Thu hoạch cá tra ở Ðồng Tháp.
Có lãi... nhưng vẫn lo
Theo đánh giá của Hiệp hội Cá tra Việt Nam, năm 2022 được xem là khá thành công của ngành hàng cá tra khu vực ÐBSCL khi phần lớn doanh nghiệp xuất khẩu và người nuôi hoạt động hiệu quả nhờ giá cá duy trì ở mức cao. Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Châu Thành (tỉnh Ðồng Tháp), cho hay: “Sau mấy năm thua lỗ thì từ đầu năm 2022 đến nay hầu hết các hộ nuôi cá tra đều có được lợi nhuận, tạo tâm lý an tâm để đầu tư mở rộng diện tích, nhằm đảm bảo nguồn cá nguyên liệu phục vụ cho các nhà máy chế biến xuất khẩu”. Là một trong những hộ nuôi cá lâu năm ở khu vực sông Tiền thuộc huyện Châu Thành, ông Nguyễn Hữu Trí, thành viên HTX Dịch vụ nông nghiệp Châu Thành, tiết lộ: “Từ đầu năm đến nay gia đình ông đã xuất bán được 2 đợt gần 900 tấn cá với giá bình quân 30.000-31.000 đồng/kg, trừ chi phí còn lời 3.000-4.000 đồng/kg. Với tình hình như vậy thì bà con đã nhẹ thở rất nhiều so với 2-3 năm về trước”.
Ngược lên xứ Hồng Ngự, ông Nguyễn Trạng Sư là người có hơn 30 năm gắn bó với con cá tra, cho biết: “Năm 2022, cơ sở nuôi cá của gia đình đã cung ứng cho các nhà máy chế biến xuất khẩu khoảng 3.000 tấn cá nguyên liệu, với giá tương đối tốt. Nhờ đó vẫn tiếp tục duy trì được nghề cá và có điều kiện lo cho đời sống của anh em công nhân an tâm làm việc”. Trong khi đó, ở An Giang nhiều hộ nuôi cá tra cũng có kết quả khả quan. Ông Nguyễn Văn Tính, ngụ huyện Chợ Mới, tiết lộ: “Hồi quý III-2022, đã xuất bán 2 ao được gần 1.000 tấn cá, với mức lợi nhuận khoảng 3.000 đồng/kg sau khi trừ chi phí. Mặc dù chưa phục hồi hết “công lực” sau mấy năm lận đận của thời điểm dịch bệnh, nhưng về cơ bản các hộ nuôi cá đã dễ thở rất nhiều…”.
Sở dĩ giá cá tra trong nước duy trì mức giá cao là nhờ các doanh nghiệp nỗ lực tiếp thị, quảng bá, đẩy mạnh xuất khẩu. Kết quả xuất khẩu cả năm nay dự báo từ 2,4-2,5 tỉ USD. Các thị trường chính của cá tra nước ta là Trung Quốc và Hồng Kông chiếm gần 30%; Mỹ gần 23%; các nước thuộc CPTPP hơn 13%; EU 8,2%; Brazil 3,7%... “Sau khi dịch COVID-19 lắng xuống thì công ty chúng tôi đã chủ động nguồn cá nguyên liệu, thiết kế lại các dây chuyền sản xuất và huy động công nhân trở lại để tăng cường chế biến ngay từ đầu năm 2022. Do đó, khi các nước có nhu cầu “ăn hàng” mạnh lên thì công ty đã có sẵn sản phẩm chất lượng để cung ứng; nhờ đó năm nay các kế hoạch đề ra cơ bản đạt hiệu quả”, lãnh đạo Công ty CP Nam Việt cho hay.
