Đồng Tháp: Khởi nghiệp với sản phẩm ốc gác bếp

30/11/2023 - 08:54

Lâu nay, ốc gác bếp là món ăn không xa lạ với nhiều người vùng đồng bằng sông Cửu Long. Bằng niềm đam mê và mong muốn phát triển món ăn đậm chất quê hương, anh Võ Hoài Phong (SN 2001) - Giám đốc Công ty TNHH MTV Hương Đồng Nội (ấp Chiến Thắng, xã Tân Thành A, huyện Tân Hồng) đã biến món ốc gác bếp trở thành đặc sản giới thiệu với du khách gần xa.

A A

Anh Võ Hoài Phong giới thiệu sản phẩm ốc gác bếp cho khách hàng tại Ngày hội Hội quán Đất Sen hồng năm 2023

Anh Võ Hoài Phong sinh ra và lớn lên ở vùng quê biên giới Tân Hồng. Mỗi mùa nước nổi, anh thường đi bắt ốc lác để kiếm thêm thu nhập. Sau thời gian, gia đình anh Phong chuyển sang kinh doanh ốc lác tươi.

Trong suốt thời gian kinh doanh và tìm hiểu, anh Phong biết về món ăn độc đáo từ ốc lác gác bếp. Loài ốc lác có đặc tính ngủ vùi trong đất vào mùa khô dài ngày. Từ đó, những người đi bắt được ốc bỏ vào giỏ tre rồi treo lên giàn bếp để bảo quản lâu và ăn ngon hơn. Dù con ốc được treo lên giàn suốt nhiều tháng nhưng vẫn mập, thịt ốc trắng sạch, chế biến được nhiều món ăn ngon và giàu dinh dưỡng như: nướng, hấp, luộc...

Đến năm 2020, anh Phong quyết định chuyển từ việc mua bán ốc tươi bình thường sang làm ốc lác gác bếp. Anh Phong kể: “Ban đầu tôi thử nghiệm bằng việc đem ốc lác về làm sạch rồi để lên giàn, nhưng khi thành phẩm ốc không được sạch và tỷ lệ thành công không cao, có nhiều hạn chế là chỉ sản xuất được số lượng nhỏ, tốn thêm chi phí vệ sinh ốc trước khi bán... Qua nhiều lần thất bại, tôi đã thành công trong việc tạo môi trường giống như ngoài tự nhiên để ốc nằm yên. Đồng thời xử lý cho ốc nhả ra hết những tồn dư trong cơ thể để khi thành phẩm ốc sẽ trắng và sạch”.

Từ thành công ban đầu, năm 2021, anh Phong thành lập Công ty TNHH MTV Hương Đồng Nội để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thực khách gần xa. Để đảm bảo chất lượng của sản phẩm, anh Phong không ngại khó tìm đến vùng đầu nguồn các tỉnh An Giang và Đồng Tháp thu mua ốc. Sau khi mua về, anh lựa chọn lại, loại bỏ những con ốc bị vỡ vỏ hay kích thước quá nhỏ, xử lý cho ốc sạch, rồi treo ốc lên giàn giống như khi gặp điều kiện khô hạn ngoài tự nhiên ít nhất 3 tháng để sản phẩm đạt chất lượng theo yêu cầu.

Anh Phong cho biết thêm: “Sản phẩm ốc gác bếp dễ bảo quản, khoảng 1 năm vẫn còn tươi ngon. Một trong những ưu điểm của sản phẩm là giá bán cao gấp 3 đến 4 lần so với ốc tươi bình thường. Tôi tiếp tục sản xuất và tìm thêm các phương thức chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm, tìm kiếm thêm nhiều nguồn cung ứng ốc lác sạch nhằm phục vụ tốt nhu cầu khách hàng. Dự kiến, mỗi năm, tôi xuất bán từ 50 - 100 tấn ốc gác bếp”.

Anh Nguyễn Văn Đây - Phó Bí thư Huyện đoàn Tân Hồng, cho biết: “Mô hình sản xuất ốc theo kiểu gác bếp của anh Võ Hoài Phong cho thấy sự sáng tạo để tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế, góp phần giải quyết việc làm tại địa phương. Thời gian tới, Ban Thường vụ Huyện đoàn tiếp tục bám sát các chương trình, kế hoạch của Tỉnh đoàn và lãnh đạo huyện trong công tác hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp. Đồng thời khuyến khích đoàn viên, thanh niên xây dựng tinh thần khởi nghiệp; từng bước đáp ứng nhu cầu hỗ trợ và tạo môi trường thuận lợi cho thanh niên thi đua sáng tạo, khởi nghiệp, lập nghiệp...”.

Theo TRANG HUỲNH (Báo Đồng Tháp)