Du lịch sinh thái vườn cò hấp dẫn du khách ở Kiên Giang

31/05/2018 - 09:07

Ở khu vực vùng ven thành phố Rạch Giá (Kiên Giang) có một người âm thầm gây dựng vườn tràm 20 ha, để dụ chim, cò về trú ngụ.

Một số nơi trong tỉnh Kiên Giang diện tích rừng đang có chiều hướng giảm dần do nhiều nguyên nhân. Thế nhưng ở khu vực vùng ven thành phố Rạch Giá (Kiên Giang) có một người âm thầm gây dựng vườn tràm 20 ha, để dụ chim, cò về trú ngụ. 

Chủ nhân của vườn cò này là anh Nguyễn Văn Thanh 48 tuổi, ở ấp số 8, xã Sơn Kiên, huyện Hòn Đất. Là một kỹ sư lâm nghiệp, công tác trong ngành kiểm lâm, mỗi lần đi tuần tra phát hiện rừng bị xâm hại, nhiều loài động vật bị người dân săn bắt, anh Thanh rất đau lòng. Mong muốn có rừng tràm với nhiều đàn chim, cò về sinh sống được anh hình thành từ đó.

Ở dưới tán rừng tràm, anh Nguyễn Văn Thanh nuôi cá đồng và các loại rắn. Ảnh: Lê Sen - TTXVN

Được sự ủng hộ của vợ, anh Thanh làm thêm ngành nghề khác nhằm tích lũy vốn để mua đất trồng tràm. Năm 1999, khi có được ít vốn, anh bắt đầu mua đất, đến nay gia đình anh có hơn 20 ha. Đam mê với rừng, năm 2009, anh Thanh xin nghỉ việc để toàn tâm, toàn ý cho ước mơ của mình. 

Khi hình thành khu rừng tràm, anh Thanh gặp khó khăn vì không biết cách để dụ chim, cò về ở. Anh mày mò đi tìm hiểu các rừng tràm ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có chim, cò về sinh sống.

Vừa “tầm sư học đạo”, anh Thanh tìm mua vịt trời, le le và các loài thả vào khu rừng tràm với quan niệm khi đàn cò tìm đến rừng tràm trú ngụ nhìn thấy các loại chim trời này sinh sống ở dưới mặt nước được, chúng sẽ ở trên cây được. Khi “trên dưới hòa hợp”, đàn cò bắt đầu kéo về sinh sống nhưng cũng không được nhiều. Sau nhiều tháng ngày tiếp tục tìm tòi và thử nghiệm, anh Thanh đã có được “bí quyết” để dụ cò thiên nhiên về.

Do đặc tính của loài cò thường đẻ từ 4 - 5 trứng, sau khi nở ra, do một mình không lo nổi thức ăn cho các con, cò mẹ thường “đạp” bỏ, chỉ chừa lại 2 con. Biết được quy luật của loài cò như vậy, anh Thanh không để cho chúng phải “dạt” con mình ra, mà khi cò đã nở, chính anh đi bắt và chỉ chừa lại mỗi tổ 2 - 3 con.

Theo anh Thanh, với bí quyết này, đến năm 2013, chim cò bắt đầu về ở. Lúc đầu chủ yếu là cò, sau các loại chim còng cọc, vạc, chích, quốc, cúm núm… cũng kéo nhau về. Cuối năm 2017, anh Thanh quyết định mở điểm du lịch sinh thái Thanh Kiều để phục vụ du khách.

Đàn cò bay lượn trong khu du lịch sinh thái vườn cò Thanh Kiều của anh Nguyễn Văn Thanh. Ảnh: Lê Sen - TTXVN

Thế nhưng làm thế nào để thu hút du khách đến tham quan mà không ảnh hưởng đến đàn chim, cò cũng là điều mà vợ chồng anh Thanh trăn trở. Do vậy, ngoài việc bố trí lối đi khi khách đến tham quan không ảnh hưởng đến đàn chim, cò, anh Thanh bố trí nơi dừng chân ăn uống phải hài hòa như xây nhà thủy tạ bên ngoài khu vườn cò, xung quanh xây dựng các căn chòi để du khách nghe tiếng chim, cò kêu.

Cùng với đó, vợ chồng anh quảng bá qua nhiều kênh thông tin từ bạn bè, trên mạng, gắn kết với các tour du lịch… để du khách trong và ngoài tỉnh biết đến điểm du lịch sinh thái. Nhờ vậy, lượng khách đến ngày một đông, mỗi tháng trung bình có vài ngàn du khách đến tham quan. 

Anh Nguyễn Vũ Minh, du khách từ tỉnh Sóc Trăng cho biết, là người dân sinh sống ở Đồng bằng sông Cửu Long và đã đi nhiều nơi nhưng điểm du lịch sinh thái vườn cò Thanh Kiều rất hấp dẫn.

Chị Bùi Hoài Thu, ngụ thành phố Rạch Giá cho rằng, trong tỉnh Kiên Giang ít có nơi nào hình thành vườn sinh thái rộng lớn và có nhiều cò về sinh sống như vậy. Không chỉ được ngắm nhìn đàn cò bay lượn thích thú mà vào đây còn hưởng được không khí trong lành.

Theo LÊ SEN (TTXVN)