Giá trị trường tồn của Lễ hội đình thần Nguyễn Trung Trực, Kiên Giang

08/02/2023 - 09:40

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Kiên Giang Nguyễn Văn Sáu cho biết, ngày 2/2, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó có Lễ hội đình thần Nguyễn Trung Trực, thành phố Rạch Giá.

A A

Lễ hội đình thần Nguyễn Trung Trực tại TP. Rạch Giá chính thức là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh minh họa: baokiengiang.vn

Lễ hội này được tổ chức hằng năm vào ngày 26 đến 28/8 Âm lịch tại đình Nguyễn Trung Trực, đường Nguyễn Công Trứ, phường Vĩnh Thanh, thành phố Rạch Giá. Mỗi năm, lễ hội thu hút hơn 1 triệu lượt khách thập phương về thắp hương tưởng nhớ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực.

Bên cạnh đó còn diễn ra nhiều hoạt động phong phú mang đậm bản sắc văn hóa phương Nam như Lễ thượng đại kỳ, tế đàn cả, đêm hội hoa đăng cầu quốc thái dân an diễn ra trên dòng Sông Kiên trước Đền thờ ông Nguyễn và lễ dâng hương tại Công viên tượng đài Nguyễn Trung Trực (thành phố Rạch Giá).

Trong khuôn khổ lễ hội còn diễn ra nhiều hoạt động khác, như sân khấu không gian đờn ca tài tử Nam Bộ; trưng bày ảnh nghệ; trình diễn thư pháp, các trò chơi dân gian, biểu diễn Vovinam…

Mộ và đình Nguyễn Trung Trực đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia từ 1988. Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực có tên là Nguyễn Văn Lịch, những năm đầu tham gia chống Pháp còn gọi là “Quản Lịch”, “Quản Chơn”. Ông sinh năm 1838 trong một gia đình sống bằng nghề chài lưới, ở Xóm Nghề, ven sông Bến Lức, tỉnh Long An.

Năm Tân Dậu (1861), Trương Định lúc đó giữ chức Phó Quản cơ Gia Định đã chiêu mộ nghĩa quân, tổ chức đánh Pháp nhiều trận. Trương Định đã đưa quân về đóng ở xứ Gò Thượng, thuộc huyện Tân Hòa (tỉnh Tiền Giang) để củng cố đội ngũ. Tại đây, Nguyễn Trung Trực đã gia nhập nghĩa quân do Trương Định lãnh đạo. Ông đã sớm bộc lộ tài năng, đức độ của một thủ lĩnh xuất sắc trong hàng ngũ nghĩa quân, nên được Trương Định trọng dụng, cho làm Quyền sung Quản binh đạo.

Thời gian này, ông được giao chỉ huy một bộ phận nghĩa quân hoạt động ở vùng Tân An, đã lập được nhiều công trạng, tiêu biểu nhất là trận “Hỏa Nhựt Tảo thuyền” - trận đánh chiếm và đốt cháy tàu Pháp tại vàm Nhựt Tảo, sông Vàm Cỏ, đoạn qua thôn Nhựt Tảo (thuộc tỉnh Long An) ngày 10/12/1861. Năm 1867, ông được phong chức Lãnh binh tỉnh Gia Định, rồi Thành thủ úy Hà Tiên.

Ngày 19/9/1868, ông bị thực dân Pháp bắt và đưa về Sài Gòn, dùng nhiều cách tra khảo và chiêu dụ ông đầu hàng, quy thuận nhưng đều thất bại. Biết không thể mua chuộc được ông, Pháp đưa ông về Rạch Giá xử chém vào ngày 27/10/1868.

Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực đã hy sinh oanh liệt với câu nói khí phách "Bao giờ Tây nhổ hết cỏ nước Nam mới hết người nước Nam đánh Tây". Sự hy sinh của ông đã góp phần hun đúc lòng yêu nước, ý chí quật khởi, kiên cường chống giặc ngoại xâm của người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Kiên Giang nói riêng.

Tấm gương sáng ngời về lòng yêu nước và chiến công hiển hách của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, góp phần giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống yêu nước, tinh thần quật cường chống ngoại xâm, bảo vệ đất nước của cha ông.

Theo LÊ SEN (TTXVN)