Chia không gian du lịch theo cụm
Theo kế hoạch, Đồng Tháp sẽ tập trung triển sản phẩm du lịch sinh thái đặc thù; du lịch văn hóa lịch sử - lễ hội - tâm linh; du lịch trải nghiệm nông nghiệp sạch công nghệ cao - làng nghề truyền thống; du lịch cộng đồng lưu trú tại nhà dân (homestay); du lịch ẩm thực kết hợp mua sắm đặc sản địa phương; du lịch hội nghị - hội thảo (MICE)…
Đặc biệt, không gian du lịch tại địa phương này sẽ được tập trung phát triển theo cụm.
Khu di tích cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc ở Đồng Tháp.
Cụm 1 sẽ gồm TP. Cao Lãnh và các huyện Cao Lãnh, Tháp Mười và Thanh Bình. Tại đây, với các loại hình sản phẩm du lịch như: Tham quan sinh thái rừng tràm ngập nước gắn với các trò chơi thể thao cảm giác mạnh; du lịch về nguồn tìm hiểu lịch sử cách mạng; du lịch nghỉ dưỡng ven sông Tiền; du lịch ẩm thực gắn với mua sắm đặc sản địa phương; du lịch lễ hội – văn hóa tâm linh; du lịch trải nghiệm nông nghiệp xanh – công nghệ cao gắn với làng nghề thủ công tiêu biểu…
Cụm 2 sẽ gồm TP. Sa Đéc và các huyện Châu Thành, Lai Vung và Lấp Vò, tập trung vào các sản phẩm du lịch như: Du lịch văn hóa – lễ hội hoa gắn với tham quan đường hoa, công viên hoa, kiến trúc cổ và mua sắm; du lịch cộng đồng lưu trú tại nhà dân (homestay) để trải nghiệm làng nghề truyền thống; du lịch nghỉ dưỡng tại các cồn, ngắm cảnh quan ven sông Tiền – sông Hậu.
Tham quan sinh thái rừng tràm ngập nước.
Cụm 3 sẽ gồm thị xã Hồng Ngự và các huyện Hồng Ngự, Tam Nông và Tân Hồng, với các điểm nhấn: Tham quan sinh cảnh đất ngập nước gắn với tìm hiểu đa dạng sinh học vùng Đồng Tháp Mười; du lịch trải nghiệm cuộc sống ngư dân mùa nước nổi gắn với tham quan bãi chim sinh sản tại Vườn quốc gia Tràm Chim; du lịch khám phá vùng biên giới…
Để kế hoạch được thực hiện quyết liệt, đồng bộ, Đồng Tháp sẽ thực hiện phối hợp tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức, và các tầng lớp nhân dân nhận thức đầy đủ về du lịch… Đồng thời, kế hoạch phát triển du lịch sẽ được lồng ghép vào nội dung các cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, gia đình, khóm ấp văn hoá, đô thị văn minh,... để tuyên truyền nâng cao nhận thức, quy tắc ứng xử trong cộng đồng nói chung và với khánh du lịch nói riêng.
Sự đầu tư mạnh mẽ và những mục tiêu lớn
Để tạo bước đột phá cho du lịch, Đồng Tháp có kế hoạch ưu tiên phát triển hệ thống giao thông kết nối tới các khu, điểm du lịch trọng điểm, các bãi đỗ xe, bến tàu khách du lịch, trạm dừng nghỉ và khu vệ sinh công cộng,... Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tập trung mời gọi đầu tư, từng bước hình thành hệ thống các khách sạn – nhà hàng, khu nghỉ dưỡng cao cấp; tổ hợp khách sạn kết hợp trung tâm thương mại - hội nghị - hội thảo; tiếp tục hỗ trợ các địa phương xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng; nâng cấp các điểm du lịch trọng điểm Tràm chim, Gáo Giồng, Xẻo Quít, làng Hòa An thuộc Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc và Gò Tháp,… để thu hút và giữ chân khách du lịch.
Sen là điểm nhấn của du lịch, văn hóa Đồng Tháp.
Đặc biệt, với điểm nhấn là sen, Đồng Tháp đặc biệt quan tâm các dự án phát triển du lịch sinh thái gắn với chuỗi giá trị sản phẩm từ cây sen, đưa hình ảnh hoa sen và các sản phẩm từ sen thực sự trở thành sản phẩm du lịch đặc thù…
Về liên kết, xúc tiến, quảng bá du lịch, Đồng Tháp có kế hoạch tăng cường hợp tác với các tỉnh, thành cả nước, trước hết là TP.HCM, các tỉnh/thành vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng quan hệ hợp tác trong nước và quốc tế; chú trọng hợp tác phát triển các tour tuyến liên kết với các đơn vị từ TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Kiên Giang – Phú Quốc, các tuyến du lịch đường thủy trên sông Mê Kông…
Với rất nhiều chương trình, kế hoạch cụ thể, Đồng Tháp đặt ra mục tiêu đến năm 2020 sẽ tạo nên một bức tranh du lịch hoàn thiện và khác biệt, vươn lên tốp đầu khu vực ĐBSCL về lượt du khách và doanh thu. Đến 2030, du lịch Đồng Tháp sẽ thực sự trở thành ngành kinh tế quan trọng, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm và nâng cao đời sống cho người dân...
Cụ thể hơn, vào năm 2020, Đồng Tháp sẽ thu hút 3,5 triệu lượt khách, doanh thu đạt 900 - 1.000 tỷ đồng. Đến 2030, ngành du lịch phấn đấu thu hút 5,650 triệu lượt khách, trong đó 160.000 khách quốc tế, doanh thu đạt 2.000 tỷ đồng và tạo việc làm cho 10.000 – 12.000 người dân địa phương.