Sản phẩm hủ tiếu Sa Đéc từ lâu nổi tiếng khắp trong và ngoài nước
TRĂN TRỞ LÀNG BỘT SA ĐÉC
Theo thống kê của UBND TP Sa Đéc, hiện có trên 180 hộ, cơ sở, doanh nghiệp (DN) và hơn 2.000 lao động tham gia vào hoạt động sản xuất bột và sản phẩm sau bột, trong đó, Làng nghề sản xuất bột được tỉnh công nhận tập trung tại xã Tân Phú Đông và Phường 2. Bình quân mỗi ngày, làng nghề sản xuất khoảng 95 tấn bột tươi (tương đương 50 tấn bột khô). Từ bột gạo, các cơ sở đã chế biến ra rất nhiều sản phẩm sau bột như: hủ tiếu, bánh canh, nui, phở, bún, bánh tầm, ống hút, snack và các loại bánh... Thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang một số nước (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Úc, Hồng Kông, Singapore, Canada, Mỹ, Đức, Campuchia, Lào) thông qua các công ty: Công ty CP thực phẩm Bích Chi, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hòa Hưng, Công ty CP Xuất nhập khẩu Sa Giang, Công ty TNHH MTV Sản xuất Thương mại Dịch vụ Hồng Thái, Công ty CP Tinh Bột Xanh. Doanh thu mang lại cho cơ sở, DN hàng năm đạt trên 1.500 tỷ đồng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, làng bột hiện nay vẫn còn những hạn chế như: quy mô của một số hộ sản xuất bột nhỏ, chưa đáp ứng được nhu cầu về sản lượng và chất lượng; một số hộ sản xuất chưa thực sự mạnh dạn thay đổi các công nghệ, thiết bị mới vào sản xuất; sản phẩm chưa đồng nhất về chất lượng do nguyên liệu đầu vào, điều kiện nhà xưởng và các trang thiết bị phục vụ sản xuất bột chưa đồng đều...
Bà Võ Thị Bình - Phó Chủ tịch UBND TP Sa Đéc, trăn trở: “Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, người dân Làng bột Sa Đéc có truyền thống và kinh nghiệm sản xuất bột và các sản phẩm sau bột, song hiện nay, việc áp dụng công nghệ vào sản xuất chưa nhiều. Còn một số hộ dân sản xuất mang tính truyền thống, chưa đáp ứng với kỹ thuật tiên tiến, chưa chú trọng đến việc quảng bá thương hiệu, đăng ký nhãn hiệu và bao bì sản phẩm. Vấn đề băn khoăn của địa phương là sự gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ chưa thật sự bền vững; việc sản xuất nhỏ lẻ của người dân làng nghề đã gây nhiều bất lợi, khó tiếp cận với chính sách hỗ trợ, ưu tiên từ chính quyền địa phương; việc phát triển sản phẩm sau bột có giá trị gia tăng cao hơn chưa được nhiều... là những thách thức đòi hỏi làng nghề cần sớm tìm ra giải pháp trong thời gian tới”.
Ông Nguyễn Văn Nương - chủ Cơ sở sản xuất bột Tư Nương (Phường 2), cho biết: “Khó khăn chung của nhiều hộ dân theo nghề làm bột nơi đây là chưa tìm được thị trường tiêu thụ ổn định, sản phẩm chưa có thương hiệu, thiếu vốn tái đầu tư công nghệ mới. Bên cạnh đó, chất lượng sản phẩm không đồng đều; quy mô, thiết bị, công cụ, máy móc sản xuất chưa đồng bộ; thành phẩm bột còn phụ thuộc vào tay nghề, môi trường và thời tiết. Ngoài ra, việc chưa xây dựng được quy trình sản xuất khép kín đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cũng là rào cản...”.
Việc ứng dụng công nghệ hiện đại giúp các cơ sở nâng cao chất lượng, hiệu quả sản phẩm bột, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm sau bột
ĐẨY MẠNH ĐẦU TƯ CÔNG NGHỆ GẮN LIÊN KẾT, TIÊU THỤ
Với sự quan tâm của thành phố, giai đoạn 2020 - 2023, Chương trình Khuyến công của tỉnh và TP Sa Đéc đã hỗ trợ 36 cơ sở, DN đầu tư máy móc, thiết bị công nghệ mới vào sản xuất bột và các sản phẩm sau bột, với tổng mức đầu tư máy móc, thiết bị hơn 6 tỷ đồng. Hoạt động này nhằm giúp các cơ sở nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm thời gian và công lao động, cũng như góp phần giảm thiểu vấn đề ô nhiễm môi trường tại làng nghề và giải quyết việc làm, ổn định thu nhập cho lao động trong Làng nghề làm bột Sa Đéc.