Mặt được là vậy, tuy nhiên gần đây nhu cầu nhập khẩu cá tra trên thế giới giảm dần, nhất là tháng 10 và tháng 11-2022. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, nếu so với thời điểm đầu năm thì hiện nay thị trường không còn được tích cực như trước. Nguyên nhân do tác động của lạm phát khiến nhu cầu giảm dần qua từng tháng, nhất là tại các thị trường Mỹ, EU, Anh… và cả các thị trường vốn có lợi thế về thuế quan là CPTPP cũng ảnh hưởng. Chính xuất khẩu chậm lại đã khiến giá cá tra trong nước sụt giảm xuống mức 28.000 đồng/kg; thế là người nuôi vừa mừng trong nhiều tháng đầu năm thì nay cũng lo lắng khi sức tiêu thụ chậm dần…
Ðầu tư nâng chất lượng
Trước tình hình trên, quan điểm của Hiệp hội Cá tra Việt Nam là khuyến cáo các tỉnh ÐBSCL không tăng sản lượng (dừng lại ở mức 1,3-1,5 triệu tấn mỗi năm), để tập trung nâng cao chất lượng cá và giá trị xuất khẩu. Làm được việc này, cần các doanh nghiệp chủ động xây dựng vùng nguyên liệu cho nhà máy. Ðối với người dân khi nuôi cá phải có hợp đồng tiêu thụ, xóa tình trạng nuôi tự phát, nhỏ lẻ, manh mún. UBND các tỉnh yêu cầu ngành chức năng kiểm soát chặt chẽ việc nuôi cá tra; những hộ nào có đủ điều kiện như diện tích, xử lý môi trường, tay nghề… mới cấp phép cho nuôi; đồng thời kiểm soát được nguồn giống, thức ăn, vùng nuôi… nhằm nâng chất lượng cá.
Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, cho rằng, những năm gần đây ngành cá tra đã hoạt động bài bản và quản lý chặt chẽ hơn. Cụ thể, tình trạng nuôi tự phát, nhỏ lẻ “theo phong trào” đã chấm dứt; thay vào đó có khoảng 90% sản lượng cá nguyên liệu được các doanh nghiệp xuất khẩu đầu tư nuôi theo hình thức như doanh nghiệp tự nuôi, hoặc doanh nghiệp liên kết với các HTX, tổ hợp tác, nông dân để nuôi gia công cho mình. Phía cơ quan quản lý nhà nước hướng dẫn các vùng nuôi theo đúng quy hoạch, đảm bảo môi trường, nguồn nước… “Nếu như trước đây con cá tra chỉ lấy 2 miếng phi lê rồi bỏ hết những phần còn lại, thì nay các doanh nghiệp đã tận dụng toàn bộ con cá tra để chế biến hàng trăm sản phẩm khác nhau vừa phục vụ tiêu thụ nội địa, vừa xuất khẩu ra thế giới. Ðiển hình như Công ty CP Vĩnh Hoàn là doanh nghiệp tiên phong tận dụng da cá tra để chiết xuất collagen và gelatin mang lại giá trị kinh tế cao. Gần đây, Công ty CP Nam Việt cũng đầu tư nhiều tỉ đồng để xây nhà máy chế biến collagen và gelatin với công suất 780 tấn/năm… Ðây được xem là bước tiến mới đầy triển vọng của ngành cá tra ÐBSCL”, ông Quốc kỳ vọng.
Cũng kỳ vọng về hướng đi mới cho con tra cá trên trường quốc tế, ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Ðồng Tháp, chia sẻ: “Cá tra đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, do đó 7 năm nay tỉnh đã quyết liệt trong tái cơ cấu ngành cá tra nhằm khắc phục các hạn chế, hướng đến sự phát triển bài bản và bền vững. Theo đó, tỉnh đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất và quản lý để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn, có giá trị cao, đáp ứng được các yêu cầu khắt khe về chất lượng và an toàn thực phẩm của thị trường xuất khẩu khó tính. Nhờ cách làm mới hiệu quả mà năm 2022 này, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng cá tra của tỉnh đã vượt cột mốc 1 tỉ USD…”.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Ðức Tiến, tiềm năng và lợi thế về thủy sản ở vùng ÐBSCL là rất lớn, nhưng vẫn chưa khai thác hết, trong đó có cá tra. Quan điểm chung trong phát triển cá tra ở ÐBSCL tới đây cần theo hướng công nghệ cao, hữu cơ, tuần hoàn… nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường xuất khẩu và tiêu thụ trong nước. Bộ NN&PTNT tiếp tục phối hợp với các địa phương rà soát lại quy hoạch và đưa ra định hướng phát triển thời gian tới một cách hợp lý, không để phá vỡ quy hoạch, không chủ trương mở rộng diện tích quá nhiều nhằm tránh tình trạng “cung vượt cầu”. Tiếp tục đẩy mạnh liên kết giữa doanh nghiệp và người nuôi nhằm hình thành chuỗi sản xuất khép kín để đảm bảo ổn định đầu vào, đầu ra; đồng thời giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng cá, tăng sức cạnh tranh trên thị trường thế giới…
Theo Báo Cần Thơ