Thưởng ngoạn cảnh đẹp trong Khu du lịch sinh thái Lung Ngọc Hoàng.
Điểm đến tốt, lượt khách tăng
Theo thống kê của ngành văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh, đến thời điểm này, Hậu Giang có 9 khu, điểm du lịch đã đi vào hoạt động là: Khu du lịch sinh thái Lung Ngọc Hoàng tại Trung tâm Nông nghiệp Mùa Xuân, Điểm du lịch Cây Lộc Vừng (ở huyện Phụng Hiệp), Vườn dâu Thiên Ân (thị xã Ngã Bảy), Vùng du lịch cộng đồng khóm Cầu Đúc (thành phố Vị Thanh)…
Tại thành phố Vị Thanh còn có hệ thống các công viên, bờ kè được đầu tư hoàn thiện, Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến thắng Chương Thiện cũng là một điểm đến thú vị nếu những ai đến Vị Thanh muốn tìm hiểu về lịch sử ở vùng đất này. Cùng với đó còn là hệ thống các khu di tích lịch sử: Căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ (xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp), Đền thờ Bác Hồ (xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ)… Ngoài ra, mỗi địa phương còn chọn điểm mạnh để đầu tư phát triển du lịch, nhất là du lịch sinh thái, cùng với đó là nhiều công trình, dự án du lịch cũng đang được đầu tư, hứa hẹn sẽ tạo thêm nhiều điểm đến mới.
Từ sự nỗ lực của tỉnh trong phát triển ngành công nghiệp không khói, khách du lịch tăng theo từng năm. Nếu như năm 2016, lượng khách đến Hậu Giang là 235.000 lượt khách, sang năm 2017 con số này là 332.000 lượt khách, tăng 41% so với năm 2016. Còn tính riêng trong 6 tháng đầu năm nay, Hậu Giang có 230.000 lượt khách, tăng 25% so với cùng kỳ (trong đó, khách quốc tế và nội địa tăng từ 25% đến 53% so với cùng kỳ). Cơ sở lưu trú cũng ngày một hoàn thiện, từng bước đáp ứng nhu cầu của du khách. Hậu Giang có 88 cơ sở lưu trú với hơn 1.000 phòng, trong đó có 1 khách sạn đạt chuẩn 2 sao, 5 khách sạn đạt chuẩn 1 sao và 3 cơ sở được công nhận nhà nghỉ du lịch. Các điểm kinh doanh ăn uống dù có quy mô nhỏ nhưng đa dạng, phong phú, văn minh, đáp ứng tương đối nhu cầu của du khách.
Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thủ
Bên cạnh đó, việc xây dựng những sản phẩm du lịch đặc thù cũng đang được tăng cường. Ở Khu du lịch sinh thái Lung Ngọc Hoàng, Nhà nước xây dựng hạ tầng giao thông, doanh nghiệp tham gia phát triển dịch vụ du lịch. Còn Dự án Khu du lịch sinh thái Việt Úc - Hậu Giang, đã thực hiện xong giai đoạn tạo cảnh quan, hình thành vườn chim nhân tạo, nuôi các động vật hoang dã và các loại thủy sản nước ngọt, dự kiến 2 năm nữa sẽ bắt đầu khai thác. Với dự án xây dựng, khai thác địa điểm Cây Lộc Vừng được đầu tư hơn 4 tỉ đồng, đã đưa vào khai thác…
Ông Lê Minh Dũng, Phó trưởng Phòng Quản lý Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: “Xác định sản phẩm du lịch là yếu tố quyết định, nên chúng tôi đã tìm ngòi, nghiên cứu và xây dựng một số sản phẩm du lịch như: mô hình du lịch nông nghiệm gắn với xây dựng nông thôn mới, tranh thủ được dự án của Tổng cục Du lịch về nghiên cứu, phát triển sản phẩm du lịch trên địa bàn với tổng kinh phí gần 400 triệu đồng. Qua đó, đã hỗ trợ hình thành, xây dựng các điểm du lịch cộng đồng tại vùng khóm Cầu Đúc (xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh), vùng quýt đường Long Trị (thị xã Long Mỹ)…”.
Bức tranh du lịch Hậu Giang đã có sự thay đổi đáng kể. Đó là nhờ có sự đặc biệt quan tâm của Tỉnh ủy. Nghị quyết số 09 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch Hậu Giang đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 ra đời vào năm 2014, đã định hướng, phân kỳ thực hiện theo từng giai đoạn. Ông Nguyễn Duy Tân, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhấn mạnh: “Dù quá trình triển khai thực hiện cũng gặp không ít khó khăn, nhưng bước đầu đã làm thay đổi nhận thức của lãnh đạo các ngành, các cấp, những người làm du lịch và người dân. Các địa phương đã bắt đầu quan tâm đến lĩnh vực du lịch, người dân cũng đã được ngành tạo điều kiện để làm du lịch cộng đồng. Động thái này càng tạo điều kiện để du lịch Hậu Giang chuyển mình, làm cho những người làm du lịch như tôi thấy rất vui”…
Theo VĨNH TRÀ (Báo Hậu Giang)