Việc sản xuất bột của làng nghề và sản phẩm chế biến từ bột của cơ sở, DN đã góp phần đưa các sản phẩm sản xuất sau bột được bình chọn Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh và thành phố. Minh chứng rõ nhất là năm 2023, thành phố có 13 sản phẩm được công nhận đạt Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp thành phố, trong đó, có 6 sản phẩm được công nhận Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh. Trong lĩnh vực công nghiệp - thương mại - dịch vụ có 11 sản phẩm đạt OCOP 3 sao; 11 sản phẩm đề xuất Hội đồng tỉnh xem xét đánh giá 4 sao.
Để thích ứng với môi trường sản xuất, kinh doanh hiện đại trong giai đoạn hiện nay, một số cơ sở đã bắt tay chuyển giao công nghệ, đầu tư máy móc nhưng con số này vẫn còn hạn chế. Ông Nguyễn Văn Nương đề xuất, ngoài việc tạo điều kiện về chính sách hỗ trợ, đầu tư máy móc, cần đẩy mạnh liên kết giữa người sản xuất bột với cơ sở, DN sản xuất sản phẩm sau bột để có thể tạo đầu ra ổn định, có như vậy ngành bột Sa Đéc mới bền vững được.
Theo bà Võ Thị Bình - Phó Chủ tịch UBND TP Sa Đéc, để giữ gìn và phát huy nghề làm bột truyền thống, UBND thành phố đã triển khai Đề án phát triển Làng nghề bột Sa Đéc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, thành phố vận động các cơ sở, DN sản xuất tổ chức, bố trí lại khu sản xuất bột đảm bảo điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm và hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất bột, sản xuất sản phẩm sau bột từ chính sách khuyến công và chính sách có liên quan như: máy đánh tơi, máy li tâm, máy hút chân không... Cùng với đó, tạo điều kiện cho cơ sở, DN và Làng nghề bột Sa Đéc có sản phẩm bột và chế biến sau bột tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Từ đó giúp nâng cao năng suất, tăng chất lượng sản phẩm phù hợp với yêu cầu của thị trường.
Anh Phạm Thế Hải - Giám đốc Công ty Cổ phần Tinh Bột Xanh (bìa phải) giới thiệu sản phẩm của công ty cho khách nước ngoài nhân Triển lãm Vietnam Foodexpo 2023 tại TP Hồ Chí Minh
Thành phố tiếp tục quan tâm thành lập và phát triển kinh tế hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ, làm tiền đề khi có điều kiện thuận lợi phát triển thành Hợp tác xã Làng nghề bột Sa Đéc. Đồng thời xây dựng mô hình phát triển du lịch cộng đồng và trải nghiệm dựa trên điểm nhấn chính là kết hợp Làng nghề truyền thống sản xuất bột và Làng hoa Sa Đéc. Khai thác các tour, tuyến du lịch tham quan Làng hoa Sa Đéc kết hợp tham quan, trải nghiệm quy trình sản xuất bột truyền thống cùng các nghệ nhân làng bột. Việc kết hợp 2 làng nghề truyền thống góp phần thu hút khách du lịch, quảng bá hình ảnh, giới thiệu nét văn hóa độc đáo cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế cho địa phương.
Bên cạnh các giải pháp của ngành chức năng, các hộ sản xuất bột cần chú ý quản lý chất lượng nguồn nước, nguyên liệu đầu vào và chất lượng đầu ra. Đối với đơn vị bán hàng, cần tiếp tục quan tâm nhu cầu, thị hiếu của khách hàng trong tiêu dùng các mặt hàng thực phẩm chế biến từ bột để các cơ sở chủ động có kế hoạch sản xuất, tăng cường quảng bá, giới thiệu bán hàng trên các sàn giao dịch và trang Website thương mại điện tử. Có như thế, người dân làng nghề mới yên tâm “bám nghề” và làng bột ngày càng phát triển bền vững.
Theo SÔNG NGÂN (Báo Đồng Tháp)