Chế biến cá tra - sản phẩm xuất khẩu chiến lược của tỉnh (ảnh tư liệu)
Trong khi đó, thương mại nội địa duy trì tín hiệu tốt, tăng trưởng ổn định. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tháng 7 ước đạt 10.583 tỷ đồng, tăng 1,12% so với tháng trước và tăng 13,93% so với tháng cùng kỳ năm 2022. Tính chung 7 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 73.789 tỷ đồng, tăng 13,91% so với cùng kỳ năm trước, đạt 58,29% kế hoạch năm. Theo Sở Công Thương, đây là chỉ tiêu có tiến độ tăng trưởng tốt nhất của ngành.
Tuy nhiên, đối với hoạt động xuất khẩu của tỉnh tiếp tục còn nhiều khó khăn và thách thức. Tháng 7, kim ngạch xuất khẩu tuy có tăng nhẹ so với tháng trước nhưng giảm mạnh so với cùng kỳ. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 93,47 triệu USD, tăng 1,36% so với tháng trước và bằng 67,21% so với tháng cùng kỳ năm 2022. Tính chung 7 tháng đầu năm, xuất khẩu tỉnh nhà ước đạt 653,59 triệu USD, giảm 38,58% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 42,58% kế hoạch năm.
Theo đó, các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh đều giảm so cùng kỳ năm 2022. Trong đó, giảm cao nhất là mặt hàng thủy sản chế biến; bánh phồng tôm; sản phẩm may. Chỉ riêng ngành hàng gạo có giá trị xuất khẩu tăng. Điều này ảnh hưởng đến tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.
Theo ông Nguyễn Hữu Dũng - Giám đốc Sở Công Thương, đây là chỉ tiêu có nhiều thách thức đối với ngành công thương trong thời gian tới. Để đạt được mục tiêu như kế hoạch đề ra năm 2023 kim ngạch xuất khẩu tăng 9,88%, từ đây đến cuối năm, xuất khẩu của tỉnh mỗi tháng cần đạt khoảng 200 triệu USD. Trước thách thức này, ngoài sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, sự chỉ đạo sát sao của UBND tỉnh, sự đồng hành cùng doanh nghiệp của ngành thì kỳ vọng lớn nhất vẫn là sự chuyển biến tích cực của thị trường thế giới. Trước những thuận lợi và khó khăn đan xen, hiện tại, thị trường xuất khẩu gạo có nhiều thuận lợi là điểm sáng và cơ hội cho hoạt động xuất khẩu của tỉnh.
Trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, những bất ổn về kinh tế, chính trị toàn cầu, chính sách tiền tệ thắt chặt, lạm phát ở mức cao tại nhiều nước, nhất là các đối tác lớn sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Để phấn đấu hoàn thành mục tiêu tăng trưởng năm 2023, ngành công thương tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp.
Theo đó, ngành công thương tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác hội nhập kinh tế quốc tế trong tình hình mới. Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp về thông tin thị trường, xúc tiến xuất khẩu, tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA tìm kiếm thị trường; chủ động nắm bắt thông tin về thị trường lúa gạo thế giới thông qua kênh thông tin từ Bộ Công Thương để kịp thời thông tin đến doanh nghiệp trên địa bàn.
Ngành công thương tiếp tục triển khai các nhiệm vụ của Đề án tái cơ cấu ngành công nghiệp; thực hiện các giải pháp, cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các chương trình, đề án khuyến công; tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, hỗ trợ nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đầu tư;... Mặt khác, thực hiện rà soát, đánh giá lại quy định về thời gian thực hiện dự án đầu tư trong khu, cụm công nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư.
Đồng thời tập trung nâng cao năng lực thương mại điện tử cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân; thực hiện xúc tiến thương mại theo hướng tập trung tiêu thụ các sản phẩm OCOP, sản phẩm theo mùa vụ của nông dân hạn chế tình trạng tồn động, mất giá đối với sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. Rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp; tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp...
Theo Y DU (Báo Đồng Tháp)