Giá lúa gạo ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vẫn ổn định

27/03/2022 - 19:17

Thị trường lúa gạo trong nước ổn định trong khi giá gạo tại Ấn Độ và Thái Lan lại giảm do đồng nội tệ yếu đi, giữa lúc các thương nhân chờ đợi vụ thu hoạch sắp tới ở Việt Nam.

Thu hoạch lúa ở quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ. (Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN)

Trong tuần qua, giá lúa gạo ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vẫn có sự ổn định so với tuần trước, riêng lúa nếp quay đầu giảm nhẹ.

Tại An Giang, giá các loại lúa vẫn duy trì ổn định so với tuần trước như OM 18 là 5.800-6.100 đồng/kg; Đài thơm tám từ 5.800-6.100 đồng/kg; lúa tươi IR 50404 ở mức từ 5.600-5.800 đồng/kg; OM 5451 từ 5.700-5.800 đồng/kg; riêng lúa Nhật 8.000-8.500 đồng/kg, tăng 400 đồng/kg.

Riêng lúa nếp đã có sự giảm giá so với tuần trước. Lúa nếp tươi An Giang ở mức từ 5.650-5.750 đồng/kg, giảm 250 đồng/kg; nếp Long An tươi từ 5.500-5.650 đồng/kg, giảm 150 đồng/kg.

Về giá các loại gạo ở An Giang cũng không có sự biến động: Hương lài 19.000 đồng/kg, sóc Thái 18.000 đồng/kg, gạo Nàng nhen 20.000 đồng/kg, Nàng hoa 17.500 đồng/kg, gạo trắng thông dụng 14.000 đồng/kg, gạo thơm thái hạt dài 18.000-19.000 đồng/kg; Jasmine từ 15.000-16.000 đồng/kg; gạo thường 11.000-12.000 đồng/kg.

Mới đây, chuẩn bị cho phiên họp Ủy ban Thương mại trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Vương quốc Anh (UKVFTA), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề xuất với Bộ Công Thương bổ sung vào danh mục gạo thơm được hưởng hạn ngạch thuế quan 6 giống lúa thơm mới, đồng thời đưa ra khỏi danh mục 2 giống lúa thơm.

Cụ thể, đưa ra khỏi danh mục 2 giống lúa thơm là OM4900 và Tài nguyên Chợ Đào; bổ sung vào danh mục 6 giống lúa thơm mới là ST24, ST25, Đài thơm 8, OM18, OM7347 và OM9921.

Nguyên nhân là giống gạo thơm được quy định trong danh mục từ năm 2013 khi tiến hành đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA).

Hiện nay, một số giống đã thoái hóa và không còn được đưa vào sản xuất để xuất khẩu. Bên cạnh đó, một số giống cho sản phẩm hạt gạo có màu đục, không trong nên không phù hợp với thị hiếu để xuất khẩu sang EU.

Trong gần một năm trở lại đây giá lúa gạo thơm và gạo chất lượng cao ổn định, bán được giá. Trong khi đó giá lúa nếp giảm thấp, có thời điểm bằng giống IR 50404 và chi phí đầu tư cao nên lợi nhuận giảm sâu.

Trước tình hình nhu cầu trên, Cục Trồng trọt khuyến cáo vụ Hè Thu 2022 này, các địa phương gieo cấy nhóm giống lúa chủ lực trắng trong, hạt dài như Đài thơm 8, OM5451, OM6976, OM4900, OM7347, OM4218, Jasmine 85, … đạt tỷ lệ từ 55-60%; nhóm giống thơm đặc sản: ST5, RVT, Nàng hoa 9, VD 20… từ 15-20%; riêng nhóm lúa nếp phải dưới 10% trong cơ cấu giống.

Trong khi thị trường lúa gạo trong nước ổn định thì trên thị trường gạo châu Á, giá gạo tại các nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới Ấn Độ và Thái Lan giảm do đồng nội tệ yếu đi, giữa lúc các thương nhân chờ đợi một vụ thu hoạch sắp tới ở Việt Nam.

Tại Ấn Độ, giá gạo đồ 5% tấm giảm xuống mức từ 367-370 USD/tấn, thấp hơn so với mức 371-378 USD/tấn trong tuần trước, do đồng nội tệ rupee yếu đi trong khi nhu cầu ổn định từ những người mua chủ chốt. Đồng rupee yếu hơn làm gia tăng lợi nhuận của thương nhân từ việc bán hàng ra nước ngoài.

Trong khi đó, giá gạo 5% tấm tại Thái Lan giảm xuống mức từ 408-412 USD/tấn trong tuần này, thấp hơn so với mức tè 410-428 USD/tấn tuần trước đó, do đồng baht yếu đi so với USD.

