Xoài là ngành hàng thế mạnh của huyện Cao Lãnh (Ảnh: Mỹ Nhân)
Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư liên kết với nông dân
Năm 2023, các địa phương trên địa bàn huyện tổ chức lại sản xuất, gắn kết với thị trường tiêu thụ, thực hiện các quy trình sản xuất an toàn, củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động các hợp tác xã (HTX) làm đầu mối liên kết với doanh nghiệp từ khâu cung ứng vật tư đầu vào, hướng dẫn kỹ thuật canh tác đến khâu tiêu thụ, chế biến và xuất khẩu. Đồng thời sử dụng giống lúa xác nhận (chiếm 90,4% diện tích xuống giống), giống lúa chất lượng cao (chiếm 90,3% diện tích xuống giống), sản xuất theo hướng giảm giá thành chiếm 88,7% diện tích xuống giống, góp phần mang lại hiệu quả cao trong sản xuất.
Hầu hết các hộ trồng lúa ứng dụng chương trình “1 phải, 5 giảm”, “3 giảm, 3 tăng” , tưới tiết kiệm nước, cơ giới hoá trong xuống giống, bón phân, phun thuốc, sử dụng phân bón hữu cơ, vi sinh... giúp giảm giá thành sản xuất khoảng 50 đồng/kg, đưa lợi nhuận tăng thêm từ 22 triệu - 26 triệu đồng/ha. Năm 2023, tổng diện tích xuống giống của huyện là hơn 78.800ha (tăng 612ha so với năm 2022), vượt 4,78% kế hoạch; sản lượng đạt gần 524.300 tấn, vượt 5,8% kế hoạch, tăng gần 3.200 tấn so với năm 2022.
Nhằm tạo đầu ra ổn định cho nông sản, huyện tổ chức kết nối, đối thoại giữa doanh nghiệp với HTX, tổ hợp tác, hội quán và bà con nông dân để bàn bạc, thống nhất phương thức liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm phù hợp. Mặt khác, nhân rộng các phương thức liên kết điển hình, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư liên kết với nông dân theo chuỗi khép kín gắn với xây dựng chuỗi ngành hàng chủ lực của huyện; hỗ trợ HTX, tổ hợp tác, hội quán, Tổ Nhân dân tự quản... hợp đồng liên kết với doanh nghiệp đảm bảo tính pháp lý.
Đặc biệt, huyện còn quan tâm xây dựng, cấp và quản lý mã số vùng trồng cho các loại cây trồng chính (lúa, cây ăn trái tại vùng sản xuất tập trung), cấp mã số cơ sở đóng gói nông sản, truy xuất nguồn gốc nông sản nhằm phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Qua đó góp phần thúc đẩy liên kết, tiêu thụ ngành hàng lúa gạo, cây ăn trái trên địa bàn, tạo đầu ra ổn định cho nông sản, tăng thu nhập cho người dân. Đến nay, hoàn thành cấp 184 mã số vùng trồng lúa, với diện tích gần 25.300ha, chiếm trên 90% diện tích đất trồng lúa; liên kết tiêu thụ với công ty, doanh nghiệp hơn 25.700ha, vượt 2,9% kế hoạch; thực hiện liên kết tiêu thụ khoảng 11% sản lượng cây ăn trái trên địa bàn. Theo đó, giá trị tăng thêm từ liên kết đạt khoảng 35,7 tỷ đồng.
Tuy nhiên, hiện nay, nhiều doanh nghiệp liên kết tiêu thụ lúa chưa quan tâm đến mã số vùng trồng; tỷ lệ thực hiện liên kết tiêu thụ còn thấp, chưa tương xứng với diện tích, sản lượng trên địa bàn. Trong thực hiện liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và nông dân chưa đạt như mong đợi...
Hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung
Định hướng phát triển ngành nông nghiệp mang tính bền vững, năm 2024, huyện Cao Lãnh tiếp tục áp dụng đồng bộ các giải pháp tiên tiến, hiện đại, nhân rộng các mô hình giảm giá thành, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất góp phần làm giảm chi phí sản xuất tăng giá trị mặt hàng lúa gạo. Phấn đấu diện tích gieo trồng lúa cả năm là 78.865ha (lúa chất lượng cao chiếm 91%), sản lượng 526.931 tấn; liên kết tiêu thụ lúa đạt 27.000ha. Đồng thời phát triển sản xuất trồng trọt theo mô hình kinh tế tuần hoàn, mô hình canh tác lúa bền vững, mô hình sử dụng giống lúa chất lượng cao gắn với liên kết tiêu thụ và ứng dụng thiết bị bay phun thuốc bảo vệ thực vật, triển khai thực hiện một triệu hecta lúa chất lượng cao vùng đồng bằng sông Cửu Long...
Bên cạnh đó, huyện tiếp tục hướng dẫn hồ sơ cấp mới, duy trì mã số vùng trồng và quản lý mã vùng trồng trên địa bàn. Duy trì và nhân rộng các phương thức liên kết điển hình, mời gọi và khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản theo chuỗi khép kín, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX, tổ hợp tác, hội quán, nhất là phát huy vai trò của Tổ nhân dân tự quản trong liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản; tạo điều kiện cho các thành viên tiếp cận kỹ thuật công nghệ thông tin nhằm đáp ứng thông tin hai chiều, thông tin kịp thời, chính xác và tạo hiệu quả thiết thực trong việc chỉ đạo, hướng dẫn sản xuất.
Ông Huỳnh Thanh Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Lãnh thông tin, hướng đến sự phát triển bền vững các ngành hàng thế mạnh của địa phương, huyện đẩy mạnh tổ chức kết nối doanh nghiệp với HTX, tổ hợp tác trên địa bàn để liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản. Đối với các nơi chưa có HTX, tổ hợp tác, địa phương phát huy vai trò của các hội quán, Tổ Nhân dân tự quản để làm cầu nối giữa người dân và doanh nghiệp trong liên kết. Với những hình thức liên kết phù hợp, nhiều bà con nông dân bán được giá cao khi giá thị trường nông sản xuống thấp, người dân an tâm sản xuất. Trên tinh thần đảm bảo lợi ích hài hòa giữa các bên, doanh nghiệp và người dân cần chia sẻ và gắn kết chặt chẽ với nhau. Đồng thời, cùng với sự đồng hành, sâu sát của chính quyền địa phương sẽ góp phần đưa việc liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản đi vào chiều sâu...
Theo Y DU (Báo Đồng Tháp)