Trước xu hướng tiêu dùng gạo chất lượng cao ngày càng tăng trên thị trường, nhiều nông dân tỉnh Đồng Tháp đã chuyển từ trồng lúa truyền thống sang mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, lúa sạch. Việc sản xuất theo mô hình này đã góp phần nâng cao giá trị, hướng tới xây dựng thương hiệu cho gạo Việt Nam.

Nông dân trồng lúa chất lượng cao tại xã Bình Thành, huyện Lấp Vò chuẩn bị bước vào đợt thu hoạch

Năm 2021, tổng diện tích gieo trồng lúa của toàn tỉnh đạt 504.295ha, sản lượng đạt hơn 3,3 triệu tấn, trong đó giống lúa chất lượng cao đạt hơn 319.000ha (chiếm 63,3%). Hiện những giống lúa chất lượng cao, phù hợp với thị trường xuất khẩu đang được nông dân lựa chọn sản xuất với diện tích lớn.

Nhiều Hợp tác xã “vào cuộc”

Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Tân Bình (huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) đang tham gia thực hiện mô hình “sản xuất lúa theo hướng hữu cơ” với diện tích mỗi vụ lên đến 10ha. Giám đốc HTX Nông nghiệp Tân Bình Tạ Văn Bông cho biết: “Mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ nhằm cung cấp sản phẩm gạo chất lượng cao, an toàn cho người tiêu dùng. Do thị trường trong nước và thế giới có sự thay đổi về nhu cầu, từ ăn no chuyển sang ăn ngon và bảo đảm chất lượng nên việc sản xuất lúa theo hướng an toàn, sạch là rất cần thiết và HTX sẽ tiếp tục mở rộng diện tích. Tuy nhiên, để mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ phát triển ổn định và bền vững, thời gian tới, chính quyền và các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội địa phương cần vận động tuyên truyền về ý nghĩa việc sản xuất liên kết và hiệu quả mang lại. Đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp, công ty liên kết với nông dân để có đầu ra ổn định cho lúa hữu cơ”.

Hiện toàn tỉnh Đồng Tháp có 12 HTX sản xuất theo hướng hữu cơ với tổng diện tích 421ha; trong đó có 11 HTX sản xuất lúa. Với vai trò là cầu nối, thời gian qua, Liên minh HTX tỉnh Đồng Tháp đã tích cực xây dựng và nhân rộng mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ trên địa bàn tỉnh.

Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Đồng Tháp Lê Quang Cường cho biết: “Thời gian qua, Liên minh HTX tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nông dân thấy được lợi ích khi sản xuất lúa theo hướng hữu cơ. Việc chuyển từ lúa vô cơ sang lúa hữu cơ là đã có sự thay đổi tư duy của nông dân, để tạo nên hệ sinh thái vì sức khỏe cộng đồng, cũng như nâng cao giá trị của hạt lúa. Nông dân đã ý thức hơn trong việc sản xuất gắn với bảo vệ môi trường. Các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ bước đầu tiếp cận được thị trường và tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Hiện lúa hữu cơ đều được các công ty, doanh nghiệp đặt hàng bao tiêu. Do đó, các HTX khi làm mô hình này cũng an tâm đầu ra trong sản xuất”.

Bên cạnh đó, Liên minh HTX tỉnh cũng đã đẩy mạnh công tác củng cố các HTX hiện có, để Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX nâng cao năng lực quản trị của HTX. Từ đó, công tác tuyên truyền từ bộ máy HTX đến các thành viên trong HTX đạt hiệu quả cao. “Ngoài ra, Liên minh HTX tỉnh Đồng Tháp đã đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại để xây dựng nhãn hiệu trên lúa gạo mà các HTX làm theo hướng hữu cơ. Mục tiêu của các HTX hiện nay là nâng cao giá trị của hạt lúa, hạt gạo vì sức khỏe cộng đồng. Thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh Đồng Tháp sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho các HTX tiếp cận được Quỹ hỗ trợ phát triển HTX để có nguồn vốn lưu động trong quá trình chuyển đổi sản xuất lúa vô cơ sang hữu cơ” - ông Lê Quang Cường thông tin thêm.

Phát triển bền vững, gia tăng giá trị cho hạt gạo

Về những khó khăn trong phát triển sản xuất lúa theo hướng hữu cơ hiện nay, theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Tháp, nguyên nhân chính là do nông dân còn thói quen sản xuất theo hướng tăng vụ, tăng sản lượng; chưa quen với việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật luân canh, xen canh để giảm áp lực sâu bệnh; chưa chú trọng đến sản xuất an toàn, bền vững. Các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp theo hướng an toàn sinh học (sử dụng các dung dịch thảo mộc, chế phẩm sinh học, trồng cây thu hút thiên địch...) có hiệu quả tương đối chậm, tốn công và thời gian nên nông dân chưa mạnh dạn áp dụng.

Từ năm 2014, tỉnh đã triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật giúp tăng năng suất và chuyển đổi cơ cấu, sử dụng giống lúa chất lượng cao, ổn định về sản lượng. Tỉnh phấn đấu phát triển ngành hàng lúa gạo trở thành ngành chiến lược của tỉnh theo hướng bền vững, chất lượng, có giá trị gia tăng cao. Theo đó, đổi mới phương thức canh tác theo hướng bền vững để giảm chi phí, áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến; liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm có sự tham gia của HTX, tổ hợp tác, hội quán và doanh nghiệp; đồng thời xây dựng thương hiệu, kết nối vùng, kết nối các chuỗi phân phối trong các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích để mở rộng thị trường tiêu thụ- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Huỳnh Minh Tuấn

Mặt khác, chưa có nhiều doanh nghiệp tham gia vào chuỗi liên kết cung ứng đầu vào và tiêu thụ đầu ra để nông dân an tâm chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ và duy trì đến khi đủ điều kiện nhận chứng nhận hữu cơ. Đặc biệt, giá bán sản phẩm hữu cơ phải bảo đảm lợi nhuận hơn sản xuất thông thường thì mới thu hút được ngày càng nhiều nông dân sản xuất theo các mô hình này.

Mới đây, trong Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long, chủ động thích ứng biến đổi khí hậu, Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các địa phương xây dựng đề án sản xuất bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao phục vụ chế biến xuất khẩu.

Với đề án này, khi triển khai hiệu quả trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp chắc chắn sẽ là lực đẩy cho sản xuất lúa hữu cơ phát triển. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp Lê Quốc Điền cho biết: “Việc triển khai Đề án “Sản xuất 1 triệu ha lúa chất lượng cao tại vùng đồng bằng sông Cửu Long để phục vụ xuất khẩu” hoàn toàn khả thi vì diện tích gieo trồng giống lúa chất lượng cao hằng năm của tỉnh Đồng Tháp đạt hơn 319.000ha (chiếm 63,3%). Với năng suất trung bình 66,67 tạ/ha, sản lượng lúa chất lượng cao hằng năm của toàn tỉnh đạt hơn 2,1 triệu tấn. Tuy nhiên, muốn phát triển mạnh ngành lúa gạo nói chung và sản xuất lúa hữu cơ nói riêng thì cần giải quyết một số hạn chế như: diện tích đất sản xuất manh mún ảnh hưởng việc phát triển và ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp; việc áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp thông minh của tỉnh chưa nhiều do các mô hình này cần vốn đầu tư cao và trình độ chuyên môn của người thực hiện”.

Theo Báo Đồng Tháp