Theo Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, đồng baht yếu khiến giá gạo nước này cạnh tranh hơn và thúc đẩy doanh số bán hàng. Thái Lan dự kiến xuất khẩu hơn 7 triệu tấn gạo trong niên vụ này.

Tuy nhiên, một thương nhân cho hay những khó khăn trong lĩnh vực logistics vẫn là một thách thức khi thiếu tàu và giá cước vận chuyển cao. Vụ thu hoạch gạo mới của Thái Lan dự kiến sẽ đưa vào thị trường trong cuối tháng này.

Nông dân thu hoạch lúa tại huyện Châu Thành A, Hậu Giang. (Ảnh: Duy Khương/TTXVN)

Còn tại Việt Nam, giá gạo 5% tấm chào bán ở mức từ 415- 420 USD/tấn, không đổi so với tuần trước. Theo một thương nhân có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh, trong khi nguồn cung đang tăng giữa mùa thu hoạch tại Đồng bằng sông Cửu Long, các thương lái đang thương thảo để giảm giá mua từ người nông dân.

Thị trường nông sản Mỹ cho thấy, trong phiên giao dịch 25/3, giá các mặt hàng nông sản giao kỳ hạn trên sàn giao dịch Chicago (Mỹ) tăng, với giá lúa mỳ tăng mạnh.

Chốt phiên này, giá ngô giao tháng 5/2022 tăng 5,75 xu Mỹ (0,77%) lên 7,54 USD/bushel. Giá lúa mỳ giao cùng kỳ hạn tăng 16,5 xu Mỹ (1,52%) lên 11,0225 USD/bushel. Còn giá đậu tương giao tháng 5/2022 tăng 9,5 xu Mỹ (0,56%) lên 17,1025 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

Tình hình không chắc chắn của cuộc xung đột Nga-Ukraine và báo cáo vụ mùa tới của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) trong tuần tới đã tác động tới thị trường. Giữa bối cảnh chưa có nhiều thông tin mới, thị trường nông sản đang chờ đợi nhu cầu thế giới đối với lúa mỳ/ngô cải thiện cũng như theo sát diễn biến thời tiết ở Brazil và Bắc Mỹ trong tháng Tư.

Công ty nghiên cứu AgResource có trụ sở tại Chicago cho rằng đà tăng giá trên sàn CBOT sẽ không thể duy trì lâu. Giá ngô và đậu tương của Nam Mỹ đang giảm trong khi nhu cầu xuất khẩu ngô/lúa mì mới của Mỹ vẫn thấp.

Về thị trường càphê thế giới, trong phiên giao dịch càphê cuối tuần này, giá càphê thế giới trên hai sàn tại London và New York đều đồng loạt tăng điểm.

Kết thúc phiên giao dịch mới nhất, giá càphê Robusta trên sàn London giao tháng 5/2022 tăng 12 USD/tấn lên mức 2.148 USD/tấn. Còn giá càphê Robusta giao tháng 7/2022 tăng 13 USD/tấn lên mức 2.127 USD/tấn.

Còn giá càphê Arabica trên sàn New York giao tháng 5/2022 không đổi khi ở mức 221,85 xu Mỹ/lb. Và giá càphê Arabica kỳ hạn giao tháng Bảy tăng 0,10 xu Mỹ/lb, lên 221,80 xu Mỹ/lb (1 lb = 0,4535 kg).

Tại Việt Nam, giá càphê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên tăng từ 100-200 đồng, lên dao dộng trong khung 40.600-41.300 đồng/kg.

Giá càphê kỳ hạn đảo chiều hồi phục ngay từ đầu phiên khi các cuộc họp thượng đỉnh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và EU đang tìm biện pháp tháo gỡ khủng hoảng nguồn cung nhiên liệu cho châu Âu do xung đột ở Đông Âu và các lệnh cấm vận của phương Tây đối với Nga gây ra.

Mới nhất là Rabobank, ngân hàng đầu tư này vừa điều chỉnh dự báo sản lượng càphê Arabica của Brazil trong niên vụ 2022/2023 sẽ tăng 31,8% lên 41,1 triệu bao.

Trong khi đó, nông dân trồng càphê khắp nơi cho biết họ sẽ thắt chặt bán hàng ở mức giá kỳ hạn hiện hành do vật tư phân bón cho cây càphê đã quá đắt đỏ khiến họ sẽ bị thua lỗ trầm trọng.

Theo BÍCH HỒNG - HÀ CHUNG (TTXVN/Vietnam+)